Một số suy nghĩ nhằm nâng cao tính tự giác và hiệu quả trong việc tự học, tự nghiên cứu của học viên
Đăng lúc: 09:18:31 05/06/2015 (GMT+7)2016 lượt xem
Giảng viên: Dương Bá Tiến
Khoa Lý Luận Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đổi mới đồng bộ công tác đào tạo từ công tác quản lý đến cách dạy, cách học theo hướng học hiểu, học vận dụng và học xử trí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới. Theo đó, đã tạo bước chuyển mạnh từ quá trình đào tạo sang tự đào tạo, thực hiện nguyên tắc giáo dục: “Trong việc học phải lấy tự học làm cốt” thay đổi căn bản từ “dạy - học thụ động sang chủ động”, từ dạy cái thầy có sang dạy cái học viên cần, thực tiễn cần, nhân dân cần. Tuy nhiên, với chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo Quyết định 1479/QĐ – HVCTQG hiện nay, lượng kiến thức quy định ở một số bài học, môn học là khá lớn nhưng việc phân bổ thời gian giảng dạy lại quá ngắn. Để đáp ứng việc tiếp cận nội dung kiến thức có chất lượng hiệu quả, đòi hỏi phải nâng cao việc tự học, tự nghiên cứu của học viên.Vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động tự học, tự nghiên của học viên có ý nghĩa quan trọng.
Vậy tự học, tự nghiên cứu là gì? Tự học, tự nghiên cứu là quá trình nỗ lực của người học đặc biệt là huy động các năng lực trí tuệ giành thời gian, công sức, tâm huyết để chiếm lĩnh kiến thức khoa học biến thành hiểu biết của cá nhân. Đây là một khâu quan trọng của quá trình nhận thức, là yếu tố quyết định trực tiếp đến kết quả học tập của từng cá nhân, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường. Thực tế những năm qua cho thấy, phần lớn học viên đã xác định cho mình động cơ học tập đúng đắn; xây dựng kế hoạch học tập một cách khoa học, nhất là thực hiện việc tự học, tự nghiên cứu. Nên đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khâu tự học, tự nghiên cứu của học viên tại Trường chính trị tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: động cơ học tập đôi khi chỉ là vì bằng cấp, chứng chỉ mà không phải là những kỹ năng, kiến thức để làm việc; ngại hỏi, ngại học. Trong lớp học, còn có hiện tượng ngại ghi chép bài; chưa tích cực tham gia ý kiến xây dựng bài, thảo luận, khi giảng viên đặt câu hỏi trong bài giảng, rất hiếm khi có phản hồi…học viên chưa đọc giáo trình trước khi đến lớp…, tất cả điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học viên.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao tính tự giác, hiệu quả việc tự học, tự nghiên cứu của học viên ở Trường Chính trị tỉnh, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng cho học viên thái độ động cơ học tập đúng đắn
Muốn nâng cao tính tự giác hiệu quả của việc tự học, tự nghiên cứu trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho học viên. Phải làm cho học viên có nhu cầu nhận thức, sự khát khao kiến thức lòng ham muốn tìm tòi là cơ sở để nuôi dưỡng động cơ học tập tích cực thường xuyên. Tự học, tự nghiên cứu là sự gắn kết giữa nhu cầu tự thân với sự đòi hỏi trong quá trình đào tạo mang tính tự giác, tích cực, chủ động và quyết tâm cao. Vì vậy cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ quản lý, giảng viên, học viên, nhất là thường xuyên quan tâm, sâu sát, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của học viên. Vì vậy, ngay từ đầu khoá học, nhà trường xác định động cơ học tập đúng đắn "học để làm việc" cho từng học viên; kịp thời phát hiện điều chỉnh những nhận thức lệch lạc trong động cơ học tập của học viên.
Trong quá trình giảng bài, mỗi giảng viên phải thường xuyên nắm bắt các nhu cầu nhận thức của học viên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học viên. Sau mỗi bài học, giảng viên cần tập trung hướng dẫn các nội dung tự học, tự nghiên cứu (bằng việc đưa ra hệ thống các câu hỏi) có tính chất bắt buộc mà học viên cần phải nắm, phải hiểu, gợi ý liên hệ, vận dụng ở địa phương; phải kiểm tra lại ở buổi học hôm sau việc chuẩn bị bài của học viên. Kịp thời động viên khuyết khích học viên tham gia nghiên cứu khoa học để phát huy tính tích cực trong học tập.
Hai là, yêu cầu xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu của học viên đầu khóa học
Xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu là cơ sở khoa học để giúp học viên phân chia thời gian học tập hợp lý, giúp học viên phân chia thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Đây là biện pháp để khắc phục tình trạng học dồn học ép, gây tâm lý căng thẳng, ức chế trong học tập và ngăn ngừa tình trạng lập kế hoạch tự học để đối phó. Thực tế đã chứng minh hiệu quả khâu tự học, tự nghiên cứu của học viên bị quyết định từ việc lập kế hoạch tự học, tự nghiên cứu. Do đó, việc lập kế hoạch phải tính toán cụ thể và khoa học các điều kiện khách quan, chủ quan và phải sát với khả năng tự nghiên cứu để lựa chọn được biện pháp thích hợp. Người học phải xây dựng một động cơ học tập đúng đắn, tự ý thức trách nhiệm của bản thân trong quá trình tự học; có ý thức ngăn ngừa tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì, thiếu tin tưởng thì mới đạt được kết quả cao trong học tập và rèn luyện.
Để thực hiện điều đó, người giảng viên phải thường xuyên nắm bắt các nhu cầu nguyện vọng nhận thức của người học đồng thời không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu và nguyện vọng của học viên. Về cơ bản học viên khi lập kế hoạch tự học, tự nghiên cứu cần chú ý một số khâu quan trọng sau đây:
- Kế hoạch tự học, tự nghiên cứu phải được lập ít nhất theo tuần, phân chia thời gian cụ thể đến từng ngày, thể hiện đầy đủ các cột mục của kế hoạch. Căn cứ vào các nội dung học tập trong tuần để bố trí thời gian tự học, tự nghiên cứu trong ngày phù hợp. Đề ra các yêu cầu cụ thể cần đạt được cho từng nội dung nghiên cứu.
- Kế hoạch lập ra phải có cơ sở để thực hiện, hàng ngày phải dựa vào các nội dung cụ thể trong kế hoạch để đề ra biện pháp, sắp xếp thời gian phù hợp, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nội dung mà kế hoạch đề ra. Thông qua thực tế thực hiện cần bổ sung hoàn thiện kế hoạch loại dần các yếu tố bất hợp lý, chồng chéo, làm cho kế hoạch đề ra ngày càng phát huy hiệu quả.
- Kế hoạch phải chú ý tới việc phân bố thời gian cho từng môn, từng bài, từng nhiệm vụ sao cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, khối lượng thông tin tương ứng; nội dung tự nghiên cứu cần luân phiên một cách hợp lý các loại hình tự học và các môn học có nội dung khác nhau. Đảm bảo tính mềm dẻo và tính thực tiễn không rập khuôn, máy móc. Có thể điều chỉnh thay đổi trình tự thực hiện các nội dung cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
- Trong kế hoạch cần xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cần sự giúp đỡ của các khoa chuyên môn, của giảng viên, giáo viên chủ nhiệm một cách tối đa. Sự giúp đỡ và hướng dẫn của giảng viên và các khoa chuyên môn sẽ giúp cho học viên biết cách học và học có hiệu quả. Bên cạnh đó phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả, đây cũng được coi là một nội dung của tự học, tự nghiên cứu. Qua tự kiểm tra, học viên tự nhận thức được ưu, khuyết điểm việc học tập của mình, chủ động điều chỉnh phương pháp tự học kết hợp giữa nghe, ghi, đọc tài liệu, bổ sung hoàn chỉnh nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu.
Tự học, tự nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người học viên không những trong quá trình học tập tại trường mà còn gắn bó với người cán bộ trong quá trình công tác của mình tại địa phương. Chỉ có phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu mới nâng cao trình độ kiến thức, hoàn thiện phẩm chất nhân cách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao hiện nay. Vì vậy mỗi học viên trong quá trình học tập phải xây dựng cho mình một phương pháp học tập thực sự khoa học phù hợp với khả năng của bản thân, tổ chức thực hiện ngiêm túc mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong điều kiện hiện nay.
Ba là, xây dựng phương pháp tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học
Phương pháp tự học, tự nghiên cứu có vai trò to lớn, quyết định chất lượng, hiệu quả việc tự học. Phương pháp tự học, tự nghiên cứu phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cao trong quá trình nghiên cứu. Việc tự học, tự nghiên cứu trong thực tế rất đa dạng và phong phú, diễn ra ở nhiều mức độ với nội dung, thời điểm, và đối tượng khác nhau. Vì vậy, không thể có phương pháp tự học, tự nghiên cứu chung cho mọi môn học, cho mọi người. Về cơ bản ta cần chú ý một số khâu quan trọng trong tự học, tự nghiên cứu sau đây:
- Nghe giảng và ghi chép: Người học phải tập trung chú ý nghe giảng kết hợp với ghi chép những vấn đề cần thiết theo ý hiểu của mình; rèn luyện thói quen suy nghĩ tiếp nhận thông tin có sàng lọc, có phê phán có liên hệ với thực tiễn và kinh nghiệm vốn sống của bản thân.
- Đọc tài liệu và ghi chép: Đọc tài liệu là khâu bắt buộc của tự học, tự nghiên cứu nên phải có phương pháp và biết cách đọc. Tuỳ theo mục đích mà đọc nhiều lần, hay đọc lướt qua, đọc toàn bộ hay đọc những phần có liên quan. Thông qua đọc tài liệu rút ra những vấn đề cơ bản, đánh dấu các nội dung trọng tâm, trọng điểm để bổ sung vào vở ghi bài giảng. Thông qua đọc tài liệu mà ghi chép những điều mình tâm đắc, là điều kiện để nâng cao hiệu suất tự học, tự nghiên cứu, Việc ghi chép tài liệu khi đọc còn giúp cho người học hình thành tư tưởng và chính kiến của riêng mình.
Bốn là, tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập
Việc nhìn nhận kết quả học được thực hiện bằng nhiều hình thức: bản thân tự đánh giá, sự đánh giá nhận xét của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu ban đầu…Tất cả đều mang một ý nghĩa tích cực, cần được quan tâm thường xuyên. Thông qua nó người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì chưa thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu để từ đó có hướng khắc phục hay phát huy.
Muốn hoạt động học tập có hiệu quả nhất thiết học viên phải chủ động tự giác, tự học, tự nghiên cứu bất cứ lúc nào. Ngoài ra, rất cần tới vai trò của người giảng viên trong việc trang bị cho học viên một hệ thống tri thức, kỹ năng, thái độ cùng với phương pháp tự học, tự nghiên cứu cụ thể, khoa học. Nhờ đó hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên mới có hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay./.
Các tin khác
- Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1169
Hôm qua:
2263
Tuần này:
5736
Tháng này:
28821
Tất cả:
5.327.095