NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ở Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021- 2026

Đăng lúc: 16:37:48 21/02/2023 (GMT+7)447 lượt xem

 Nâng cao hiệu quả hoạt động của người đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cấp thiết, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Microsoft Word_2023-02-21 15-22-43@2x.jpg
Đồng chí Trần Thị Ngọc Diệp - Phó Hiệu trưởng nhà trường
phát biểu tại Lễ Khai giảng lớp Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, nhiệm kỳ 2021- 2026
 
 Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Muốn HĐND hoạt động hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, là nơi bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đòi hỏi hoạt động của người đại biểu phải luôn đổi mới, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, nâng cao nhận thức và trình độ mọi mặt, nắm vững các quy định của pháp luật và phải có kỹ năng trong từng hoạt động của người đại biểu.

Xuất phát từ vị trí, tính chất, chức năng của HĐND trong hoạt động của Bộ máy nhà nước, với nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đảm nhận việc thực hiện Chương trình bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Với trọng trách đó, Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên Nhà trường đã nghiên cứu, tìm hiểu, viết và biên soạn các chuyên đề về kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Đồng thời, đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện chương trình bồi dưỡng, từ phương pháp giảng dạy cho đến việc lựa chọn nội dung bồi dưỡng nhằm trang bị cho mỗi đại biểu các kỹ năng quan trọng, cần thiết, sát thực trên cơ sở phù hợp với nội dung, chương trình Bồi dưỡng đại biểu HĐND mà Bộ Nội vụ quy định.

Phần giảng dạy các kỹ năng bao gồm: Kỹ năng chất vấn; Kỹ năng thảo luận; Kỹ năng tiếp xúc cử tri; Kỹ năng tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Những hoạt động trên của nhà trường đã phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ trong việc bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

Từ việc nghiên cứu, tìm hiểu về thực trạng việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu HĐND trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có thể ghi nhận những kết quả như sau:
Thứ nhất, nhiều đại biểu HĐND nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát, tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND.
Thứ ba, tham gia thảo luận, biểu quyết trên tinh thần dân chủ, xây dựng đối với các nội dung được trình tại kỳ họp HĐND.
Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri.
Thứ năm, sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
Thứ sáu, qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề mang tính nổi cộm, bức xúc ở địa phương; từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực HĐND, các ban của HĐND để tổ chức các đoàn giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Thứ bảy, nhiều vấn đề đã được đại biểu chất vấn và tái chất vấn đến cùng tại kỳ họp, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của mỗi đại biểu trong hoạt động dân cử.

Việc các đại biểu HĐND thực hiện hoạt động chất vấn và thảo luận trước khi tiến hành biểu quyết để ban hành nghị quyết tại các kỳ họp, cho thấy cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND bởi các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở ban hành các quyết sách đúng, trúng, có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, một số đại biểu HĐND kiêm nhiệm và một số đại biểu HĐND ở nhiệm kỳ đầu tiên nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, ít tham gia thảo luận, đóng góp tại diễn đàn kỳ họp, có đại biểu cả nhiệm kỳ không có ý kiến nào phát biểu tại kỳ họp hoặc có tham gia đóng góp nhưng chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao.

Để khắc phục được những hạn chế, chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Trường Chính trị tỉnh thực hiện đã trang bị cho mỗi đại biểu những kỹ năng cơ bản bằng việc thiết kế bài giảng công phu, đảm bảo tính khoa học, phù hợp. Mỗi bài giảng kỹ năng đều có các bước, các trình tự thực hiện các kỹ năng đó, những điều cần lưu ý khi thực hiện các bước của từng kỹ năng, đặc biệt là cách thức hướng dẫn việc áp dụng các kỹ năng nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi thực hiện trong thực tế trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình địa phương của mỗi đại biểu. Bên cạnh đó, kết thúc mỗi kỹ năng đều có phần kết lại bằng những những lời khuyên hết sức cô đọng, xúc tích, là phần lắng đọng nhất của mỗi kỹ năng. Đặc biệt hơn, đối với mỗi chuyên đề kỹ năng của người đại biểu đều có phần thực hành thông qua các tình huống thực tiễn; qua đó đã tạo không khí tham gia tích cực, sôi nổi, trách nhiệm với tinh thần hào hứng, phấn khởi của mỗi đại biểu nên phần thực hành được các đại biểu đánh giá rất cao.

Qua chương trình bồi dưỡng, mỗi đại biểu nhận thức một cách sâu sắc hơn nghĩa vụ của mình, góp phần nâng cao trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động đại biểu để thực hiện ngày càng tốt hơn, rèn luyện bản lĩnh trong hoạt động chất vấn; tích cực tham gia thảo luận, tranh luận tại kỳ họp; cùng HĐND bàn bạc và đi đến quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, phần giảng dạy các kỹ năng trong chương trình bồi dưỡng được thực hiện như sau:
Kỹ năng chất vấn được thực hiện bởi 3 bướ: chuẩn bị chất vấn; tiến hành chất vấn; theo dõi sau chất vấn. Việc Nhà trường thiết kế các bước trong quá trình thực hiện hoạt động chất vấn của người đại biểu HĐND xuất phát từ việc trao đổi và hưỡng dẫn cho các đại biểu cách thức đặt câu hỏi để đảm bảo đúng, trúng, đầy đủ và ngắn gọn.
Kỹ năng thảo luận được thực hiện bởi quy trình: chuẩn bị thảo luận, tham gia thảo luận, đánh giá hoạt động thảo luận. Việc trình bầy ý kiến của người đại biểu là vô cùng quan trọng; đây chính là cách thức, phương pháp, hoạt động mà đại biểu thường xuyên phải làm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong chương trình bồi dưỡng, nhà trường đã trao đổi, hướng dẫn các bước trong quy trình thảo luận tại kỳ họp của mỗi đại biểu HĐND.
Kỹ năng tiếp xúc cử tri được thực hiện bởi 3 bước: chuẩn bịtiếp xúc cử tri, tiến hành tiếp xúc cử tri, xử lý thông tin và tự đánh giá. Để có được các bước tiến hành trong tiếp xúc cử tri của người đại biểu HĐND, Trường Chính trị tỉnh đã bám sát vào các quy định của pháp luật cũng như các hoạt động thực tiễn của người đại biểu khi tiến hành tiếp xúc cử tri.
Kỹ năng tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện thông qua 3 giai đoạn: giai đoạn mở đầu; giai đoạn lắng nghe, trao đổi, giải thích, hướng dẫn; giai đoạn kết thúc. Đây là kỹ năng trên thực tế mỗi đại biểu rất ít thực hiện nên đã được Nhà trường lựa chọn phương pháp giảng dạy đa dạng, phong phú qua hình ảnh trực quan với việc trao đổi bằng tình huống thực tế thông qua đoạn video clip đã thể hiện sự sinh động, đa dạng các phương pháp trong toàn bộ chương trình bồi dưỡng, mang lại những điều mới mẻ, thú vị, tránh được sự nhàm chán trong suốt thời gian thực hiện hiện chương trình bồi dưỡng.

Với vai trò là người đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của Nhân dân, hoạt động của đại biểu HĐND có tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của HĐND và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở mỗi địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ
, người đại biểu trước hết phải được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, từ đó đại biểu tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, có khả năng về phân tích chính sách, thu thập và xử lý thông tin; khả năng thuyết phục
Nhờ các kiến thức và kỹ năng của chương trình đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 mà Trường Chính trị tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng, mỗi đại biểu HĐND được trang bị phương pháp học tập, nghiên cứu, làm việc, nâng cao kỹ năng hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đại biểu HĐND./.
TS. Phạm Thị Hoài Thu
Phó Trưởng khoa Nhà nước& pháp luật
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1752
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11930
Tháng này:
58304
Tất cả:
4.423.184