NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

NÂNG CAO HIỆU QUẢ “LẤY PHIẾU PHẢN HỒI TỪ NGƯỜI HỌC” Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THANH HÓA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Đăng lúc: 16:46:08 11/08/2017 (GMT+7)2992 lượt xem

 
Nguyễn Văn Sơn
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 
Thực hiện đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường bộ, ngành ngày 23 tháng 01 năm 2015, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 09/HD-HVCT về việc lấy phiếu phản hồi từ người học. Đây là việc làm cần thiết, nhằm đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên; góp phần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư phạm và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên; tăng cường trách nhiệm của của học viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Đây cũng là một trong các kênh thông tin giúp Ban giám hiệu nắm được tình hình chất lượng đội ngũ giảng viên và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng trong tương lai.
 b11.png
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị chuyên đề
“Rút kinh nghiệm lấy phiếu đánh giá giảng viên” (ngày 29/6/2017)
Trên cơ sở Hướng dẫn số 09/HD-HVCT, ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng trường Chính trị Thanh Hóa đã ra Quyết định thành lập Tổ lấy phiếu phản hồi từ người học. Qua hai năm thực hiện việc lấy phiếu phản hồi từ người học với hơn 200 lượt của gần 80 giảng viên lên lớp, đã thu được những kết quả nhất định như: Học viên khá nhiệt tình hưởng ứng hoạt động lấy phiếu của Nhà trường; các thông tin nội dung trong phiếu được phản ánh khá đầy đủ, trung thực; thông tin về hoạt động giảng dạy của giảng viên được kịp thời phản ánh; các kiến nghị, đề xuất hợp lý của học viên được Nhà trường ghi nhận và có sự điều chỉnh theo nhu cầu của học viên; Giảng viên lên lớp tiếp thu tinh thần phản ánh của học viên đối với bài giảng của mình nên đã có sự thay đổi, giờ giảng chất lượng hơn, lôi cuốn hơn; các Khoa chuyên môn nắm bắt được thông tin về tình hình lên lớp của các giảng viên trong khoa, từ đó có những điều chỉnh, bố trí, sắp xếp giảng viên lên các lớp một cách hợp lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua hoạt động lấy phiếu phản hồi từ người học còn tồn tại một số vấn đề như:
Một là, về nhận thức, tư tưởng: Trong quá trình tổ chức thực hiện ban đầu có sự phản ứng của một bộ phận giảng viên, cho rằng đây là việc làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy trên bục giảng, không phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng học viên không có quyền nhận xét đánh giá thầy giáo; Đây cũng là điều kiện cho những học viên học tập, rèn luyện chưa tốt, bị điểm kém, bị phê bình có cơ hội nói xấu thầy, cô và phản ánh không trung thực vào phiếu đánh giá. Bên cạnh đó học viên cũng chưa thực sự nhận thức được vai trò, ý nghĩa của hoạt động lấy phiếu phản hồi từ người học nên đôi khi làm qua loa, đại khái, chưa cung cấp những thông tin xác thực về tình hình giảng viên lên lớp.
Hai là,về hoạt độngtriển khai hướng dẫn lấy phiếu: Tổ lấy phiếu đã thực hiện đầy đủ quy trình tổ chức lấy phiếu nhung chưa thực sự tạo được sự cuốn hút và sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của học viên. Nên trong quá trình tổ chức triển khai lấy phiếu một số học viên có quan niệm việc lấy ý kiến chỉ là hình thức, nên chỉ làm cho xong việc, chất lượng lấy phiếu không cao.
Ba là, về mẫu phiếu: Với mẫu phiếu theo hướng dẫn của Học viện các tiêu chí trong thang đánh giá chưa thực sự rõ ràng và chia thành khá nhiều mức: Rất không hài lòng; Không hài lòng; Hài lòng; Khá hài lòng; Rất hài lòng” với nhiều mức độ như vậy làm cho học viên khá băn khoăn trong việc tích vào ô đánh giá. Bên cạnh đó với việc chia mẫu phiếu thành 20 tiểu mục khác nhau là hơi dài và không cần thiết. Vì với việc chia phiếu thành nhiều tiểu mục như vậy sẽ gây mất thời gian và nếu không đọc kỹ sẽ nhầm lẫn giữa các tiêu chí đánh giá
Bốn là, về thời gian tổ chức phát phiếu: thực tế cho thấy các thành viên trong tổ phát phiếu cũng chưa xác định rõ thời điểm phát phiếu cho phù hợp. Nếu phát vào đầu buổi và giữa buổi thì học viên trong buổi học chỉ chú ý ngồi đọc và xem phiếu nên không tập trung vào bài giảng của giảng viên. Còn nếu phát vào cuối buổi thì học viên sẽ làm qua loa, đại khái để nhanh ra về. Vì vậy phát phiếu vào thời điểm nào cho hợp lý cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình lấy phiếu.
Năm là, về số lần lấy phiếu: Theo quy định của Học viện, mỗi giảng viên phải được lấy phiếu ít nhất 02 lần/năm học, mà với số lượng giảng viên đông đảo gần 80 giảng viên thì sẽ có tới hơn 160 lần lấy phiếu. Để đảm bảo mỗi giảng viên lấy phiếu 2 lần/năm học thì trung bình mỗi lớp sẽ có hơn 10 lần lấy phiếu, như vậy là khá nhiều và sẽ tạo ra tâm lý nhàn chán, đối phó của học viên trong việc cung cấp các thông tin vào phiếu và đưa ra các kiến nghị đối với Nhà trường.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu phản hồi từ người học, trường Chính trị Thanh Hóa cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
1. Nhóm giải pháp về nhận thức, tư tưởng
Thứ nhất, đối với cán bộ giảng viên Nhà trường
Cần nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của việc lấy phiếu phản hồi từ người học. Thông qua hoạt động lấy phiếu, giảng viên sẽ biết mình còn thiếu sót gì, cần bổ sung hay điều chỉnh những vấn đề gì để trong giảng dạy chủ động hơn, tự tin hơn, bài giảng sinh động và có sự lôi cuốn hơn đối với học viên. Qua đó, có sự đồng thuận và nhất trí cao trong toàn thể cán bộ giảng viên của nhà trường để triển khai hoạt động lấy phiếu một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, đối với học viên
Học viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, xem việc lấy phiếu phản hồi từ người học vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mình từ đó đưa ra ý kiến trung thực, khách quan phản ánh đúng quá trình giảng dạy của giảng viên lên lớp. Bên cạnh đó học viên cũng cần chủ động đưa ra ý kiến phản hồi về các hoạt động của Nhà trường và đề xuất những ý kiến mang tính xây dựng để nhà trường có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và lợi ích của học viên.
Thứ ba, đối với thành viên Tổ lấy phiếu
Với khối lượng công việc khá nhiều và mang tính chất nhạy cảm nên mỗi thành viên của Tổ lấy phiếu phải hết sức nhiệt tình, trung thực, khách quan trong thực hiện các khâu của quy trình lấy phiếu. Tuy thực hiện công việc mang tính kiêm nhiệm nhưng hoạt động của các thành viên trong tổ sẽ góp phần quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên Nhà trường nên mỗi thành viên trong tổ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, để mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.
2. Nhóm giải pháp về cách thức tổ chức, triển khai công việc
Thứ nhất, về xây dựng kế hoạch lấy phiếu: Hàng năm Tổ lấy phiếu phản hồi từ người học cần tham mưu cho Ban Giám hiệu Kế hoạch lấy phiếu phản hồi của học viên ngay từ đầu năm học; Xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, tiến độ thực hiện của hoạt động lấy phiếu diễn ra trong năm để Giám hiệu ban hành và triển khai trong toàn trường
Thứ hai, về mẫu phiếu phản hồi: Với mẫu phiếu theo hướng dẫn của Học viện đang còn một số bất cập, Tổ lấy phiếu phản hồi từ người học trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các Khoa, Phòng và giảng viên trong Trường cần tham mưu cho Ban Giám Hiệu ban hành mẫu phiếu mới diễn đạt lại một số nội dung đánh giá ghi trong mẫu phiếu cho ngắn gọn và khoa học, để học viên thuận tiện trong đánh giá các tiêu chí
Thứ ba, về cách thức lấy phiếu: với số lượng giảng viên đông đảo như ở trường chính trị Thanh Hóa thì không nên chỉ lấy phiếu ở các lớp chính quy tập trung ở trường mà cần phải kết hợp với Thanh tra đào tạo để vừa thanh tra vừa kết hợp lấy phiếu ở các lớp tại chức được tổ chức ở các huyện trong tỉnh. Qua đó có thể làm giảm số lượt lấy phiếu ở các lớp tập trung từ đó tăng chất lượng lấy phiếu tránh được tình trạng làm qua loa, đại khái.
Thứ tư,về việc hướng dẫn lấy phiếu:việc triển khai bài bản, khoa học trong việc hướng dẫn lấy phiếu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên. Vì vậy Tổ lấy phiếu phản hồi từ người học cần phải quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của công tác này và đề nghị học viên cần nhận thức đầy đủ, trách nhiệm cũng như ý thức trong việc ghi ý kiến phản hồi vào phiếu, tránh không để bị chi phối bởi cảm tính, định kiến chủ quan và những yếu tố không tích cực, làm cho thông tin trong phiếu bị sai lệch, dẫn đến kết quả không xác thực.
Thứ năm,về thời gian lấy phiếu:nên phát phiếu cho học viên sau khi kết thúc buổi học, hoặc kết thúc môn học mà giảng viên đó phụ trách vì nếu phát phiếu vào đầu hay giữa buổi học thì học viên chưa có nhiều thời gian suy nghĩ, cảm nhận dẫn đến khó có thể đánh giá chính xác được chất lượng bài giảng, mặt khác làm ảnh hưởng đến thời lượng và mức độ tập trung bài giảng; Ngược lại, nếu lấy phiếu quá xa thời gian của bài giảng khi đã chuyển sang bài giảng của người khác thì rất có thể học viên sẽ không nhớ chính xác, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá. Nên quy định về thời gian để học viên ghi phiếu và thời gian nộp phiếu; Có thể nộp vào tiết học buổi kế tiếp để học viên có thời gian suy nghĩ, đánh giá chính, tránh tình trạng vì vội mà làm qua loa, lấy lệ.
Thứ sáu,về việc tổng hợp, xử lý và triển khai kết quả phiếu:Những thông tin trong phiếu là một trong những kênh giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên nghiên cứu thông tin để rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp, điều chỉnh trong hoạt động của mình, cũng như giúp Ban Giám hiệu nhà trường đổi mới quản lý nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Vì vậy, những cá nhân được phân công phát phiếu và tổng hợp xử lý báo cáo kết quả phải hết sức trung thực, chính xác, phản ánh khách quan mọi nội dung thể hiện trong phiếu ý kiến.
3. Nhóm giải pháp về xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng
Hiện nay rong quá trình phát triển Nhà trường luôn xác định: nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá; xây dựng môi trường kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Với việc xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường với học viên. Thực tế cho thấy chỉ khi nào quan hệ “Nhà trường – Nhà giáo – Học viên” dựa trên những chuẩn mực, có quan tâm, thân thiện, gần gũi, biết chia sẻ, biết lắng nghe thì chắc chắn ở đó sẽ được sự góp ý chân thành của học viên, hoạt động lấy phiếu từ người học sẽ được thực hiện hiệu quả hơn
Như vậy có thể khẳng định rằng “Lấy phiếu phản hồi từ người học” là chủ trương đúng, cần phải được thực hiện thường xuyên để góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có phương pháp giảng dạy tích cực; Tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học trong học tập, rèn luyện của bản thân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3968
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12786
Tháng này:
62943
Tất cả:
4.361.480