HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nhớ mãi một mùa thu lịch sử

Đăng lúc: 13:35:58 18/08/2019 (GMT+7)710 lượt xem

 NCS. Dương Thị Hằng
Phó Trưởng khoa, Khoa Lý luận cơ sở
 
Có một mùa thu đã đi vào lịch sử, mùa thu của những ngày kháng chiến gian nan nhưng rất đỗi tự hào, mùa thu của những thắng lợi vẻ vang được đánh đổi bởi lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc. Mùa thu ấy đã đi qua gần một thế kỷ, nhưng luôn là khởi đầu cho sự thay đổi của dân tộc Việt Nam.
Những tháng ngày khi dân tộc ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, nhân dân đói khổ triền miên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã từng bước diệt ba thứ giặc: “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Chưa bao giờ tinh thần lạc quan, tương thân tương ái, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc lại cao đến như vậy; toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, Bắc - Nam như một, cùng quyết liệt chống lại kẻ thù, cùng chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, vì mục tiêu “chuyển từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình”.
Tất cả lòng lạc quan, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc đã “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1), tạo nên giờ khắc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nếu như cách mạng tháng Tám là sự dồn dập, khẩn trương của toàn dân tộc cho cuộc chiến vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, thì ngày 2/9/1945 lại là sự lắng đọng của những cảm xúc hân hoan đón mừng thành quả. Nếu như cách mạng tháng Tám là tiếng còi hiệu triệu toàn dân tộc chung ý chí, cùng nguyện vọng xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bằng tất cả các hình thức mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, đấu tranh… trong không khí cách mạng vô cùng sôi động từ Bắc vào Nam, với quyết tâm “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”(2), thì ngày 2/9/1945 lại để lại trong trái tim mỗi người dân nước Việt những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc sâu sắc....
Mùa thu năm ấy, trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng triệu quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới rằng, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Thật đúng như lời Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(3), nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là công sức hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, là thành quả của khối đại đoàn kết toàn dân; mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà mỗi một người dân Việt Nam đều có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.
Niềm tự hào của một dân tộc lầm than, rũ mình đứng lên từ vũng bùn nô lệ, niềm tự hào của một dân tộc “đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập”, “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(4). Niềm tự hào đó đã và đang được lan truyền mãi đến các thế hệ con dân nước Việt. Mỗi năm, vào những ngày thu lịch sử, mỗi người dân Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, cũng không khỏi xúc động bồi hồi khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử.
Lịch sử đã sang trang, mùa thu nay cũng đã khác, nhưng bóng cờ rợp khắp trời đất nước từ Bắc vô Nam vẫn đỏ rực một màu, minh chứng cho một dân tộc anh hùng bất khuất kiên trung, vươn mình đứng dậy từ lớp bùn phong kiến và thực dân đô hộ. Vang trong tim mỗi người dân đất Việt là những lời Tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(5).
Cũng từ mùa thu lịch sử của dân tộc, đất nước ta đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Thành quả của cuộc cách mạng, những giá trị dân chủ, công bằng của bản Tuyên ngôn Độc lập đã và đang là sức mạnh tinh thần, được vận dụng, phát huy và đem lại những thành quả to lớn trên con đường hội nhập và phát triển của đất nước; viết tiếp những dấu ấn trong trang sử vẻ vang của dân tộc, tiếp sức cho dân tộc Việt Nam đi tới với niềm tin vững chắc. Thành tựu rõ nét nhất là đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn được xây dựng ngày một đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, lá lành đùm lá rách... được quan tâm, đã và đang phát huy hiệu quả trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm lịch sử mới.
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, niềm tự hào về tầm vóc và ý nghĩa của mùa thu lịch sử, phải gắn liền với việc nhận thức sâu sắc việc củng cố, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng là quyền lợi và trách nhiệm, là ý chí và tình cảm của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân. Bản thân trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sáng suốt, tiên phong, gương mẫu, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Xác định rõ việc giữ vững quyền tự do và độc lập của dân tộc bằng cách không ngừng học tập, tuyên truyền, xây dựng một đảng Mác - Lênin có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sáng suốt, thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Bên cạnh đó phải khắc ghi bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội, tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tổ chức và động viên, quy tụ toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, duy trì, phát triển hiệu quả khối đại đoàn kết toàn dân về cả chất và lượng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từ nông thôn đến thành thị, từ đó củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”.
Ngoài ra, còn phải chú trọng phát huy bài học “sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tận dụng thời cơ và nắm bắt thời cơ để xây dựng và hoàn thiên mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Có như vậy chúng ta mới chuyển từ tình cảm yêu nước, niềm tự hào dân tộc thành những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần củng cố và xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.
 
Tài liệu tham khảo
 
 (1) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.38.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 596.
(3),(4),(5) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 3.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
453
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10631
Tháng này:
57005
Tất cả:
4.421.885