NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Những bài học qua chuyến đi nghiên cứu thực tế về miền quê Hoằng Hoá

Đăng lúc: 09:27:54 18/08/2022 (GMT+7)1544 lượt xem

 hh1x.jpg
Tham quan Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Học phải đi đôi với hành... Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Theo tư tưởng xuyên suốt của Bác trong việc chỉ dẫn cho thanh niên học tập, rèn luyện, lý luận phải gắn với tực tiễn, những học viên lớp A4K49 đang học tập lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá ghi thêm vào trang nhật ký tuổi trẻ về chuyến đi nghiên cứu thực tế tại mảnh đất quê hương Hoằng Hóa.
Trước khi chuyến xe khởi hành, chúng em đã kịp lưu lại những bức ảnh kỷ niệm cùng thầy Hiệu trưởng tại mái trường thân yêu, kèm theo những lời căn dặn của thầy: “Học mà vui - vui mà học”. Ngoài đi tiếp thu học hỏi kinh nghiệm, đây cũng là cơ hội gắn kết tình cảm giữa thầy, cô và các học viên trong lớp.
hh2.png
Tập thể lớp A4 chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Hiệu trưởng trước khi lên xe đi NCTT
 
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là UBND xã Hoằng Lộc. Tại đây, Đoàn được các đồng chí lãnh đạo huyện Hoằng Hoá và các đồng chí lãnh đạo xã Hoằng Lộc đón tiếp; đặc biệt, Đoàn được nghe đồng chí Bùi Quang Sáng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hoằng Lộc báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã và những kinh nghiệm xây dựng NTM kiểu mẫu.
hh3.jpg
Học viên tiếp thu kiến thức thực tế tại hội trường UBND xã Hoằng Lộc
Tiếp theo lịch trình, Đoàn đi tham quan Cụm di tích lịch sử văn hoá quốc gia Bảng Môn Đình; về Trung tâm huyện Hoằng Hoá tham quan Nhà truyền thống huyện. Tại đây, Đoàn được nghe đồng chí Lê Hồng Quang - Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27 và thông qua báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình phát triển các sản phẩm OCOP tại Hội trường UBND xã Hoằng Thắng, những thành viên Đoàn NCTT lớp A4 đã dừng chân trên bãi biển Hải Tiến, một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của vùng đất xứ Thanh. Và, tập thể lớp A4 sẽ chẳng thể nào quên những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm đáng quý ở nơi đây.
Trở lại trường học tập và về địa phương công tác, mỗi học viên lớp A4 mang thêm hành trang là những bài học bổ ích với nhiều mô hình thiết thực trong đời sống của miền đất hiếu học Hoằng Hoá. Đối với cá nhân em, những kết quả mà bản thân đã học được qua chuyến đi nghiên cứu thực tế như sau:
Một là, sự sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền huyện Hoằng Hóa và sự đoàn kết đồng lòng của người dân tạo nên một sức mạnh tổng thể. Nhờ đó, kết quả của huyện là đã gặt hái được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực, điển hình là trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới.
Hai là, cảm nhận sâu sắcvề tinh thần hiếu học của con người Hoằng Hóa. Bảng Môn Đình ở xã Hoằng Lộc là minh chứng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc. Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học đó, theo Báo cáo của huyện năm 2021 có một học sinh đỗ thủ khoa khối A với 29,5 điểm và 17 em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Đây là một điểm ấn tượng để bản thân là một người giáo viên miền núi Bá Thước như tôi học tâp tinh thần hiếu học nơi đây để về truyền thêm lửa cho các em học sinh của quê hương mình tích cực hơn trong phong trào thi đua học tập.
Ba là,ấn tượng về các sản phẩm OCOPcủa Hoằng Thắng. Ngoài cảnh quan đẹp, có nhiều cây xanh bao phủ ở Hoằng Thắng thì các sản phẩm OCOPcũng là mô hình hay để các học viên học tập. Với 15 sản phẩm được cấp sao OCOP cấp tỉnh, trong số đó sản phẩm mắm tôm Lê Gia là một trong 20 sản phẩm được lựa chọn đủ điều kiện trở thành sản phẩm OCOP Quốc gia và đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận, điều đó là niềm tự hào cho quê hương xứ Thanh. Qua đó, những suy nghĩ về quê hương Bá Thước trong em trỗi dậy, mong sao mảnh đất quê hương mình có những sản phẩm chất lượng tạo nên thương hiệu như vậy.
Những bài học thu hoạch được về những điểm thực tế trên mảnh đất Hoằng Hoá qua chuyến đi nghiên cứu thực tế rất ý nghĩa đối với mỗi học viên lớp A4. Trên tinh thần xây dựng, bản thân em xin được đóng góp một số ý kiến để hoạt động này càng trở nên bổ ích hơn.
Thứ nhất, Nhà trường cần đổi mới nội dung nghiên cứu thực tế cho các lớp. Trong hai ngày, lớp chúng em đã đi 3 đơn vị và cả 3 đơn vị trên chủ yếu đều nghe báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội. Theo em, điều đó rất bổ ích cho học viên trong việc tiếp thu những kinh nghiệm và thấy được giữa lý luận trên ghế nhà trường với thực tiễn trong đời sống. Tuy nhiên, các địa điểm đều nghe báo cáo kinh tế - xã hội cũng tạo nên áp lực cho học viên khi tiếp thu một lúc nhiều kiến thức và tạo nên sự nhàm chán.
Với đặc điểm là một lớp có học viên công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đa số học viên làm ở các khối đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... và giáo viên các trường. Vậy thay vì nghe nhiều báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương thì nên cho học viên đi thăm quan các mô hình thiết thực của Đoàn Thanh niên hay của các tổ chức khác đã góp công xây dựng trong chương trình về đích nông thôn mới hoặc đi thăm quan các trường học đạt chuẩn quốc gia để các em có thêm cái nhìn phong phú hơn, học hỏi được nhiều điều hơn để về cơ quan tham mưu cho lãnh đạo và áp dụng vào tình hình cụ thể địa phương cho phù hợp.
Hai là, các đơn vị đón tiếp học viên đi NCTT nên tổ chức cho học viên đi tham quan, trải nghiệm “mắt thấy, tai nghe” nhiều hơn, hoặc trong các báo cáo của địa phương cần thêm các sile hình ảnh, video để học viên được nhìn thấy những hình ảnh thiết thực, qua đó báo cáo cũng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Mặt khác, ngoài những thành quả đạt được trong báo cáo, cần đưa thêm những khó khăn mà địa phương đang gặp phải và đề ra hướng khắc phục.
Ba là,Nhà trường cần tiếp tục tăng cườngnâng cao nhận thức chohọc viên về hoạt động nghiên cứu thực tế, là một môn học trong chương trình đào tạo. Các học viên cần có thái độ tích cực hơn nữa và có nhiều ý kiến trao đổi với địa phương để tạo nên không khí sôi nổi, qua đó giải đáp những thắc mắc mà nhiều học viên còn băn khoăn.
Kết thúc một chuyến đi là khép lại một trang nhật ký, nơi có những người thầy, người cô, các bạn học viên yêu quý và cả những bài học quý giá cho những trải nghiệm của tuổi trẻ. Chúng em xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Nhà trường đã tạo cơ hội để lớp học có chuyến đi đầy ý nghĩa. Chúng em xin gửi lời cảm ơn tới các thầy, cô giáo và các đồng chí lãnh đạo địa phương, dù thời tiết mùa hè oi ả những đã không quảng ngại vất vả, luôn đồng hành, giúp đỡ chúng em. Cảm ơn chuyến đi đã góp thêm kỷ niệm của thanh xuân dưới mái Trường Chính trị. Những bài học hôm nay sẽ giúp chúng em phục vụ tốt hơn cho công việc cũng như cuộc sống của mình, như câu nói của Bác “Học để làm người, học để làm việc và học để làm cán bộ”./.
Học viên: Bùi Thị Tuyến.
Lớp:  A4k49 TCLLCT
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1317
Hôm qua:
2022
Tuần này:
9388
Tháng này:
4660
Tất cả:
4.435.948