NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Những đặc trưng cơ bản của CNXH trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản và sự vận dụng của Đảng ta về xây dựng mô hình CNXH ở Việt Nam

Đăng lúc: 09:45:07 23/02/2018 (GMT+7)73907 lượt xem

 ThS. Đinh Thị Bình
 Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
 
  Đúng vào ngày này, cách đây 170 năm, ngày 24 tháng 2 năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – một Văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác, một tác phẩm lý luận bất hủ do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản – một tổ chức công nhân quốc tế đã lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn (thủ đô nước Anh).
Trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ rưỡi vừa qua, lịch sử nhân loại đã diễn ra với biết bao biến đổi thăng trầm, song Tuyên ngôn vẫn luôn tồn tại với tư cách Văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về cách mạng vô sản. Những tư tưởng đó có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở nước ta.
Từ khi mới hình thành, C.Mác và Ăngghen đã cố gắng phác hoạ ra mô hình CNXH với đầy đủ các đặc trưng mà sau này được Lênin bổ sung và đưa vào thực tiễn, về xây dựng một xã hội không có áp bức bất công, con người được sống bình đẳng với nhau.
 Trong quá trình xây dựng học thuyết của mình, các nhà kinh điển của CNXHKH đã phác thảo ra một số nét về một xã hội tương lai.
          Thứ nhất
, Cơ sở vật chất của CNXH là nền đại công nghiệp cơ khí.
          Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, mỗi chế độ xã hội đều có một cơ sở vật chất - kỹ thuật tương ứng, phản ánh trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của nó. Nếu công cụ thủ công là đặc trưng cho cơ sở vật chất – kỹ thuật của các xã hội tiền tư bản chủ nghĩa thì nền đại công nghiệp cơ khí là cơ sở vật chất của
CNTB. Xã hội XHCN nảy sinh với tính cách là phủ định biện CNTB, thì cơ sở vật chất của CNXH  nhất thiết phải là nền đại công nghiệp phát triển và hoàn thiện trên một trình độ cao của nó.
          Thứ hai,CNXH xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
            Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ăngghen đã cho rằng: thủ tiêu chế độ tư hu là cách nói vắn tắt nhất, tổng quát nhất về thực chất của cuộc cải tạo xã hội theo lập trường của giai cấp vô sản. Tuy nhiên, đặc trưng của CNCS không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói chung mà là xoá bỏ chế độ tư hữu TBCN.
          Thứ ba,CNXH tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới.
            Trong sự nghiệp kiến thiết chế độ xã hội mới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học rất quan tâm và coi trọng việc tổ chức lao động và kỷ luật lao động bị tha hoá trong xã hội cũ, xây dựng thái độ lao động mới phù hợp với địa vị là chủ của người lao động. Điểm khác nhau cơ bản giữa CNXHCNTB là tính chất tư hữu và công hữu về tư liệu sản xuất. Lao động được tổ chức có kế hoạch và kỷ luật tự giác, tự nguyện là đặc trưng của xã hội XHCN.
Thứ tư,CNXH thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.
          Trong giai đoạn đầu của CNCS, XHCN chưa cho phép thoả mãn đầy đủ mọi nhu cầu của con người. Vì vậy, phải thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Nội dung: “ai làm được nhiều thì phân phối nhiều, ai làm được ít thì phân phối ít”. Mọi người đều phải lao động. Nguyên tắc này khuyến khích mọi người lao động, nâng cao trình độ, thành thạo về nghề nghiệp. Mặt khác XH XHCN không ngừng chăm lo mở rộng cho các công trình phúc lợi chung, nhằm nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân.
   Thứ năm, Nhà nước trong CNXH là nhà nước kiểu mới, thể hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
            Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã đề cập tới khái niệm chuyên chính vô sản khi xác định bản chất – nhà nước được xác lập do thắng lợi của cách mạng XHCN. Thực chất của chuyên chính vô sản là sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân đối với nhà nước và toàn xã hội nhằm bảo vệ và phát triển nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền dân chủ thuộc về nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
            Thứ sáu,CNXH giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, thực hiện sự bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
          Mục tiêu cao nhất của
CNXH là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột về kinh tế và nô dịch về tinh thần, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
          Những đặc trưng của CNXH được các nhà kinh điển đưa ra là kết quả của việc nhận thức tình hình kinh tế xã hội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong sự đối chiếu, so sánh với CNTB đương thời. Những đặc trưng đó đã thể hiện trình độ phát triển cao hơn, tốt đẹp hơn của CNXH so với CNTB.
          Trên cơ sở nhận thức về thời đại, nhận thức về dân tộc và sức mạnh dân tộc, từ thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã khai phá ra một con đường  cho dân tộc. Con đường đó chưa có tiền lệ, nhưng nó không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và lại phù hợp với Việt Nam.
Công cuộc xây dựng CNXH từ ngày lập nước đến nay của Đảng và nhân dân ta là quá trình không ngừng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam. Đó cũng là quá trình không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để vừa xây dựng CNXH trong hiện thực, vừa hoàn thiện những đặc trưng xã hội XHCN về mặt lý luận của Đảng qua mười hai kỳ Đại hội.
Trước đổi mới ở Việt Nam, việc nhận thức, vận dụng lý luận Mác – Lênin về CNXH và xây dựng CNXH chỉ mới dừng lại ở những nét khái quát nhất. Mô hình XHCN mà Việt Nam xây dựng thực chất là mô hình CNXH “Xô Viết”. Điều này cũng phản ánh những hạn chế trong lý luận của Đảng ta về CNXH ở Việt Nam.
Đường lối đổi mới (từ Đại hội VI) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đột phá vào những quan điểm sai lầm về chủ nghĩa xã hội, như tuyệt đối hóa vai trò của chế độ công hữu; đối lập một cách máy móc sở hữu tư nhân với chủ nghĩa xã hội; đồng nhất chế độ phân phối bình quân với chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa; phủ định chủ nghĩa tư bản một cách sạch trơn; phủ định kinh tế hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản; v.v..
Tổng kết 5 năm đổi mới, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã nêu 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa: “Đó là xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”
Đến Đại hội X (năm 2006), Đảng ta nhận định: “lý luận về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã hình thành trên những nét cơ bản”. Đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa được Đảng nêu cụ thể hơn: “là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) đã điều chỉnh, chuẩn hóa một số nội dung và cô đọng hóa thành tám đặc trưng cụ thể. Và đến đại hội lần thứ XII, Đảng ta trên cơ sở kế thừa những đặc trưng ở Đại hội XI đã khẳng định xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”
            Có thể khẳng định rằng, công cuộc đổi mới đất nước trải qua hơn 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những thành tựu đổi mới nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà những tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về những vấn đề đó được bắt nguồn từ những tư tưởng chỉ đạo của các nhà kinh điển Mácxit đã nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cách đây tròn 170 năm vẫn còn nguyên giá trị và định hướng cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu./.  
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3907
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12725
Tháng này:
62882
Tất cả:
4.361.419