HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát huy sức mạnh tinh thần đại đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng ta

Đăng lúc: 06:16:55 05/06/2021 (GMT+7)2908 lượt xem

 ThS. Đinh Thị Bình 
Khoa Lý luận cơ sở
         Trong công cuộc dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam, việc tập hợp, đoàn kết và huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia là chìa khóa chủ yếu dẫn tới thắng lợi. Toàn dân đoàn kết trở thành truyền thống nổi bật và cực kỳ quý báu của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Đây là quan hệ nhân quả: đoàn kết tạo nên sức mạnh, sức mạnh được thống nhất sẽ đưa tới thành công.
          Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Nếu trước kia vào ngày 06 tháng 6 năm 1941trong thư "Kính cáo đồng bào" Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết để đánh đuổi Pháp, Nhật: "Chúng ta phải đoàn kết lại việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng gánh một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng…" thì nay trong trận chiếnchống dịchCovid-19 này, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đảng, Chính phủ Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người để sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 30/3/2020, trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.
           Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn hệ thống chính trị của cả nước cùng đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết để chống dịch. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế - cơ quan chuyên ngành của Chính phủ đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện thuộc ngành công an, quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Thông tin về tình hình dịch được cập nhật hàng giờ, hàng ngày. Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân đã rất có ý thức trong việc tự bảo vệ sức khỏe, khai báo y tế, giữ vệ sinh, giữ trật tự, hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mọi mặt trận: thể lực, sức khỏe, tinh thần và công việc, trách nhiệm xã hội, ý thức xã hội...
           Với tinh thần “ba sẵn sàng”, “năm xung phong” trong chống giặc Mỹ, giờ đây tiếp tục được nhân lên để chống giặc mới - giặc Covid 19. Cả nước đã thực hiện một loạt biện pháp mà Chính phủ đưa ra, như: cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người tham gia, tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh doanh (trừ các mặt hàng thiết yếu); khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến; tổ chức sàng lọc cách ly ngay tại các cửa khẩu, sân bay; hủy bỏ các hoạt động du lịch. Toàn lực lượng ngành Y tế, Quân đội, Công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng đồng loạt ra quân, đoàn kết thống nhất, nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bài bản, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Những tháng ngày qua, hình ảnh của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đang dốc sức, dốc lòng cứu chữa người bệnh; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sẵn sàng nhường nơi ở, sinh hoạt của mình làm khu cách ly, phơi thân ngoài biên ải, các chốt kiểm dịch để bảo vệ bình an cho Tổ quốc; hình ảnh các chiến sỹ công an nhân dân luôn bám trụ, túc trực tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa. Tất cả những hình ảnh đẹp ấy có lẽ sẽ luôn luôn thấm đẫm vào trong trái tim, khối óc của người dân đất Việt.
              Đồng hành cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch và để có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đã Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các tổ chức, cá nhân và người dân đã cùng góp công, góp sức, góp tiền của cho cuộc chiến chống dịch. Những cây gạo ATM miễn phí, những cửa hàng tiện lợi miễn phí bỗng trở nên rất đỗi thân thuộc trong bối cảnh bất thường của dịch bệnh. Khi khẩu trang trở nên khan hiếm nhiều doanh nghiệp đã gác lại đơn hàng của mình để tập trung sản xuất và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Người dân ở nhiều địa phương tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để dự phòng nếu dịch lan rộng.Các tổ chức đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, địa phương  tự nguyện góp hàng trăm bộ quần áo, hàng vạn thùng mì, hàng vạn khẩu trang, cùng nhiều lương thực, thực phẩm, trái cây… gửi đến các bệnh viện và các khu cách ly. Hàng trăm sinh viên ngành Y sẵn sàng tỏa về các trọng điểm chống dịch. Mới đây nhất, ngành Y tế đã chính thức tổng huy động toàn bộ lực lượng trong ngành, kể cả cán bộ y tế đã nghỉ hưu cùng tham gia vào cuộc chiến với dịch Covid-19.
Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trong hiểm nguy của đại dịch, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị bỏ ngoài xã hội. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã thể hiện điều đó. Các đối tượng chính sách, người nghèo, người không nơi nương tựa, người bán vé số, người yếu thế đều có quyền thụ hưởng. Giữa cơn đại dịch Covid-19, ở Việt Nam, tất cả mọi người đều được bình đẳng chữa trị, trong nước cũng như nước ngoài về.
Kế thừa tinh thần nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về quê hương, có gần 70 chuyến bay, đưa hơn 16.000 người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia, New Zealand, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ, Canada… về nước an toàn. Đặc biệt là chuyến bay ngày 29/7/2020, đưa 219 lao động Việt Nam mắc kẹt ở thành phố Bata, Guinea Xích Đạo, trong đó có nhiều người bị nhiễm COVID-19, đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Tất cả các dịch vụ ăn ở, đưa đón, thăm khám, chữa trị đều được miễn phí kể cả người nước ngoài. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên như một “hình mẫu thành công” không chỉ với việc chặn đứng dịch bệnh ở trong nước, mà còn với sự thể hiện trách nhiệm cao đối với bạn bè quốc tế. Chính phủ đã đại diện cho Nhân dân Việt Nam dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ và người dân các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như: Cuba, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Myanmar… phòng, chống dịch COVID-19. Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang vải kháng khuẩn, bộ test thử nhanh, mũ chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất. Tinh thần giúp đỡ, sẻ chia của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế được các nước trân trọng, đánh giá cao. Đây chính là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh hiện nay, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Cùng với nhân dân cả nước thực hiện phòng, chống dịch Covid, trong thời qua Thanh Hóađã nỗ lực tập chung tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời phát hiện báo cáo với chính quyền, cơ quan chức năng người đi, người đến từ vùng dịch, liên quan đến các ca bệnh và ổ dịch để có biện pháp xử lý. Hưởng ứng lời kêu gọi“Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19” Thanh Hóa đã nhiệt tình chung tay vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh bằng những hành động thiết thực, như: Phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn miễn phí, ủng hộ tiền của cho phòng chống dịch Cvovi-19... Nhằm góp phần chia sẻ khó khăn và chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, cuối tháng 5/2021,Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất hỗ trợ tỉnh Bắc Giang 1 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh 1 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những việc làm thiết thực này không chỉ thể hiện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống dịch bệnh mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
          Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ban Giám hiệu đã tạm ngưng các lớp đào tạo, bồi dưỡng đang diễn ra tại trường và các đơn vị phối hợp, kích hoạt tối đa các biện pháp phòng chống dịch. Nhà trường đã tập trung chỉ đạo cán bộ, giảng viên, nhân viên nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Toàn trường kích hoạt tối đa các biện pháp phòng chống dịch như: Vệ sinh sạch sẽ các lớp học, khu làm việc; đo thân nhiệt trước khi vào trường; trang bị nước rửa tay tại các khu vực học tập và các khu nhà vệ sinh. Ban giám hiệu yêu cầu viên chức, người lao động và học viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc và học tập; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe và báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý, đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhà trường đã phát động ủng hộ để chia sẻ cùng Đảng, Nhà nước cho cuộc chiến chống dịch. Có thể nói, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong quá trình phòng chống dịch bệnh, Nhà trường đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường, đồng thời góp phần cùng nhân nhân dân toàn tỉnh thực hiện quyết tâm phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.
           Qua đây, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ truyền thống đại đoàn kết của toàn dân tộc, từ sự ưu việt của bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh to lớn để phòng, chống dịch. Qua đại dịch còn bồi đắp thêm cho các tầng lớp nhân dân về niềm tin tưởng, tự hào về con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn. Một lần nữa ý Đảng hợp với lòng dân được phát huy cao độ bởi sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: Khó vạn lần dân liệu cũng qua./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
663
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10841
Tháng này:
57215
Tất cả:
4.422.095