HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát huy tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu của đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 07:36:13 19/05/2020 (GMT+7)1815 lượt xem

 ThS. Lê Nữ Sinh
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
 “Học để làm việc,
    làm người,
    làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
     giai cấp và nhân dân,
     Tổ quốc và nhân loại”[1]
         Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc thanh niên cho đến khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, thành người chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế luôn là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã tổng kết những kinh nghiệm quý báu về quá trình học tập – tự học của mình và để lại cho chúng ta những bài học vô giá. Tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý, vô nguyên tắc… mà việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với kế hoạch cụ thể, khoa học và ý chí quyết tâm, tinh thần sáng tạo, sự dẻo dai, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Như nhà nghiên cứu Nga Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời[2].
Trong quan niệm về tự học, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa “tự học”  bằng một câu ngắn gọn, súc tích nhưng đầy tính tư tưởng: Tự học là “tự động học tập”. Người giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”[3]. Như vậy, theo Người, tự học là quá trình người học chủ động, tự giác tiến hành hoạt động học của mình. Quá trình đó có thể diễn ra dưới yêu cầu của công việc, nhiệm vụ cách mạng hoặc diễn ra do chính nhu cầu hiểu biết của bản thân người học. Cốt lõi của tự học là tự ý thức của chủ thể tự học. Quá trình tự học phải xác định đúng nội dung “học cái gì?”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung tự học rất toàn diện, bao gồm: học tập lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa, đạo đức,… Trong đó, Người nhấn mạnh việc học tập lý luận; bởi lẽ “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Người cảnh báo thái độ lười học tập, nhất là lười học tập lý luận chính trị, văn hóa và chuyên môn - nghiệp vụ: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Do ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó mà gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo bị hạn chế”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”[5]. Mỗi người cũng phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách và đạo đức cách mạng. Vấn đề quan trọng nữa của tự học là người học tự kiểm tra, tự đánh giá khách quan, trung thực kết quả tự học của bản thân. Có thể nói, tự học là bộ phận không thể tách rời của hoạt động giáo dục, là con đường để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tự học trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nêu rõ, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, bảo đảm thời gian tự học, tự nghiên cứu cho mọi người, và đặt ra một yêu cầu: “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên”[6]. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 24-8-1999 và Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[7]. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên. 
          Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh luôn tích cực tự học tập, tự nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn giảng viên trường chính trị theo Quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ít giảng viên có phương pháp tự học, tự nghiên cứu chưa khoa học; nội dung tự học thiên về chuyên môn chính nên kiến thức, sự hiểu biết chưa được phong phú, toàn diện; đôi khi còn biểu hiện thụ động, trông chờ vào chương trình, kế hoạch của khoa, phòng; cá biệt còn có biểu hiện “ngại học”, “ngại nghiên cứu” hoặc chỉ học tập, nghiên cứu mang tính “thời vụ” khi cần thiết trong một công việc hoặc một thời gian nhất định… Thói quen, nếp nghĩ, cách làm “vừa đủ”, “cầm chừng” trong một bộ phận cán bộ, giảng viên đã và đang là rào cản lớn trong quá trình tựu học, tự nghiên cứu của mỗi giảng viên, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển chung của Nhà trường.    
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học nhằm phát huy tinh thần nêu gương trong tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên trẻ, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn.
Động cơ chính là động lực từ bên trong thúc đẩy mỗi con người thực hiện hành động, vì vậy chỉ khi xác định được động cơ học tập đúng đắn thì chủ thể mới có được thái độ cũng như phương pháp tự học tập, tự nghiên cứu một cách đúng đắn, khoa học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”[8], cho nên “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”[9]. Vì vậy, trước tiên, mỗi giảng viên trẻ cần xác định động cơ tự học tập, nghiên cứu của mình nhằm trau dồi kiến thức, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Nhà trường, đồng thời cũng là quá trình tự hoàn thiện và khẳng định bản thân; học tập phải trở thành nhu cầu, thói quen, hành vi hàng ngày.
Thứ hai, xác định môi trường tự học, tự nghiên cứu phù hợp.
          Tiếp thu chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân...”[10]. Quá trình học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của mỗi giảng viên trẻ không chỉ gói gọn trong những trang sách hay bài học trên giảng đường mà còn cần tự học mọi lúc, mọi nơi, học tập kinh nghiệm của đồng chí, đồng nghiệp; quan sát, nghiên cứu thực tế từ những chuyến công tác; tìm hiểu thực tiễn cơ sở từ học viên các lớp, các hệ đến từ khắp các địa phương trong tỉnh…
          Thứ ba, xác định nội dung tự học tập, tự nghiên cứu một cách toàn diện.
Với vị thế là chủ và vai trò làm chủ trong quá trình tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, giảng viên không chỉ là người định hướng, tổ chức, dẫn dắt, hỗ trợ học viên trong quá trình học tập, tiếp thu hệ thống kiến thức về lý luận chính trị, khoa học quản lý, kỹ năng nghiệp vụ… mà còn định hướng về quá trình tự học, tự nghiên cứu để phát triển tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học xử lý các vấn đề thực tiễn.Đặc biệt, với trách nhiệm là chủ thể quản trị Nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn có sứ mệnh xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng với các đặc trưng: kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo. Theo đó, để hoàn thành xuất sắc vai trò, chức trách, nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên không chỉ có đủ phẩm chất, tố chất của một nhà giáo mà còn có đủ phẩm chất, năng lực của nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý…
Như vậy, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ phải tự học tập, tự nghiên cứu một cách toàn diện cả đạo đức cách mạng, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế… trong đó, lấy tu dưỡng đạo đức làm gốc.
          Thứ tư, về nguyên tắc và phương pháp tự học hiệu quả.
Tự học là quá trình lâu dài, tự học suốt đời, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực của người học. Để tự học thành công phải có kế hoạch, đồng thời phải kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại.Căn cứ kế hoạch chung của tập thể, mỗi giảng viên cần xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp với điều kiện, trình độ, năng lực của bản thân; trong đó bao gồm cả kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch lâu dài. Phải có thái độ học tập đúng đắn, nghiêm túc, cầu thị; tự học mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, mọi hình thức. Đặc biệt, cần khắc phục tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại nghiên cứu cái mới. Thực hiện học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn một cách kiên trì, bền bỉ, sáng tạo.Quá trình thực hiện kế hoạch tự học cần thường xuyên đối chiếu với mục tiêu đề ra, tự giám sát, đánh giá kết quả của bản thân để có sự điều chỉnh kịp thời.
          Thứ năm, ngoài những giải pháp đối với cá nhân các giảng viên trẻ, không thể không đề cập tới vai trò của tổ chức – của nhà trường trong việc định hướng, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ có môi trường tự học thuận lợi, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên “vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, am hiểu thực tiễn”. Song hành với việc quan tâm nâng cao trình độ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ thông qua các hoạt động thực hành - trải nghiệm thực tiễn như: giao chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường, các hoạt động lãnh đạo, quản lý…; quan tâm tạo động lực và áp lực trong công tác tổng kết thực tiễn, biên tập tài liệu, sách chuyên khảo, tham khảo, các hoạt động thao giảng, dự giờ, hội thi giảng viên giỏi 3 cấp độ (giảng viên có giờ dạy giỏi, dạy giỏi và giỏi); kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ quản lý tiêu biểu, các danh hiệu giảng viên, các công trình khoa học tiêu biểu, vinh danh các tập thể kiểu mẫu, giảng viên gương mẫu.Đồng thời, tấm gương tự học, tự nghiên cứu của các thành viên Ban Giám hiệu, của lãnh đạo các khoa phòng và những giảng viên lâu năm chính là động lực thúc đẩy sự vươn lên của thế hệ trẻ.
Tóm lại, mặc dù những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học được nêu ra từ nửa đầu thế kỷ XX nhưng lại rất phù hợp với quan điểm giáo dục học hiện đại của UNESCO - học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Vinh dự, tự hào được công tác và cống hiến trong “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh quyết tâm sẽ vượt lên chính mình, tự bỏ thói quen “ngại khó, ngại khổ”, hoàn thiện, phát triển bản thân và khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.


[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 208
[2] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, H.1990, tr.113
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.44
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.14, tr.29-30;
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr274-275
[6]Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, H.1997, tr.41
[7]Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.28
[8] Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr. 76
[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.8, tr497
[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.6, tr.50
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2327
Hôm qua:
2925
Tuần này:
10110
Tháng này:
56484
Tất cả:
4.421.364