THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên Trung cấp lý luận chính trị

Đăng lúc: 16:22:48 08/11/2023 (GMT+7)587 lượt xem

 Nghiên cứu thực tế là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo cán bộ nhằm thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong việc hướng dẫn, đồng hành với học viên thực hiện hoạt động NCTT là vô cùng cần thiết để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng NCTT nói riêng và chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị nói chung của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay.
q1.png
 Lớp TCLLCT A5-K50 nghe báo cáo tại xã Thạch long, huyện Thạch Thành
trong chuyến đi NCTT
 
Theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chương trình Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị có mục tiêu là trang bị kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Để đạt được mục tiêu này, cán bộ, viên chức các trường chính trị tỉnh thực hiện công tác quản lý, giảng dạy theo đúng quy chế, quy định về quản lý đào tạo, chương trình, kế hoạch toàn khoá; trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ nhiệm lớp trong toàn bộ quá trình học tập, rèn luyện của học viên.
Thực hiện chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, học viên phải hoàn thành 05 khối kiến thức trên lớp; ngoài ra còn đi nghiên cứu thực tế (NCTT) với tổng số 40 tiết. Thông qua NCTT, học viên được nâng cao khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác, góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình đào tạo. Do đó, hoạt động NCTT được Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá quan tâm, tập trung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên. Để thực hiện công tác này, Nhà trường đã phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong toàn bộ quá trình đi nghiên cứu thực tế cũng như hướng dẫn học viên viết thu hoạch.
Có thể khẳng định, hoạt động NCTT của học viên Trường Chính trị tỉnh đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định nhờ tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm công tác của chủ nhiệm lớp. Theo đó, chủ nhiệm lớp đã chủ động trong lập kế hoạch NCTT cho lớp; trong đó, chú trọng việc thảo luận, thống nhất với tập thể lớp về lựa chọn vấn đề và địa điểm nghiên cứu. Bên cạnh đó, chủ nhiệm lớp đã nỗ lực kết nối với khoa chuyên môn để tranh thủ mọi thuận lợi trong quyết định lựa chọn vấn đề nghiên cứu sao cho phù hợp với nội dung học tập mà khoa phụ trách. Ngoài ra, trong suốt chuyến đi NCTT, chủ nhiệm lớp đã thể hiện rõ vai trò là người thủ lĩnh dẫn dắt lớp học đảm bảo thực hiện đúng nội quy, quy định khi lắng nghe báo cáo, tham gia thảo luận.
Đặc biệt, thời gian qua, các chủ nhiệm lớp đã nhiệt tình, trách nhiệm hướng dẫn học viên viết bài thu hoạch về các nội dung nghiên cứu như trong kế hoạch và đảm bảo đúng tiến độ. Kết quả các bài thu hoạch đạt điểm Khá, Giỏi, nhiều bài đạt điểm Xuất sắc. Điều này cho thấy sự tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của học viên Trung cấp lý luận chính trị.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên Nhà trường vẫn chưa thực sự hiệu quả; nhìn chung mới chỉ là hoàn thành một môn học; việc đánh giá kết quả còn chung chung; ấn tượng để lại là chuyến đi kết hợp với thăm quan, du lịch… Nguyên nhân là do việc quyết định lựa chọn địa điểm nghiên cứu trước khi báo cáo với Nhà trường còn lệ thuộc nhiều vào sự thống nhất cao của học viên lớp học, dẫn đến tình trạng đi nghiên cứu thực tế là nhất định phải kết hợp với du lịch, điều này dẫn đến việc nghiên cứu về vấn đề trong kế hoạch chủ nhiệm lớp phần nào không còn là ưu tiên hàng đầu. Nguyên nhân nữa là do một số chủ nhiệm lớp còn hạn chế về kinh nghiệm điều hành và chưa phát huy tối đa vai trò trách nhiệm trong tham mưu kế hoạch NCTT, hướng dẫn học viên tham gia NCTT và viết bài thu hoạch.
Trong chuyến đi NCTT, hầu hết học viên đều chú ý lắng nghe báo cáo do các địa phương, cơ quan, đơn vị chuẩn bị nhưng chưa nghiên cứu sâu các mô hình, điển hình, tìm hiểu cách làm hay, làm mới của địa phương, cơ quan, đơn vị do chủ nhiệm lớp còn hạn chế về năng lực hướng dẫn học viên kỹ năng phân tích, phát hiện vấn đề từ các báo cáo và thực tế của địa phương, đơn vị nơi học viên đến NCTT. Nguyên nhân nữa là do chủ nhiệm lớp chưa dành nhiều thời gian để khảo sát, nghiên cứu trước về địa phương, cơ sở để lập dàn ý gợi mở cách thức, nội dung cần chú trọng cho học viên tập trung chuẩn bị trước khi đi NCTT. Việc tham dự vào các hoạt động chung của cơ quan, đơn vị hay hoạt động riêng của tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội hầu như chưa được các lớp thực hiện là do chủ nhiệm lớp tham mưu thời gian chuyến đi NCTT quá ngắn, thường chỉ trong 01 buổi hoặc 01 ngày.
Ngoài ra, bài viết thu hoạch của học viên tuy đảm bảo về tiến độ, thời hạn nộp nhưng chưa đưa ra được những đề xuất, kiến nghị với địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu những vấn đề cần tiếp tục phát huy hoặc những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều bài viết thu hoạch chất lượng chưa cao, nội dung đánh giá chưa sát thực tế, chưa có tính sáng tạo; tình trạng sao chép bài thu hoạch giữa học viên các lớp vẫn còn xảy ra… Nguyên nhân là do chủ nhiệm lớp còn lúng túng trong việc hướng dẫn quy định về viết bài thu hoạch nên học viên chưa nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của việc viết bài thu hoạch thực tế; việc chấm, đánh giá bài thu hoạch còn nặng tâm lý nể nang, tạo điều kiện, chưa xử lý nghiêm đối với những trường hợp học viên vi phạm quy định về viết bài thu hoạch…
Thông qua hoạt động NCTT, học viên có thể học tập, áp dụng những cách làm hay, sáng tạo của đơn vị, địa phương mà lớp đến nghiên cứu vào thực tiễn công tác của mình; song, một bộ phận chủ nhiệm lớp chưa khơi dậy được ý thức, trách nhiệm của học viên trong tham mưu với cơ quan, đơn vị vận dụng những bài học thu lượm được trong chuyến đi NCTT.
q2.jpg
Lớp TCLLCT A3-K50 đi nghiên cứu thực tế tại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước
 
Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoạt động NCTT của học viên Trường Chính trị tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong tất cả các khâu của hoạt động này. Bài viết xin đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác phổ biến kế hoạch NCTT cho học viên. Chủ nhiệm lớp cần nghiên cứu đặc điểm tình hình lớp học, nắm vững đối tượng học viên về vị trí, việc làm để bàn bạc, thảo luận với lớp về nội dung vấn đề cần nghiên cứu, thời gian và địa điểm nghiên cứu phù hợp. Căn cứ vào kế hoạch chủ nhiệm, chủ nhiệm lớp cần phổ biến rõ ràng, cụ thể về mục đích, yêu cầu, nội dung của hoạt động NCTT; qua đó, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của NCTT trong thực hiện nội dung chương trình Trung cấp lý luận chính trị.
Khi phổ biến cho học viên, chủ nhiệm lớp cần sáng tạo trong thực hiện các phương pháp để có thể gợi mở, truyền cảm hứng cho học viên trong nghiên cứu vấn đề và thực hiện sản phẩm nghiên cứu là bài viết thu hoạch. Chủ nhiệm lớp có thể phổ biến trên lớp thông qua các buổi sinh hoạt hoặc trong nhóm Zalo của lớp; theo dõi, nhắc nhở học viên đọc kỹ các nội dung hướng dẫn, các báo cáo mẫu, các bài thu hoạch tham khảo. Đồng thời, chủ nhiệm lớp cần tổ chức kiểm tra việc nắm vững các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ của chuyến đi NCTT trước khi lớp tổ chức đi. Đây là cách thức hữu hiệu để giúp học viên bám sát mục tiêu của khoá học là lý luận gắn với thực tiễn.
Thứ hai, chú trọng công tác tham mưu xây dựng nội dung NCTT. Căn cứ vào đề xuất nhiệm vụ NCTT hàng năm của khoa chuyên môn, chủ nhiệm lớp cần chủ động tham mưu xây dựng nội dung NCTT cho lớp, chủ đề nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao ở hầu hết các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chủ nhiệm lớp cần đề xuất với khoa chuyên môn quan tâm đến việc làm mới chủ đề nghiên cứu, bổ sung, cập nhật, mở rộng thêm nhiều chủ đề khác cho phù hợp với thực tiễn. Để tham mưu lựa chọn nội dung NCTT phù hợp, chủ nhiệm lớp cần nắm vững kiến thức lý luận và vận dụng thực tiễn của bộ môn; tranh thủ sự góp ý của khoa chuyên môn trong quyết định vấn đề NCTT trước khi tham mưu cho Ban Giám hiệu ban hành kế hoạch NCTT.
Thứ ba, nâng cao chất lượng bài viết thu hoạch. Để đánh giá bài thu hoạch khách quan, công bằng, chủ nhiệm lớp cần chủ động đề xuất với khoa chuyên môn tham mưu cho Giám hiệu nghiên cứu hệ thống thang điểm, đáp án phù hợp, sát với thực tế; đồng thời, tham mưu phân công giảng viên chấm bài thu hoạch phải là những giảng viên có chuyên môn phù hợp với chủ đề thu hoạch. Để tránh tình trạng học viên sao chép bài hoặc làm cho xong, chủ nhiệm lớp cần nghiêm khắc trong việc thu bài; cương quyết không chấp nhận những bài viết không có trách nhiệm và yêu cầu học viên phải viết lại nếu không đạt. Sau chuyến đi NCTT, chủ nhiệm lớp cần bố trí, thống nhất thời gian phù hợp cho học viên viết thu hoạch và đồng hành cùng học viên trong quá trình viết.
Thứ tư, chú trọng việc viết báo cáo đánh giá về tình hình NCTT của lớp. Hoạt động này giúp chủ nhiệm lớp được tăng cường kỹ năng tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm trong việc hướng dẫn học viên đi NCTT; đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn, phục vụ cho công tác giảng dạy. Khoa chuyên môn cần góp ý cho chủ nhiệm lớp chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo đánh giá về tình hình NCTT của lớp trước khi trình Hiệu trưởng phê duyệt. Sản phẩm là báo cáo đánh giá NCTT của chủ nhiệm lớp cần được Nhà trường tính giờ khoa học tương đương với 01 bài viết chuyên đề.
Thứ năm, tổ chức toạ đàm khoa học sau chuyến đi NCTT. Đây là việc làm cần được tiếp tục duy trì thực hiện để hoạt động NCTT trở thành diễn đàn trao đổi, thảo luận nhằm phân tích, lựa chọn những bài học có thể vận dụng vào thực tiễn công tác của học viên sau chuyến đi NCTT. Đồng thời, thông qua toạ đàm hoặc diễn đàn, học viên được rèn luyện nhiều kỹ năng lãnh đạo quản lý, góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình đào tạo.
Để tổ chức toạ đàm, chủ nhiệm lớp cần tiếp tục phát huy năng lực điều hành, phân công các nhiệm vụ cho lớp. Thông qua công tác này, chủ nhiệm lớp và khoa chuyên môn không những được thu lượm thêm những bài học thực tiễn từ học viên mà còn có cơ hội thực hiện sản phẩm nghiên cứu khoa học, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của người giảng viên. Ngoài việc chủ nhiệm lớp phải chủ động trong định hướng cho học viên các khâu trong công tác chuẩn bị nội dung và cách thức chia sẻ, Nhà trường cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức để chất lượng buổi toạ đàm về vấn đề NCTT của lớp đạt hiệu quả hơn.
Nghiên cứu thực tế là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo của Nhà trường nhằm thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của chủ nhiệm lớp trong việc hướng dẫn, đồng hành với học viên thực hiện hoạt động NCTT là vô cùng cần thiết để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng NCTT nói riêng và chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị nói chung của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay./.
ThS. Nguyễn Thị Quy
Giảng viên khoa NN và PL
Số lượt truy cập
Hôm nay:
368
Hôm qua:
2718
Tuần này:
14945
Tháng này:
34322
Tất cả:
4.967.923