THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - Bước tiến đột phá về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đăng lúc: 06:57:33 22/08/2022 (GMT+7)3698 lượt xem

 Nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH; vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của thế giới, vừa vận dụng, phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Picture1 (2).png 
(Ảnh sưu tầm trên Báo Đầu tư)
Trong không khí kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong niềm vui mừng, phấn khởi của Nhân dân cả nước về thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Đây là bài viết hết sức tâm huyết, thể hiện trọng trách của đồng chí Tổng Bí thư trong thời điểm Đảng ta khẳng định quan điểm kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.
Bài viết đã thể hiện nhận thức sâu sắc về CNXH với tầm khái quát cao về lý luận và đúc rút từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhất là những nhận thức về CNXH trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, bài viết đã bổ sung phát triển lý luận về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, điều này không chỉ có giá trị to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân mà còn đóng góp giá trị sâu sắc đối với quá trình phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, các giai đoạn quá độ của CNXH và các cơ hội của CNXH trên toàn thế giới.
Đọc và nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư chúng tôi nhận thức sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH trên mọi phương diện về chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội.
Về nội dung bài viết, đồng chí Tổng Bí thư tập trung phân tích làm rõ 04 vấn đề lớn: (1) Chủ nghĩa xã hội là gì? (2) Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? (3) Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? (4) Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? (1)
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết sâu sắc về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu phát triển đất nước trong 35 năm đổi mới; trong đó có đánh giá quan trọng là: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.
Sự đột phá về lý luận qua bài viết của Tổng Bí thư được nhóm học viên lớp A1K49 phân tích hiểu rõ như sau:
Thứ nhất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đó là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường” (2); là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Lịch sử kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, sự phát triển của kinh tế thị trường trong mấy trăm năm qua, nhất là kinh tế thị trường hiện đại, luôn gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của văn minh nhân loại và không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường không phát triển theo một mô hình duy nhất mà được thực hiện dưới nhiều mô hình khác nhau như: Kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc… Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường đây thật sự là “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta...”
Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH thì nền kinh tế là nền kinh tế quá độ, không thể có ngay kinh tế thị trường XHCN. Nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH; vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của thế giới, vừa vận dụng, phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
 Thứ hai, trên cơ sở tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam,nhất là về nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN đang từng bước được hoàn thiện và phát triển. Đó là sự gắn bó biện chứng hữu cơ với nhau, là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đồng thời bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, những thành công trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã và đang cho thấy, lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN đang từng bước được hiện thực hoá.
Chính nhờ sự kiên định trong phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, hòa nhập nhưng không hòa tan, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta..”(3).
Bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra những kết quả to lớn mà nước ta đã đạt được trên tất cả các phương diện qua 35 năm tiến hành đổi mới: Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Quy mô kinh tế đứng thứ tư trong ASEAN, năm 2020 đạt 342,7 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 62 tuổi năm 1990 tăng lên 73,7 tuổi năm 2020. Năm 2000 cơ bản hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2010 phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Chăm sóc sức khỏe, y tế cho người dân luôn được quan tâm, trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam luôn được thế giới đánh giá cao về các biện pháp bảo vệ người dân, chống dịch có hiệu quả. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo. Bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy… (4)
Thứ tư, lý luận về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung từng bước được hoàn thiện cùng với thực tiễn 35 năm đổi mới đã tạo nền tảng cho việc đưa ra chiến lược phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Từ những phân tích ở trên, có thể khẳng định, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự đột phá về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Sự đột phá đó được tạo nên bởi sự đổi mới và sáng tạo liên tục trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở kiên định, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu mới nhất về lý luận của thế giới và không ngừng tổng kết thực tiễn./.
Nhóm học viên lớp A1 TCLLCT khoá 49
 
------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.11.
2 Tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.18.
3 Tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.25.
4.Tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.22,23,24.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1484
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6976
Tháng này:
59032
Tất cả:
4.992.633