Quán triệt quan điểm phát triển để xác định phương hướng chung nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX
Đăng lúc: 21:10:23 24/05/2021 (GMT+7)666 lượt xem
ThS. Bùi Thị Thu
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 được tổ chức trọng thể từ ngày 26 đến ngày 28/10/2020; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn mới. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của 5 năm tới trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58/NQTW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là xác định Phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của 5 năm (2021-2025). Đây là phương hướng hành động chung của toàn Đảng bộ và quân, dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Phương hướng chung được Đại hội xác định là điểm mốc quan trọng để phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Với quyết tâm chính trị cao nhằm đưa tỉnh Thanh Hoá phát triển xứng tầm với vị thế và tiềm năng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII luôn cầu thị và nghiêm túc, vừa quán triệt sâu sắc các quan điểm lý luận, các nguyên tắc của Đảng; vừa bám sát thực tế của tỉnh nhà để chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội. Nhất là, quán triệt quan điểm phát triển trong lý luận Mác - Lênin để xác định Phương hướng chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quan điểm phát triển - một nguyên tắc, phương pháp luận được rút ra từ nguyên lý khoa học phản ánh biện chứng khách quan của hiện thực và biện chứng trong nhận thức của con người. Xem đời sống xã hội nói riêng và thế giới khách quan nói chung luôn vận động, biến đổi, trong đó trạng thái vận động theo xu hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện là phổ biến. Đó chính là quá trình vận động phát triển của hiện thực khách quan. Sự vận động phát triển diễn ra với nhiều phương thức. Vừa diễn ra dần dần, vừa diễn ra mang tính nhảy vọt, theo đó làm cho sự vật, hiện tượng mới ra đời có sự khác biệt về chất thay thế cái cũ. Đối với đời sống xã hội, sự vận động phát triển được thể hiện qua các nấc thang xã hội - đó là những hình thái kinh tế - xã hội. Sự vận động phát triển của đời sống xã hội được diễn ra trong chính nội tại cấu trúc của đời sống xã hội và trong từng thành tố. Là sự thay đổi về mối liên hệ của các mặt trong đời sống xã hội. Là quá trình làm cho cấu trúc của nó ngày càng đồng bộ về các thành tố; hoàn thiện về chức năng của từng thành tố để tạo thuận lợi cho thành tố khác chuyển hoá và phát triển. Nhất là làm rõ vai trò nhân tố động lực khách quan, chủ quan. Vì vậy, việc phát hiện và giải quyết liên tục những mâu thuẫn nảy sinh từ các mối liên hệ trong cấu trúc của đời sống xã hội để tạo lập điều kiện, tiền đề phát triển là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động thực tiễn. Nghĩa là, khi định hướng cho hoạt động thực tiễn, cần bám sát hoàn cảnh lịch sử phát triển nhất định của từng giai đoạn để xác lập yếu tố cấu trúc đồng bộ; cần nhận thức rõ vai trò các nhân tố động lực, ….để tạo tiền đề phát huy cho phù hợp. Đó là nguyên tắc tất yếu. Điều này, sinh thời Lênin đã từng căn dặn chúng ta: để có tri thức đúng về sự vật, hiện tượng, quá trình, phải xem xét nó trong những quan hệ và trong sự phát triển của nó.
Vận dụng quan điểm phát triển và từ thực tiễn của Thanh Hoá, khi xây dựng phương hướng phát triển chung cho giai đoạn 2021 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đã chỉ rõ:
Thứ nhất, về nhân tố chủ quan
Nhân tố chủ quan giữ vai trò động lực để Thanh Hoá phát triển là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, ý chí, nghị lực của con người Thanh Hoá. Sở dĩ, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, ý chí, nghị lực của con người Thanh Hoá được xem là nhân tố chủ quan động lực, vì đây là chủ thể vừa trực tiếp định hướng; vừa trực tiếp chỉ đạo hành động và là lực lượng của mọi phong trào để đưa Thanh Hoá phát triển. Vì thế, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ và khơi dậy khát vọng thịnh vượng của cán bộ, đảng viên, quan, dân các dân tộc của tỉnh Thanh Hoá là định hướng quan trọng. Muốn vậy, cần phải chăm lo công tác xây dựng Đảng; phải thực hành dân chủ, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú ý đến chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội.
Thứ hai, về tiền đề, điều kiện khách quan
Đại hội xác định, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiền đề, điều kiện khách quan tạo sức phát triển mới của Thanh Hoá là có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ xuyên suốt. Phấn đấu vào năm 2025, trong kinh tế, Thanh Hoá là một cực tăng trưởng cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc; phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước vào năm 2030. Muốn vậy, Thanh Hoá phải coi trọng phát triển công nghiệp nặng kết hợp với nông nghiệp là nền tảng và kinh tế du lịch là mũi nhọn. Trong phát triển công nghiệp, coi trọng công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics để vừa tạo đột phá, vừa phát huy lợi thế; tập trung phát triển các trung tâm kinh tế động lực; lựa chọn các trụ cột tăng trưởng và hành lang kinh tế phù hợp. Mặt khác chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ. Quá trình phát triển kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Thanh Hoá cần phải “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; phải bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây chính là tiền đề quan trọng bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững,
Đặc biệt, dựa trên tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn sau 35 năm đổi mới của tỉnh; từ định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58/NQ/TW ngày 5/8/2020 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc của tỉnh luôn quyết tâm xây dựng Thanh Hoá trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Vì thế, xác định phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử, khát vọng thịnh vượng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh là sức mạnh nội sinh quan trọng để Thanh Hoá phát triển giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, những nội dung cơ bản trong phương hướng chung là bước phát triển về tư duy; có sự kế thừa và phát triển sáng tạo trong đổi mới để trở thành những định hướng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh ta trong nhiệm kỳ tới.
Do có phương pháp tư duy khoa học trên nguyên tắc của quan điểm phát triển, nên, Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hoá – xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước” [1]
Phương hướng chung không chỉ vạch ra những đích phát triển mà còn bao quát toàn diện các thành tố, các bình diện của đời sống xã hội. Ngoài ra, phương hướng đã bao quát được các nhân tố động lực bảo đảm thúc đẩy sự phát triển. Mặt khác, còn vạch rõ nội dung phát triển của từng thành tố; các mối liên hệ khách quan và là điều kiện để các thành tố trong cấu trúc đời sống xã hội phát triển đồng bộ.
Để sớm hiện thực hoá phương hướng chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đưa ra, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng quan điểm phát triển của học thuyết Mác - Lênin để chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch; chủ động các biện pháp hành động nhằm đưa phương hướng chung nhiệm kỳ 2020 - 2025 sớm thành hiện thực./.
…………
CHÚ THÍCH:
1. Văn kiện Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nxb Thanh Hoá, 2020, tr 79.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
543
Hôm qua:
2301
Tuần này:
5165
Tháng này:
13086
Tất cả:
5.105.595