HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước

Đăng lúc: 15:49:32 06/01/2023 (GMT+7)346 lượt xem

 TS Lương Trọng Thành, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Năm 2022, bám sát định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Kết luận số 729-KL/TU, ngày 14-2-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự phối hợp của các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chủ động, sáng tạo, điều hành linh hoạt, đảm bảo thông suốt, thống nhất, khơi dậy tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả của toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường, đạt kết quả nổi bật trên tất cả các mặt hoạt động.
Picture1 (2).jpg
TS Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Thanh Hóa phát biểu tại lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng cho Bí thư đảng ủy và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã năm 2022.
Trước hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm đổi mới đồng bộ; loại hình đào tạo, bồi dưỡng phong phú, đa dạng; quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn, chất lượng tiếp tục được nâng lên.
Ngay đầu năm học, thực hiện Kết luận số 729-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Đề án số 39-ĐA/TrCT về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhà trường đã phối hợp với các ban, sở, ngành tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Coi trọng việc cập nhật các chủ trương, nghị quyết, kết luận… của Trung ương Đảng và Đảng bộ các cấp để bổ sung kiến thức lý luận, đảm bảo tính chiến đấu, tính tuyên truyền, giáo dục, làm phong phú bài giảng. Chú trọng bổ sung các chuyên đề đảm bảo rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn; đổi mới mô hình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo phương thức “nghiên cứu trước, bồi dưỡng sau, tư vấn sâu, kịp thời tổng kết” đảm bảo nâng cao chất lượng và phù hợp với từng chức danh, vị trí việc làm.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học thông qua mô hình 3 tăng (tăng chủ động, gắn kết; tăng trao đổi, thảo luận; tăng xử trí tình huống và tổng kết) và 3 giảm (giảm thụ động, độc thoại, lý thuyết). Cùng với đó, duy trì việc mời giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh để tăng cường kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ của địa phương; đồng thời, giúp lãnh đạo địa phương kịp thời nắm bắt một phần năng lực của cán bộ được cử đi học.
Tiếp tục triển khai thực hiện 5 chương trình vì học viên, thông qua “Ngày thứ 7 kết nối” học viên được tham gia các hoạt động ngoại khóa(1), giúp học viên nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết. Đồng thời triển khai thực hiện sáng tạo, có hiệu quả Hội thi “Học viên giỏi lý luận chính trị năm học 2021 - 2022”, góp phần khơi dậy niềm say mê học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng của Đảng và khát vọng cống hiến, hết lòng, hết sức phụng sự Nhân dân của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.
Theo đó, trong năm học 2022, nhà trường đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Loại hình bồi dưỡng phong phú, đa dạng(2), phù hợp với từng chức danh vị trí việc làm, đặc biệt là tổ chức thành công 132 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã được học viên đánh giá cao về chất lượng giảng dạy và cách thức tổ chức, quản lý, phục vụ, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Thứ hai, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; các hoạt động khoa học phát triển toàn diện, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Nhà trường đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số sở, ban, ngành thực hiện thành công 3 nhiệm vụ tổng kết thực tiễn. Tiếp tục triển khai đúng tiến độ 1 đề tài; bảo vệ thành công thuyết minh 2 đề tài; được Hội đồng Khoa học tỉnh chấp thuận 2 đề tài khoa học mới năm 2023. Tổ chức thành công 1 hội thảo khoa học cấp Học viện về “Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá”; 1 hội thảo khoa học cấp tỉnh; 4 hội thảo, toạ đàm khoa học cấp trường và 8 hội thảo, toạ đàm cấp khoa.
Đặc biệt, nhà trường đã nghiên cứu biên soạn 12 cuốn tài liệu và sách chuyên khảo phục vụ dạy-học và nghiên cứu. Trong đó, có 2 cuốn tài liệu bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026; 6 bộ tài liệu bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã đảm bảo chất lượng.
Kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và vị thế của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trong hệ thống, vượt mức tiêu chí về nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của Quy định 11-QĐ/TW về xây dựng trường chính trị chuẩn.
Thứ ba, nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tiếp tục được quan tâm đồng bộ, toàn diện từ khâu quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, vừa chú trọng cử giảng viên tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, vừa tạo môi trường thực tiễn để giảng viên rèn luyện cống hiến và trưởng thành. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục tạo động lực để giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ. Trong năm, có 79 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, phát huy vai trò của giảng viên trong việc chủ trì các đề tài, hội thảo khoa học từ cấp cơ sở đến cấp bộ, hướng về cơ sở tổng kết thực tiễn, đảm nhận biên soạn các chuyên đề, tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng...
Thứ tư, công tác xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng gắn với thực hiện các phong trào thi đua được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhà trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện quy chế, quy định nội bộ, đổi mới phương thức quản trị theo hướng khoa học, như Quy chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa, phòng; sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ… Đặc biệt, đã ban hành Quy định thực hiện các giá trị chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động; thúc đẩy phong trào thi đua “nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy- học tốt, tư vấn tốt”. Qua đó, nhiều mô hình đổi mới sáng tạo tiếp tục được phát huy và nhân rộng, kỷ cương nền nếp được tăng cường, tác phong hình ảnh của giảng viên và học viên được coi trọng.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và học viên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhà trường đã kịp thời cập nhật các quan điểm mới và tích hợp vào nội dung các chuyên đề giảng dạy, đưa nội dung bảo vệ nền tảng của Đảng vào thi hết môn, hết phần học. Nghiên cứu xây dựng mô hình phát huy vai trò của giảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nhận diện và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của thế lực thù địch. 100% cán bộ, đảng viên đã tham gia Cuộc thi viết chính luận khoa học về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới lần thứ hai, năm 2022” do Ban Chỉ đạo Trung ương phát động, có 1 bài đạt giải khuyến khích cấp quốc gia.
Thứ năm, chủ động phối hợp, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành thể chế, quy định tạo nguồn lực tốt cho sự phát triển; tiếp tục quan tâm cụ thể hoá các quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhà trường đã phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 729-KL/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chủ trì phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 1811-QĐ/TU ngày 6-12-2022 về việc “công nhận giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá” gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương và các chuyên gia để có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đạt chất lượng cao nhằm bổ sung kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao. Chủ động đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương lập quy hoạch chi tiết và đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất Trường Chính trị tỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn trong nhóm các trường chính trị dẫn đầu cả nước. Đây là định hướng và cơ sở quan trọng để nhà trường chủ động tham mưu tạo cơ chế, nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu góp phần xây dựng quê hương Thanh Hoá giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bước sang năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm thứ hai thực hiện Kết luận 729-KL/TU, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả nhằm hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống nhà trường (14-6-1949 – 14-6-2024). Tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường tập trung tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm; đổi mới tư duy, khát vọng cống hiến của cán bộ, giảng viên; lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu của toàn trường.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ quy chế, quy định của nhà trường, tạo môi trường làm việc khoa học, dân chủ, đúng pháp luật; làm cơ sở đánh giá các mặt hoạt động đảm bảo khách quan, công bằng, tạo động lực phát triển.
Tiếp tục hiện thực hoá 6 giá trị chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh, đó là kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương, đổi mới sáng tạo, tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động; thúc đẩy phong trào thi đua; phát huy trách nhiệm; xây dựng tác phong, hình ảnh người cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy- học lý luận chính trị.
Tiếp tục chủ động, huy động phát huy có hiệu quả nội lực, nhất là đội ngũ giảng viên; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kinh nghiệm quản lý, điều hành của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng để tăng cường kiến thức thực tiễn trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Chủ động đề xuất đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của trường chính trị chuẩn trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Hướng về cơ sở, coi trọng đánh giá, tổng kết các mô hình mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ của các cấp uỷ đảng. Từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chất lượng tư vấn, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Nhìn lại năm 2022 với nhiều nỗ lực và thành quả tốt đẹp, toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên càng thêm phấn khởi, tự hào; tin yêu Đảng, tin yêu sự nghiệp. Từ đó khơi dậy khát vọng vươn lên xây môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến; sớm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đạt chuẩn trong nhóm dẫn đầu cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ - nhân tố quyết định xây dựng Thanh Hoá giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu như Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định.
-----------------------------
(1) Tham quan, tìm hiểu về truyền thống nhà trường qua hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển; đi nghiên cứu thực tế các mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng; rèn luyện kỹ năng thuyết trình thông qua hình thức giới thiệu sách…
(2) Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 18-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý theo tinh thần Quyết định số 1254 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện và đại biểu HĐND cấp xã; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 6 chức danh cán bộ cấp xã…
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
206
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10384
Tháng này:
56758
Tất cả:
4.421.638