HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kết hợp yếu tố dân tộc và giai cấp trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đăng lúc: 09:46:04 03/02/2021 (GMT+7)701 lượt xem

 Lê Thị Huyền – GV Khoa Lịch sử Đảng
(Bài viết được đăng trên Baothanhhoa.vn, ngày 01/02/202)
 
         V.I.Lênin đã từng khẳng định: “ Học thuyết Mác là một học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ …”(1). Nhưng đồng thời ông cũng cho rằng “ Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm… Vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi…”(2) .
x.png
     Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 (Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

          Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo trong việc kết hợp yếu tố dân tộc (chủ nghĩa dân tộc và phong trào yêu nước) và yếu tố giai cấp (Chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kết hợp thành công yếu tố dân tộc và yếu tố giai cấp trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một sáng tạo lớn, một thành công lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoàn cảnh thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sự sáng tạo ấy không chỉ là nhân tố quan trọng dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về sự ra đời của đảng cộng sản ở các nước thuộc địa, kém phát triển.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”. Vì thế, “Giai cấp vô sản ở mỗi nước khi tiến hành cuộc đấu tranh để “tự giải phóng” giai cấp mình khỏi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc, nghĩa là phải lãnh đạo, trở thành lực lượng lãnh đạo của cả phong trào cách mạng của nhân dân lao động và của cả dân tộc” (3). Điều đó có nghĩa là việc thành lập đảng cộng sản phải được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia dân tộc, chứ không phải trong từng khu vực thế giới. Nhưng mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng khác nhau về truyền thống lịch sử - văn hóa và trình độ phát triển kinh tế…Do đó, cần phải thành lập ở mỗi quốc gia một đảng riêng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng nước.
Mặt khác, bên cạnh việc khẳng định sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, V.I.Lênin chỉ ra rằng, để lãnh đạo cách mạng, giai cấp công nhân phải có lý luận tiền phong dẫn đường. Trong tác phẩm “Làm gì?”, V.I.Lênin khẳng định: Giai cấp công nhân là sản phẩm của chế độ kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, còn chủ nghĩa xã hội khoa học lại là sản phẩm của sự nghiên cứu và phát minh khoa học. Nếu phong trào công nhân không tiếp thu chủ nghĩa Mác thì nó mãi mãi dừng ở trình độ tự phát, không thể trở thành phong trào tự giác được. Ngược lại, nếu chủ nghĩa Mác không thâm nhập vào phong trào công nhân thì nó sẽ mãi mãi dừng lại ở lĩnh vực lý luận, mà không thể trở thành lĩnh vực hành động thực tiễn(4). Vì thế, hai yếu tố này cần có sự kết hợp với nhau. Sự kết hợp này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho cả phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác; trong đó, giai cấp công nhân là vũ khí vật chất của Chủ nghĩa Mác, còn Chủ nghĩa Mác là vũ khí tư tưởng của phong trào công nhân. Sự kết hợp đó cũng là quy luật chung dẫn đến sự ra đời của các đảng cộng sản trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng lưu ý rằng: Trong tất cả các nước, chỉ có sự kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân mới xây dựng được một cơ sở vững chắc cho cả hai. Nhưng trong mỗi nước, sự kết hợp ấy lại là một sản phẩm của lịch sử, lại được thực hiện bằng con đường đặc biệt, tùy theo điều kiện không gian và thời gian. Tức là, sự kết hợp đó không theo một khuôn mẫu giáo điều, cứng nhắc, mà nó có nét đặc thù do sự chi phối của những điều kiện lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ Nghĩa Mác-Lênin, trong quá trình chuẩn bị thành lập đảng cộng sản ở Việt Nam, một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến, bên cạnh việc khẳng định vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý nghiên cứu lý luận; trực tiếp hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Pháp và tìm hiểu học tập những mô hình tổ chức của các đảng cộng sản trên thế giới (Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc,…), để vận dụng sáng tạo nguyên lý xây dựng “đảng kiểu mới” của Lênin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thành lập một chính đảng thực sự là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chưa có đủ những tiền đề cơ bản cho một đảng cộng sản ra đời như ở Nga và một số nước tiên tiến khác. Đầu thế kỷ XX, số lượng giai cấp công nhân còn ít ỏi (năm 1914, giai cấp công nhânViệt Nam chỉ có 10 vạn, chiếm khoảng hơn 1% dân số); các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, đang hòa chung vào trong phong trào yêu nước của các giai cấp tầng lớp khác chứ chưa trở thành một phong trào độc lập. Trong khi đó, yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, phong trào yêu nước là yếu tố có trước phong trào công nhân và cả sự ra đời của giai cấp công nhân; mâu thuẫn lớn nhất ở Việt Nam lúc này là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta thì các phong trào yêu nước của nhân dân đã diễn ra liên tiếp và sôi nổi. Chính vì vậy, phong trào yêu nước ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức, đưa vào là một yếu tố đặc biệt trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để đưa yếu tố dân tộc là phong trào yêu nước kết hợp với yếu tố giai cấp là Chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp và giải quyết một cách nhuần nhuyễn giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Người đã không coi hai nhiệm vụ đó ngang nhau, mà đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc để giải phóng dân tộc, còn nhiệm vụ chống phong kiến đem lại ruộng đất cho dân cày thì được tiến hành từng bước, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phản đế. Đó là cách nhìn thực tế, phân tích thấu đáo thái độ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở lòng yêu nước và lợi ích chung của các giai cấp tầng lớp khác trong dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hóa giải khôn khéo những đối kháng về quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp xã hội trong những điều kiện lịch sử cụ thể để tập trung cho lợi ích toàn cục. Với quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi kéo mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi vào một khối đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức Mặt trận thống nhất rộng rãi, lấy liên minh công, nông, trí làm nền tảng, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Việc giải quyết nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước làm cho các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và của dân tộc xích lại gần nhau hơn, đặt cơ sở cho sự kết hợp giữa phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam sau này.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, khi phác thảo đường lối cứu nước cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa, cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”­­­(5). Nhưng từ thực tiễn Việt Nam – một nước thuộc địa nửa phong kiến, phần lớn là giai cấp nông dân tồn tại bên cạnh giai cấp địa chủ, phong kiến, giai cấp tư sản Việt Nam và tầng lớp tiểu tư sản; số lượng giai cấp công nhân còn ít, chủ yếu là công nhân khai thác mỏ, đồn điền mà chưa phải là công nhân đại công nghiệp như ở phương Tây. Để chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng cộng sản ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chờ cho giai cấp công nhân Việt Nam phát triển đầy đủ về số lượng mới tổ chức đảng cộng sản, cũng không vội vã thành lập ngay một Đảng cộng sản ở Việt Nam mà Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (1925) với nhiệm vụ là vừa tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng để đưa về nước hoạt động tuyên truyền và gây dựng cơ sở trong nước, đặt nền móng cho công tác tổ chức và cán bộ để tiến tới thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, nhất là thông qua tổ chức và hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước đều giác ngộ Chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành hành động cách mạng cụ thể của tất cả các giai cấp và tầng lớp trong dân tộc. Chính vì vậy, giai đoạn năm 1927 - 1929 là thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam. Phong trào công nhân Việt Nam chuyển mạnh từ tự phát đến tự giác, phong trào yêu nước phát triển với chất lượng mới. Qua đó, tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặt khác, Người cũng đặc biệt quan tâm tới việc dịch các tài liệu của Quốc tế Cộng sản dưới dạng hỏi – đáp phù hợp với nhận thức của đại đa số nhân dân Việt Nam lúc này. Chính nhờ sự chuẩn bị công phu, tỷ mỉ đầy tính sáng tạo này của Người đã góp phần đẩy nhanh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của 03 tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929 đầu năm 1930 đã phản ánh bước nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam và cho thấy việc thành lập Đảng đã được chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, với vai trò phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản và thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Vì vậy, có thể khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp và lãnh đạo các giai cấp, các tầng lớp, kể cả giai cấp tư sản dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất thực hiện nhiệm vụ chung là chống đế quốc, chống phong kiến, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc; Tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Như vậy, những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị thành lập đảng cộng sản ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX kiểm chứng là đúng đắn và khoa học. Sự sáng tạo này của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác-Lênin. Thực tiễn hơn 91 năm qua cũng đã cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam. Với những thành tựu mà cách mạng Việt Nam đã đạt được, với truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc, với sức mạnh nội lực của đất nước hơn 96 triệu dân, với những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, thời gian tới đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Tài liệu tham khảo:
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1980. t23, tr. 50
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t.4, tr.232.
(3) C.Mác và Ph. Ăngghen, Nxb Sự Thật, H,1980, tập 4, tr. 623 – 624
(4). V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.6, tr.33-34.
(5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr 289
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2040
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12353
Tháng này:
43999
Tất cả:
4.408.879