HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tấm gương sáng về tình bạn từ lý tưởng nhân văn sâu sắc của Ph.Ăngghen

Đăng lúc: 14:22:15 06/04/2016 (GMT+7)1691 lượt xem

 
 
ThS. Trịnh Thị Phượng
GV Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
                            
Một trong những dấu ấn văn hóa đặc sắc mà Ph.Ăngghen đã để lại cho nhân loại là tình bạn, tình đồng chí giữa ông với C.Mác. Vì vậy, nhớ và tri ân công lao vĩ đại của Ph.Ănghen, không chỉ nhớ đến một lãnh tụ thiên tài, một con người vĩ đại mà còn nhớ đến một tấm gương sáng, một tấm lòng tận tụy, thủy chung trong tình bạn của Người.
 Ph.Ăngghen cùng C.Mác nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng lập ra hệ thống lý luận cách mạng - chủ nghĩa cộng sản khoa học. Người đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, lợi ích riêng tư, trực tiếp tham gia trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Ông đã cùng C.Mác đưa lý luận đó thâm nhập vào quần chúng cách mạng, biến lý luận thành lực lượng vật chất thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Có thể nói Ph.Ăngghen  không chỉ là tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về sự gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về nghị lực trong tự học, tự nghiên cứu với tinh thần độc lập suy nghĩ và ý thức phê phán, mà còn là hiện thân về tình bạn thủy chung trong sáng, về đức khiêm tốn và lối sống có nghĩa có tình. Sự  gắn bó hơn 40 năm giữa C.Mác và Ph.Ăngghen là một minh chứng nổi bật nhất của tình đồng chí, tình bạn sâu sắc.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên (vào cuối tháng 11 năm 1842) giữa Ph.Ăngghen và  C.Mác - hai lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản đã trở thành đồng chí, người bạn của nhau. Một tình bạn vĩ đại và cảm động, gắn quyện tình đồng chí sắt son chung thuỷ. Sợi dây thắt chặt tình bạn của Ph.Ăng ghen và C.Mác là cùng chung mục đích, lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng con người. Họ đã sát cánh bên nhau xây dựng nên những công trình khoa học, xây dựng nền tảng ý thức hệ của giai cấp công nhân và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nếu không có sự giúp đỡ hết lòng của Ph.Ăngghen thì C. Mác khó có điều kiện vật chất để hoàn thành những tác phẩm đồ sộ của mình. Nhất là khi giành hết tâm lực cho sự nghiệp cách mạng, nên gia đình C.Mác gặp rất nhiều khó khăn túng thiếu trong cuộc sống, nhưng C.Mác đã có Ph.Ăngghen luôn là người tận tình giúp đỡ. Tháng 2 năm 1845, C.Mác bị trục xuất khỏi Pari trong khi nguồn tài chính của gia đình cạn kiệt. Vì trước đó C.Mác đã bỏ tiền ra mua vũ khí cho một cuộc khởi nghĩa, Ph.Ăngghen đã quyên tiền từ các bạn bè, đồng chí để giúp gia đình C.Mác vượt qua. Những năm tiếp theo, gia đình C.Mác vẫn luôn ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hàng ngày. Vì sự nghiệp lớn Ph.Ăngghen đã cam chịu làm thư ký trong hãng buôn của cha mình - một công việc mà ông vô cùng chán ghét, để có tiền giúp C.Mác. Hơn thế, trong thời gian C.Mác viết bộ Tư bản, để giúp bạn rất nhiều đêm Ph.Ăngghen thức đến tận 2 giờ sáng viết bài thay C.Mác để đăng kịp các số báo mà C.Mác cộng tác, nhưng đều mang tên C.Mác.
Để C.Mác có thời gian viết bộ Tư bản, việc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với tư tưởng của C.Mác đều do Ph.Ăngghen đảm nhiệm. Tiêu biểu là cuộc luận chiến chống Đuy-rinh. Hầu hết các bài viết, Ph.Ăngghen đã phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và xã hội. Với nội dung khoa học sâu sắc, lý lẽ sắc bén, Ph.Ăngghen đã vạch trần tính chất xuyên tạc, phản khoa học của Đuy- rinh, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác.
Năm 1883, C.Mác qua đời trong khi bộ Tư bản - công trình khoa học đồ sộ nhất của C.Mác cống hiến cho loài người mới xuất bản được cuốn I, còn cuốn II và cuốn III đang ở dưới dạng bản thảo. Mỗi bản thảo ấy có hàng ngàn trang với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc. Ph.Ăngghen đã không ngần ngại dừng tất cả những công trình khoa học của mình để giành thời gian hiệu đính hai bản thảo bộ Tư bản cho C.Mác. Phải mất 10 năm Ph.Ăngghen lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già và bệnh tật, bộ Tư bản của C.Mác đã được xuất bản trọn vẹn. Trong công trình đồ sộ ấy, Ph.Ăngghen không chỉ hiệu đính, sửa chữa mà một số chương sau cùng là do ông  viết.
 Suốt cuộc đời hoạt động, Ph. Ăngghen đã có những đóng góp rất to lớn cho khoa học và cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân. Nhưng, mỗi khi nhắc đến công lao, Ông đều dồn tất cả cho C.Mác, chỉ nhận mình là cây đàn viôlông thứ hai bên cạnh cây đại vĩ cầm là C.Mác. Ông nói: C.Mác là một thiên tài còn những người như ông may lắm chỉ có chút tài mà thôi. Nhớ đến Ph.Ăngghen, chúng ta không chỉ trân trọng trước tài năng, công lao to lớn của ông đã đóng góp cho nhân loại, mà còn trân trọng và học tập đức khiêm tốn, lòng cao thượng, sự tận tụy, thủy chung tuyệt vời  trong tình bạn của Ph. Ăngghen./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
144
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10322
Tháng này:
56696
Tất cả:
4.421.576