HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Thành phần kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo?

Đăng lúc: 11:08:28 04/05/2016 (GMT+7)2257 lượt xem

 
Ths.  Nguyễn Văn Quảng
Trưởng Khoa LLMác-Lênin, TTHCM
 
  Để làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn trả lời câu hỏi  “Thành phần kinh tế nhà nước hay thành phần kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo”, chúng ta cần xem xét vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
  Trước hết, chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế không thuần nhất mà đan xen các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN), tư bản chủ nghĩa (TBCN), thậm chí có cả thành phần kinh tế tiền TBCN. Tuy nhiên, trước đây trong xây dựng CNXH, một thời gian dài chúng ta đã mắc sai lầm dẫn đến gần như phủ định các thành phần kinh tế không phải là XHCN - đây là căn bệnh “ấu trĩ tả khuynh” mà Lênin căn dặn cần phải đề phòng.  Để khắc phục tư duy cũ, bằng thực tiễn kiểm nghiệm ở nước ta khi Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá IV) ra đời đến nay, đặc biệt là sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), Đảng ta đã đặt vấn đề phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế và trên thực tế đã thực sự đổi mới tư duy mà thể hiện rõ  nhất là tư duy kinh tế. Đến Đại hội X của Đảng (2006), Đảng ta thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế và Đại hội XII của Đảng (2016) đã  thừa nhận kinh tế tư nhận là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
  Về mặt pháp lý và thực tế, kinh tế tư nhân đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế đất nước; nhưng nếu từ đó mà kêu gọi tư nhân hoá nền kinh tế là chệch hướng, nếu tư nhân hoá nền kinh tế có nghĩa là chuyển nền kinh tế hiện nay sang chế độ sở hữu tư nhân. Chúng ta đều biết rằng thượng tầng kiến trúc của chúng ta là vận hành theo định hướng XHCN mà hạ tầng cơ sở dựa trên sở hữu tư nhân thì có phù hợp không. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn. Hạ tầng cơ sở của mỗi thời đại đều lấy quan hệ sản xuất đặc trưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng. Những quan hệ sản xuất khác trước đó vẫn được sử dụng nếu thực tế có nhu cầu nhưng không bao giờ đóng vai trò nền tảng. Đó là chân lý của mọi thời đại, là sự vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở.
  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển 2011) xác định chủ trương “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối... Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”1.       Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”2 (trang 25). Trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (Điều 51).
         Như vậy, cả Cương lĩnh, Hiến pháp và Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đều thể hiện rõ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước; nhưng trên thực tế hiện nay, vai trò đó chưa được thực hiện đúng như yêu cầu. Về vấn đề này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
  Về thực tế, tư nhân nước ta hiện nay và cả sau này khi phát triển hơn, xét về tổng thể, vẫn không thể đảm đương nổi vai trò nền tảng, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Bởi vì, trong nền kinh tế xét trên phạm vi tổng thể cần có nhiều công trình lớn, nhiều công trình mang tính phúc lợi xã hội thì tư nhân không muốn và không đủ sức thực hiện. Trong kinh doanh, tư nhân kinh doanh là lợi nhuận, nhưng có những ngành, lĩnh vực đầu tư vốn lớn, thu hồi chậm, lợi nhuận thấp, thậm chí phi lợi nhuận thì tư nhân không đầu tư, chỉ có nhà nước mới đủ sức đầu tư và nhà nước cần đầu tư để hiện vai trò kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta; những công trình quốc phòng - an ninh vốn là độc quyền của nhà nước. Như vậy cả về lý luận và thực tế ở nước ta, kinh tế tư nhân không thể giữ vai trò chủ đạo hay nền tảng.
     Hiện nay, Đảng ta vẫn chủ trương khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước;những doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn được khuyến khích phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước, công ty TNHH nhiều thành viên, công ty hợp danh v.v...
  Thứ hai,  nhìn lại chặng đường phát triển của kinh tế nhà nước trong thời quá độ lên CNXH ở nước ta.
  Hiến pháp năm 2013 quy định các thành phần kinh tế  đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế  bình đẳng, hợp tác cạnh tranh theo pháp luật (Điều 51). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011) đã khẳng định: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”3 .
  Trong thời gian gần đây có ý kiến cho rằng “Kinh tế nhà nước không giữ vai trò chủ đạo trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật với các thành phần kinh tế khác”, nói như vậy là mâu thuẫn, là sự lẫn lộn trong tư duy.
  Chúng ta không được đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, tức là không được đồng nhất cái toàn thể với cái bộ phận. Chúng ta thừa nhận kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế có chủ thể là nhà nước, bao gồm các yếu tố kinh tế thuộc sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân. Như đất đai, núi rừng, biển cả và những tài nguyên thiên nhiên gắn với chúng; ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia; các doanh nghiệp nhà nước, các cơ sở khoa học - công nghệ và các tài sản thuộc sở hữu nhà nước có thể đưa vào chu chuyển kinh tế v.v... Trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Chúng ta không thể vì sự kinh doanh, quản lý kém hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh doanh nghiệp lớn nắm giữ một khối lượng lớn tài sản của nhà nước làm ăn thua lỗ kém hiệu quả mà cho rằng về bản chất kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả.
   Vậy,  vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là vai trò gì?
  Đại hội lần thứ VIII  của Đảng (năm 1996) đã nêu rõ “Tiếp tục đổi mới và phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo; làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; làm lực lượng vật chất để  nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô; tạo nền tảng cho chế độ mới.”4 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) lại nêu “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ  để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tập trung cho kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và một số cơ sở công nghiệp quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật”5
Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá IX đã đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn giai đoạn 2001-2010. Trong đó đề ra quan điểm chỉ đạo “Kinh tế nhà nước có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Doanh nghiệp nhà nước( gồm DNNN giữ 100% vốn nhà nước và DNNN giữ cổ phần chi phối) phải không ngừng được làm công cụ vật chất quan trọng đề nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là chủ lực trong hội nhập quốc tế…”  Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 khoá IX xác định chủ trương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN: “Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá và mở rộng diện các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, kể cả một số công ty và doanh nghiệp lớn trong các ngành như điện lực, luyện kim cơ khí, hoá chất, phân bón, xi măng, xây dựng, vận tải đường bộ, đường sông, hằng không, hàng hải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm...”.
  Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đồng thời chính thức nêu bật vai trò của hình thức kinh tế đa sở hữu. Đối với DNNN, Đại hội cũng đã chủ trương tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; trong đó nhấn mạnh giải pháp cổ phần hoá, thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, đa sở hữu, đa ngành nghề, đa lĩnh vự v.v...
  Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển 2011) trong đó xác định chủ trương “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối…  Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”6. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã chỉ rõ:  “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.7
  Theo tinh thần và định hướng chỉ đạo các kỳ đại hội của Đảng nêu trên, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có những vai trò tổng hợp sau đây:
  Một là, kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, nền tảng và quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
  Hai là, DNNN làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.
  Như vậy, qua các kỳ Đại hội gần đây của Đảng, quan điểm của Đảng là rất kiên định về vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, quản lý có những hạn chế, thiếu sót cần nghiêm khắc phê phán và cần có giải pháp khắc phục. Không vì những hạn chế, yếu kém của doang nghiệp nhà nước mà phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước.
  Từ cách tiếp cận và phân tích trên đây cho thấy, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và kể cả khi xã hội đã phát triển thì kinh tế tư nhân không thể và không có vai trò nền tảng, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta./.
 
 
 

  1   ( Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà nội, 2011, tr73-74)
 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”1 ( Hiến pháp nước cộng hopà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr25).
             2 ( Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr25
3( Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nôị 2011 tr73-74)
4 ( Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1996, tr93)
5 ( Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc  lần thứ IX,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr189)
6( Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà nội, 2011, tr73-74)
Hiến Pháp 2013; Tài liệu tuyên truyền Hiếp pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nxb CTQG- ST HN- 2014
       7( Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr25
Số lượt truy cập
Hôm nay:
135
Hôm qua:
1836
Tuần này:
8465
Tháng này:
40111
Tất cả:
4.404.991