NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng ngại học lý luận chính trị của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay

Đăng lúc: 09:07:35 17/08/2022 (GMT+7)2536 lượt xem

 Để việc học tập lý luận chính trị trở thành thực chất và là nhu cầu tự thân, mỗi học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân; phải luôn luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
 
fb9d88424b4c8e12d75d.jpg
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [1]. Sớm nhìn thấy vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, Người chỉ rõ: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình" [2].
Nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, trong những năm qua, Đảng ta đã rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Học tập lý luận chính trị là quá trình được truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ. Do đó, việc học tập lý luận chính trị là yêu cầu thường xuyên và cấp thiết đối với mỗi bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, học tập lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... phù hợp với quy luật khách quan.
Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi cá nhân thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, do chưa đánh giá đúng hết vai trò và ý nghĩa của học tập lý luận chính trị nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và học viên có biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị.
Thực tế cho thấy, ở nước ta có không ít cán bộ, đảng viên "chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng" [3]. Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của lý luận chính trị đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận chính trị và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn đường. Lối làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính mà nguyên nhân là do “kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông” [4] đã khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít sai lầm, khuyết điểm.        
Lười học chính trị có thể dễ dàng nhận thấy trong môi trường dạy và học chính trị tập thông qua một số biểu hiện như:
Thứ nhất, nhiều học viên có biểu hiện coi thường học tập lý luận chính trị nói chung, nghị quyết của Đảng nói riêng; cho rằng, chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, học tập. 
Thứ hai, không ít học viên được cơ quan, đơn vị chọn cử đi học nhưng lại mang tư tưởng học đối phó, “có mặt” để điểm danh mà chưa tuân thủ đúng quy định về giờ giấc học tập, chưa thực tâm chú ý lắng nghe giảng viên truyền thụ kiến thức; một bộ phận học viên còn mặc nhiên sử dụng điện thoại để lướt web hoặc vô tư nói chuyện riêng trong giờ học, học không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn.
Thứ ba, tình trạng sao chép tài liệu một cách máy móc diễn ra khá phổ biến. Khi làm bài thi, bài thu hoạch, một bộ phận không nhỏ nhọc viên ít chịu đào sâu suy nghĩ cho thấu đáo vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra; thậm chí, sau mỗi buổi học, đợt học, nhiều học viên còn “bỏ quên” tài liệu học tập ngay tại hội trường, trong bàn học, lớp học.
Thứ tư, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp giữa đơn vị cử cán bộ đi học với cơ sở đào tạo trong quản lý người học.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và lý luận chính trị, lười học lý luận chính trị chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Điều này rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng, thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động.
 Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế trị trường; một số yếu kém trong quản lý, điều hành của Nhà nước; tình trạng ô nhiễm môi trường và các vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền..., lợi dụng vào tình hình trên các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dùng nhiều thủ đoạn làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mất phương hướng về chính trị, tư tưởng, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ.  Các thế lực phản động, thù địch điên cuồng chống phá Đảng, ra sức bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trước tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ra sức học tập lý luận chính trị để trau đồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có cơ sở lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị trước mọi cảm dỗ về vật chất, cũng như tinh thần để dập tan những âm mưu của các thế lực thù địch.
Là học viên lớp A7 Trung cấp Lý luận chính trị K49 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, nhận thức rất rõ những thực trạng trên, tôi đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng ngại học lý luận chính trị của học viên Nhà trường. Cụ thể:
Một là, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi học viên khi theo học tại trường. Theo đó, mỗi học viên cần phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị theo phương châm “học đi đôi với hành”. Người học phải xác định đúng động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị; gắn tri thức lý luận với thực tiễn công tác; không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trình độ, kỹ năng và phương pháp luận.
Hai là, thực hiện nghiêm quy định, quy chế học tập lý luận chính trị Nhà trường đề ra, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “ 3 không, 3 có” và mô hình “Tập thể kiễu mẫu, học viên gương mẫu”; đồng thời phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, đặc biệt là Ban cán sự lớp.
Ba là, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên dạy lý luận chính trị; phải thật sự là những người truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho người học, gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào lĩnh vực công tác và cuộc sống; có kỹ năng sư phạm, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, phương tiện hiện đại…
Bốn là, Nhà trường cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan đơn vị cử học viên đi học. Theo đó, Nhà trường cần phản ánh kịp thời tình hình học tập của học viên về cơ quan, đơn vị khi có biểu hiện lười học chính trị để cơ quan, đơn vị cử học viên đi học kiểm tra, đánh giá, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm.
Năm là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kịp thời những nội dung đổi mới về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để học viên nắm bắt và tìm hiểu.
Để việc học tập lý luận chính trị trở thành thực chất và là nhu cầu tự thân, đòi hỏi mỗi học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân; phải luôn luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào thực tiễn./.
                                                                                       Lê Thị Thanh
Học viên lớp TCLLCT A7K49
---------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]; [4]; [6] Sửa đổi lối làm việc
[2]. Hồ Chí Mình: Sđd, t.15, tr.117
[3]. Hồ Chí Minh, 1995, tập 6, tr. 247
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1592
Hôm qua:
2022
Tuần này:
9663
Tháng này:
4935
Tất cả:
4.436.223