NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 -  7/5/2024)!

Tìm hiểu một số nội dung cơ bản về quyền chính trị của công dân trong Hiến pháp năm 2013

Đăng lúc: 08:54:53 07/11/2022 (GMT+7)4477 lượt xem

 Quyền chính trị của công dân là một trong những quyền con người quan trọng được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Cùng với những văn bản pháp luật quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979…thì ở Việt Nam quyền chính trị của công dân cũng được ghi nhận rất cụ thể và rõ ràng trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật.Thông qua quyền chính trị, công dân được tham gia vào hoạt động chính trị của nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội của toàn nhân loại.
Thực hiện tốt quyền chính trị của công dân là góp phần bảo vệ quyền con người, thúc đẩy quản trị dân chủ, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ  xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 2013 ghi nhận trong các nhóm chế định cơ bản về quyền chính trị của công dân như sau: 
Một là, quyền bầu cử, ứng cử (Điều 27)
Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền bầu cử không chỉ là quyền bỏ phiếu, mà còn bao gồm cả quyền đề cử. Đây là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. 
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước nói riêng. Thông qua việc bầu cử, nhân dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.
Đối với mỗi cử tri, việc đi bầu cử là quyền lợi đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước và đó cũng chính là cơ sở pháp lý cho công dân trực tiếp tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước của Nhân dân. Kế thừa các bản Hiến pháp trước đây và tiếp tục khẳng định quyền bầu cử và quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND - một quyền chính trị quan trọng của công dân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định” (Điều 27).
Việc quy định độ tuổi công dân phải từ đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vì công dân phải đến độ tuổi nhất định, có sự phát triển cả về thể lực và trí lực thì mới đủ chín chắn, khách quan, khoa học trong việc thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Ngoài điều kiện về độ tuổi, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân còn phải đáp ứng các điều kiện về phẩm chất đạo đức, uy tín, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu và do cử tri lựa chọn.
Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội còn được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007,… và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã tạo khung pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.Luật Bầu cử quy định rõ việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, độ tuổi... có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp.
 Thông qua quyền bầu cử mà các công dân có thể lựa chọn những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của mình vào các cơ quan quyền lực Nhà nước, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Còn quyền ứng cử của công dân đã thể hiện bản chất dân chủ và tính nhân dân của chế độ chính trị ở nước ta, bảo đảm để những người lao động bình thường tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và ở địa phương; trực tiếp bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng nhất trong đời sống xã hội của đất nước, của xã hội. Bằng quyền bầu cử, ứng cử, nhân dân lao động thực hiện quyền lực, thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình.
Hai là, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội (Điều 28)
Xuất phát từ vị trí trung tâm trong các quyền và nghĩa vụ về chính trị của công dân là quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội bảo đảm cho công dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tại Điều 6 Hiến pháp 2013 khẳng định:“Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” và để quy định rõ hơn quyền của công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của Trung ương và địa phương; đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước nhằm tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân, Điều 28 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
“1. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Từ quy định trên của Hiến pháp, công dân thực hiện quyền quản lý Nhà nước và xã hội của mình bằng cách trực tiếp tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của pháp luật; tham gia thảo luận, cho ý kiến đối với các vấn đề khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý; bàn bạc và quyết định trực tiếp những nội dung liên quan đến đời sống xã hội; tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tham gia đối thoại giữa chính quyền với nhân dân “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, “Dân hỏi lãnh đạo trả lời” bằng hình thức gặp gỡ trực tiếp hoặc đối thoại trực tuyến,… Ngoài ra, Hiến pháp, pháp luật cũng quy định công dân thông qua cá nhân, tổ chức mà mình bầu ra để đại diện cho nhân dân chất vấn, kiến nghị, giám sát hoạt động trong quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước; yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tính chất công việc và vị trí việc làm, công dân còn có thể tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, đấu tranh với tệ nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực khác nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy hành chính Nhà nước.
Như vậy, mọi công dân Việt Nam, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đều có quyền tham gia vào việc quản lý, xây dựng, bảo vệ đất nước. Thực tiễn trong những năm qua, chính sách, pháp luật Việt Nam đã và đang bảo đảm quyền công dân trong mọi lĩnh vực, các quy định trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống chính sách, pháp luật đã vận dụng phù hợp và tương đồng với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 25 - ICCPR) và Luật Nhân quyền quốc tế. Các quy định này không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa các công dân trong việc hưởng thụ quyền vì lý do tôn giáo, giới tính, nguồn gốc, dân tộc, thành phần xuất thân,…Việc công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội đã thể hiện bản chất ưu việt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đây là một trong những quyền chính trị đặc biệt, là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng để Nhân dân tham gia vào hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội vào việc xây dựng Nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu quả tất cả vì lợi ích của nhân dân.
Ba là, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25)
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình là những quyền rất quan trọng trong các quyền tự do dân chủ về chính trị của công dân. Những quyền này có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu các quyền con người và quyền công dân, nhằm bảo đảm cho công dân có những điều kiện cần thiết để tham gia chủ động và tích cực vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, Hiến pháp quy định việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Mọi hành vi lợi dụng các quyền trên để gây rối trật tự công cộng, phá hoại hay chống lại độc lập dân tộc, chống lại lợi ích chính đáng của Nhân dân, xâm phạm lợi ích Nhà nước đều bị nghiêm cấm và xử lý theo đúng pháp luật.
 Về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin đã được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 (Điều 10) đến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định; Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 xác định rõ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 nêu rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước đối với công dân thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan, các phương tiện truyền thông, các hình thức khác và cung cấp thông tin theo yêu cầu. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định hình phạt đối với các tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167). Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức về xã hội và pháp lý, trong đó có vấn đề kiểm soát thông tin và đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, nhất là khi các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước luôn tìm cách lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng tự do ngôn luận trên mạng xã hội cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của người sử dụng mạng; đồng thời, điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật, chính sách giúp quản lý hiệu quả và giải quyết các vấn đề mới đặt ra. Các cơ quan chức năng cần kịp thời minh bạch thông tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng đưa tin xấu độc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tin giả, có các giải pháp kỹ thuật trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội từ nước ngoài như Facebook, Google, Twitter, Youtube để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những nguy cơ, hiểm họa.
Về quyền tự do hội họp, lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật và dưới luật. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập hội, bảo đảm quyền lập hội của công dân đúng pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng và ban hành Luật về hội vẫn đang được đặt ra nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do hội họp và lập hội của người dân. Ngoài ra, quyền biểu tình là một hình thức bày tỏ những nhu cầu căn bản và quan điểm của người dân, cần được tôn trọng, bảo vệ. Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành luật để điều chỉnh, bảo vệ quyền biểu tình. Tất nhiên, pháp luật về biểu tình không được để các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng biểu tình nhằm mục đích chống phá Nhà nước và gây rối xã hội.
Có thể khẳng định, với những nỗ lực nhằm bảo đảm quyền chính trị của công dân ở Việt Nam hiện nay đã đạt được những bước tiến vượt trội, mang đậm bản chất chế độ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, Công ước về các quyền dân sự, chính trị thế giới và Luật pháp quốc tế. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và hiện thực hóa, phát huy hơn nữa quyền làm chủ, tính tích cực trong thực hiện quyền chính trị của công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội nhằm phản bác các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ chính trị và con đường Xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn cho cách mạng Việt Nam.
                                                              Ths. Lê Thị Lan Anh
GVC Khoa NN&PL
---------------------
Tài liệu tham khảo:
- Hiến Pháp 1946; Hiến pháp 1959; Hiến pháp 1980; Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung 2001; Hiến pháp 2013;
- Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948;
- Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1479
Hôm qua:
2678
Tuần này:
10296
Tháng này:
18708
Tất cả:
4.449.996