HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tìm hiểu vấn đề xây dựng nền văn hóa mới trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 13:54:19 17/12/2021 (GMT+7)586 lượt xem

Th.S Trịnh Thị Phượng 
GV  Khoa Lý luận cơ sở
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã về với cõi vĩnh hằng. Người ra đi, nhưng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vô cùng to lớn - đó là bản Di chúc của Người. Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. 50 năm qua, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một văn kiện chính trị hết sức quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, thể hiện tầm nhìn văn hoá rộng lớn và trí tuệ văn hoá sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó thể hiện rõ tư duy đổi mới và tầm nhìn rộng lớn về xây dựng một nền văn hóa mới.
          Nền văn hóa mới đó theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên, phải xây dựng được văn hóa Đảng. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở làm sao phải xây dựng Đảng, củng cố Đảng thật trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đày tớ trung thành của nhân dân, có thể hiểu tại sao trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại “trước hết nói về Đảng” mà cụ thể là về văn hoá Đảng. Văn hoá Đảng là một bộ phận của văn hoá dân tộc; là nơi hội tụ, kết tinh, biểu hiện tập trung nhất của văn hoá, trí tuệ dân tộc; là thước đo trình độ trưởng thành của Đảng và là nhân tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, khả năng cầm quyền của Đảng. Từ góc độ văn hóa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đoàn kết chính là giá trị, là sức mạnh và cũng là hạt nhân quan trọng của văn hóa Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác1. Đối với Người, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, xây dựng văn hoá Đảng, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, là danh dự và lương tâm của dân tộc là trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên. Để làm được điều đó, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”2và mỗi cán bộ, đảng viên phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.3
          Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng4 cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cụm từ “đạo đức cách mạng” được sử dụng đến hai lần và cả hai lần đều được in nghiêng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này. Hơn nữa, Người đã coi văn hóa đạo đức là nội dung bên trong của lối sống nên việc giáo dục, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Một khi cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng tất yếu sẽ đoàn kết và “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình5. Có đạo đức mới đoàn kết tốt; thực hiện đoàn kết tốt, chặt chẽ là đảng viên đã thấm nhuần đạo đức cách mạng, sẽ làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trước hết là ở những giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức và nhân cách của những người cộng sản. Một nền văn hóa có những con người có đạo đức, nhân cách, có lối sống cao đẹp như vậy thì những cái xấu, cũ kỹ, hư hỏng nhất định sẽ bị quét sạch.
          Thứ hai, quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần “công việc đối với con người” và đây cũng phần nội dung được viết dài nhất trong Di chúc. Trong bản thảo tháng 5/1968, Hồ Chí Minh vạch ra những dự kiến về việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, có tính đến từng đối tượng cụ thể: thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhận sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình hay đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ, Người căn dặn “phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn”, “phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét6. Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong ưu tú thì cần cho đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta7. Đối với phụ nữ, “phải có kế hoạch thiết thực đề bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.8
          Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa mới có Đảng cộng sản lãnh đạo phải đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, quan tâm, chăm lo đến mọi đối tượng trong xã hội để mỗi thành phần, tầng lớp đều được trao cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, vạch cương lĩnh, hoạch định chiến lược phát triển xã hội, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự tiến bộ và văn minh của loài người, hơn bao giờ hết càng cần có văn hóa: Văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo. Đồng thời, phải làm cho văn hóa ăn sâu bén rễ vào tâm lý quốc dân, từng con người, trong từng hoạt động kinh tế - xã hội, từng lĩnh vực, đặc biệt là thấm sâu vào các quan hệ ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với đời sống cộng đồng.
          Khi đặt vấn đề xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, chính Hồ Chí Minh đã quan tâm một cách sâu sắc và toàn diện, từ lý tưởng cách mạng, tinh thần độc lập tự cường, mọi tư tưởng và hành động vì hạnh phúc của nhân dân, đến một nền chính trị dân quyền. Nền văn hóa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mang dấu ấn của tư duy, khát vọng và hoạt động của con người vươn tới ánh sáng, tự do và hạnh phúc.
Nền văn hóa mới theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải điều gì xa vời, trừu tượng, ngược lại, rất thực tế, hiện hữu hàng ngày, được khái quát lại thành những chuẩn mực ngắn gọn, cô đọng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ những đạo lý truyền thống ngàn đời như uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái của dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị cho phù hợp với thời đại để tạo ra những giá trị của nền văn hoá mới, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
          Quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, trước hết phải thấm nhuần tư tưởng của Người về xây dựng nền văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay. Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa nhằm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.  Hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từng vùng, miền được kế thừa và có bước khởi sắc, nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo; xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới; nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư gìn giữ; nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới có chất lượng tốt.  Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; gương “người tốt, việc tốt”; “xây dựng gia đình văn hóa mới”; “làng văn hóa” (khối phố văn hóa) … đến xây dựng những thuần phong mỹ tục mới cho toàn xã hội phải được đẩy mạnh và làm cho các phong trào ấy thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa trong xã hội. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, trình độ dân trí ngày càng cao, đời sống của người dân được cải biến rõ nét, con người được tạo điều kiện phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần.
            Tóm lại, vấn đề xây dựng nền văn hóa mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ các yếu tố truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới, dân tộc và nhân loại. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước với tinh thần quốc tế và tinh thần khoan dung trong văn hóa, một di sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta. Như nhà báo Liên Xô Ôxip Mandenxtan nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".  Những quan điểm về nền văn hóa mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, chỉ dẫn cho chúng ta trên con đường xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15, Nxb CTQG -ST, Hà Nội, 2011, t 15, tr.611.
          3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611 – 612.
           4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613
           5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.615
           6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616
           7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617
 
 
 
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1597
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11910
Tháng này:
43556
Tất cả:
4.408.436