HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc (1930 – 1975)

Đăng lúc: 08:54:30 02/02/2016 (GMT+7)16788 lượt xem

 
Ths. Lê Ái Bình – Ths. Lê Hải Yến
Khoa Xây dựng Đảng
 
Kết quả sự lựa chọn của chính lịch sử đã đưa tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng và đã đưa dân tộc ta liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong những nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi đó là Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Tinh thần đó được thể hiện ở sự phân tích đánh giá tình hình và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện hoàn cảnh nước ta; sự lựa chọn phương pháp đấu tranh; xử lý các tình huống và các mối quan hệ cả trong và ngoài nước để phát huy sức mạnh của cách mạng, phát huy nội lực của dân tộc và đất nước, nắm vững thời cơ, đây lùi nguy cơ, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn thử thách…
Ngay từ khi Đảng mới vừa ra đời, Đảng đã nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo khi phân tích đánh giá tình hình và hoạch định đường lối. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng đó chính là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến. Kết hợp đúng đắn vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc; kết hợp truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân ta với những kinh nghiệm của cách mạng thế giới; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản và kết hợp thực tiễn, yêu cầu của cách mạng Việt Nam với tư tưởng cách mạng của thời đại, đó là tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Đây là lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một bản Cương lĩnh chính trị phản ánh đúng quy luật phát triển khách quan của xã hội Việt Nam, đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình của cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở đường lối chiến lược của cách mạng mà Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đáng đã nêu, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã cụ thể hóa thành những nhiệm vụ mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ cách mạng. Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền ( 1930 – 1945), Đảng đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ sáng tạo trong phân tích đánh giá tình hình và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin khi xác định nhiệm vụ mục tiêu cụ thể của cách mạng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến; lựa chọn phương pháp, hình thức đấu tranh và lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, cao trào dân chủ 1936 – 1939, cao trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng được thành lập (1930 - 1945), là tổng hợp của cả nhân tố khách quan và chủ quan, nhưng trước hết và chủ yếu do Đảng ta có đường lối cách mạng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn. Đường lối chính trị đúng đắn đó chính là kết tinh của tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đảng đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm chắc những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, phân tích sâu sắc tính chất  xã hội thuộc địa nửa phong kiến; kịp thời tổng kết kinh nghiệm để rút ra những quy luật của cách mạng dân tộc dân chủ, trước hết là quy luật đấu tranh giành chính quyền.
Trong quá trình tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, Đảng đã chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng, dân chủ trên thế giới, không ỷ lại, trông chờ ở bất cứ thế lực nào. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về thời cơ cách mạng, theo sát và nắm chắc diễn của tình hình, khi thời cơ đến, Đảng đã không do dự mà kiên quyết phát động toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại. Đây chính là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Thành công lớn của Đảng ta từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 là đã tăng cường thực lực cách mạng để có thể tự bảo vệ trong điều kiện chưa có sự giúp đỡ quốc tế. Sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự thành công trong sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, một yếu tố quyết định đến khả năng tự bảo vệ của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đã đứng lên tự giải phóng, nay lại tự bảo vệ thành quả cách mạng bằng những phương sách giàu tính sáng tạo đưa cách mạng tiếp tục phát triển.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ( 1946 – 1954), tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng thể hiện ngay chính từ quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bởi vì, khi Đảng phát động toàn quốc kháng chiến, tương quan so sánh lực lượng ban đầu giữa ta và thực dân Pháp đang có sự chênh lệch rất lớn, thực dân Pháp mạnh hơn chúng ta rất nhiều về tiềm lực kinh tế và quân sự, nhưng trên cơ sở phân tích tình hình, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân và sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 19/12/1946.
Trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo cuộc kháng chiến, mặc dù Đảng luôn xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, cuộc kháng chiến của chúng ta là nằm trong xu thế của cách mạng thế giới và Đảng đã luôn tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của lực lượng cách mạng và dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, Đảng vẫn luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng thích hợp với đặc điểm điều kiện cụ thể của nước ta nhằm phát huy cao độ tinh thần sức mạnh trong nước để chiến thắng kẻ thù.
Xuất phát từ thực tế tương quan so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin về chiến tranh và cách mạng, kế thừa kinh nghiệm đánh giặc của cha ông ta, học tập có chọn lọc kinh nghiệm các cuộc chiến tranh chống xâm lược trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn: Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Đường lối đó đã giúp cho Đảng huy động được sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào cuộc kháng chiến với niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi và chúng ta đã giành thắng lợi.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), miền Bắc nước ta được giải phóng, nhưng cách mạng nước ta lại đứng trước khó khăn mới khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam nước ta với âm mưu thôn tính miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Mặc dù chúng ta phải đối phó với kẻ thù là một đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới. Hơn nữa, khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh xâm lược ở nước ta, tình hình quốc tế cũng có nhiều diễn biến phức tạp tác động đến quá trình hình thành đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng Đảng vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ khi quyết tâm dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, từng bước hoạch định đường lối và lãnh đạo nhân dân kháng chiến, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ để đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua quá trình 5 năm khảo nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu lý luận, thăm dò dư luận quốc tế, đến năm 1959, trong Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Đảng đã hoạch định được đường lối kháng chiến chống Mỹ và một cách toàn diện và cơ bản. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khóa II là một dấu mốc lịch sử về độc lập, tự chủ, sáng tạo, khai phá con đường kháng chiến chống Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những thời điểm khó khăn của cách mạng. Đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ được hoạch định trong hội nghị này đã chính thức được ghi nhận trong Đại hội III của Đảng (1960), đồng thời Đại hội cũng đã chính thức thông qua đường lối cách mạng cả nước là tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, đó cũng chính là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện hoàn cảnh nước ta, là một nét độc đáo của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975 và đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chúng ta cũng có thể thấy rằng, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng và nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn, có hiệu quả của các nước XHCN và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhưng Đảng ta luôn giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối chiến tranh cách mạng. Nhờ sáng tạo trong hình thức và phương pháp đấu tranh với việc sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh và các lực lượng cách mạng mà chúng ta đã giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Mặt khác, sự kiên trì, quyết tâm của Đảng trong quá trình lãnh đạo kháng chiến suốt 21 năm với biết bao thách thức của thời gian, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù và những tác động phức tạp của tình hình thế giới cũng đã thể hiện rõ bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng.
Tóm lại, suốt chặng đường 45 năm liên tục ( 1930 – 1975) chiến đấu và hy sinh để giành thắng lợi trong sự nghiệp giải dân tộc, độc lập, tự chủ, sáng tạo đã trở thành truyền thống và bản lĩnh chính trị chi phối toàn bộ hoạt động của Đảng. Thực tiễn cách mạng nước ta trong thời kỳ 1930 -1975 đã chỉ ra rằng, chỉ khi nào nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo thì mới phát huy được mọi tiềm năng và sức mạnh của đất nước, và do đó mới có điều kiện khai thác có hiệu quả sức mạnh của thời đại, tiếp nhận tốt sự giúp đỡ của quốc tế. Khi nào tinh thần độc lập, tự chủ được phát huy thì cách mạng có sáng tạo và phát triển.
    Trong thời kỳ hiện nay, chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước với nhiều thời cơ nhưng cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ  đe dọa đến nền độc lập của dân tộc và sự ổn định chính trị của đất nước. Tình hình đó càng đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đi đến thắng lợi. Đảng phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong thời kỳ hiện nay đòi hỏi Đảng phải kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại, tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các nước để lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Khi hoạch định chủ trương, đường lối, Đảng cần phải xuất phát từ thực tế, hoàn cảnh, điều kiện của đất nước, phân tích đặc điểm và hoàn cảnh thực tế một cách tỷ mỉ sâu sắc để vận dụng và phát triến sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, không dập khuôn, máy móc, đặc biệt khi vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Đảng cần phải chống cả chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều. Để làm được điều đó đòi hỏi Đảng phải nắm vững lý luận, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời xuất phát từ thực tiễn cách mạng để có chủ trương, biện pháp thích hợp; đòi hỏi Đảng phải vững mạnh cả về lý luận, tư tưởng và tổ chức; Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ cách mạng./.       
 
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
151
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10329
Tháng này:
56703
Tất cả:
4.421.583