Trau dồi kiến thức triết học Mác – Lênin góp phần bồi dưỡng thế giới quan khoa học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở trong giai đoạn hiện nay
Đăng lúc: 10:48:59 22/02/2019 (GMT+7)10271 lượt xem
Th.s Dương Bá Tiến
Khoa lý luận Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
Khoa lý luận Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
Thế giới quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người và xã hội loài người. Tồn tại trong thế giới, con người phải nhận thức thế giới và nhận thức bản thân mình. Những tri thức này dần dần hình thành nên thế giới quan. Khi đã hình thành, thế giới quan lại trở thành nhân tố định hướng cho quá trình con người tiếp tục nhận thức thế giới. Có thể ví thế giới quan như một “thấu kính”, qua đó con người nhìn nhận thế giới xung quanh cũng như tự xem xét chính bản thân mình để xác định cho mục đích, ý nghĩa cuộc sống và lựa chọn cách thức hoạt động được mục đích, ý nghĩa đó. Như vậy, thế giới quan đúng đắn là tiền đề để xác lập nhân sinh quan tích cực; trình độ phát triển của thế giới quan là tiêu chí quan trọng đánh giá sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng xã hội.
Thế giới quan được cấu thành bởi nhiều yếu tố như tình cảm, lý trí, niềm tin, tri thức, lý tưởng. Các yếu tố này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Trong thế giới quan có sự hòa nhập giữa tri thức và niềm tin. Tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan, song nó chỉ gia nhập thế giới quan khi nó đã trở thành niềm tin định hướng cho hoạt động thực tiễn của con người.
Thế giới quan được hình thành từ nhiều con đường khác nhau như văn học, nghệ thuật, huyền thoại, thần thoại, tôn giáo, triết học,… Trong đó, triết học, với phương pháp tư duy đặc thù đã tạo nên hệ thống lý luận bao gồm các khái niệm, phạm trù, quy luật, … thể hiện những quan niệm chung nhất về thế giới với tư cách là một chỉnh thể, nên, triết học được coi như trình độ tự giác trong quá trình hình thành và phát triển thế giới quan. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan; nó giữ vai trò định hướng cho quá trình củng cố và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong lịch sử.
Nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thành công sự nghiêp đổi mới, vai trò của đội ngũ cán bộ, quản lý nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nói riêng là rất quan trọng. Bởi vì, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thắng lợi mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại cơ sở. Đồng thời, họ cũng là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, thường xuyên lắng nghe, giải quyết và đề đạt ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng. Do đó, nhằm bồi dưỡng thế giới quan khoa học để cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và năng lực lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần phải trang bị kiến thức triết học Mác - Lênin.
Trong thực tiễn, vai trò của triết học Mác – Lênin đối với việc hình thành thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, triết học Mác – Lênin góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận
Năng lực tư duy lý luận là khả năng tư duy về những vấn đề chung, tổng thể, toàn vẹn, nắm bắt đối tượng trong tính chỉnh thể của sự tồn tại, vận động và phát triển; đó là khả năng tư duy khoa học, sáng tạo trong sử dụng các khái niệm, phạm trù để phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa nhằm đem lại những tri thức mới mang tính chính xác, sâu sắc, chặt chẽ, logic và có hệ thống…phù hợp với quy luật khách quan của hiện thực. Năng lực tư duy lý luận có sức mạnh đưa lý luận vào cuộc sống, cụ thể hóa lý luận thành mục tiêu, phương hướng, giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề của cuộc sống một cách có hiệu quả.
Nhưng năng lực tư duy lý luận vừa bị ảnh hưởng bởi các điều kiện của thực tại khách quan, vừa bị ảnh hưởng bởi nhân tố chủ quan của chủ thể nhận thức. Chính vì vậy nếu người cán bộ chỉ dừng lại ở tư duy kinh nghiệm, tuyệt đối hóa tri thức kinh nghiệm sẽ mắc bệnh kinh nghiệm, rơi vào thế giới quan duy vật tầm thường và phương pháp tư duy siêu hình, tuyệt đối hóa cái cụ thể, cái đơn nhất đem áp dụng nó vào cái phổ biến, cái đa dạng, cái tổng thể.
Chỉ có trên cơ sở trang bị thế giới quan duy vật biện chứng, người cán bộ mới nâng cao được trình độ, năng lực tư duy của mình. Từ kinh nghiệm phát triển lên lý luận khoa học, mới có đủ điều kiện đảm bảo để khám phá, đi sâu vào bản chất sự vật, quy luật vận động phát triển của sự vật, hiện tượng.
Những nội dung thuộc phần học triết học trong chương trình đào tạo đã cung cấp những tri thức cơ bản về các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy thông qua hai nguyên lý, ba quy luật, sáu cặp phạm trù của phép biện chứng. Đó được coi là tri thức nền tảng xây dựng thế giới quan biện chứng, khoa học giúp người học tiếp tục nghiên cứu các phần học sau và các lĩnh vực khác; đồng thời là kim chỉ nam, đóng vai trò định hướng cho hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Bồi dưỡng thế giới quan duy vật và rèn luyện tư duy biện chứng đề phòng và chống chủ nghĩa chủ quan, tránh phương pháp tư duy siêu hình vừa là kết quả, vừa là mục đích trực tiếp của việc học tập, nghiên cứu lý luận triết học nói chung, triết học Mác – Lênin nói riêng.
Hai là, triết học Mác – Lênin góp phần xây dựng lý tưởng cao đẹp, củng cố niềm tin khoa học vào con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn
Hiện nay, các lực lượng thù địch sử dụng nhiều chiêu thức “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Người cán bộ được trang bị thế giới quan khoa học sẽ nhận thức được những diễn biến phức tạp trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, nâng cao tinh thần cảnh giác. Những tri thức lý luận giúp cán bộ có được sự kiên định trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điệu sai trái, cơ hội, phản động, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữ vững và tăng cường, củng cố trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của kẻ thù.
Ba là, triết học Mác – Lênin góp phần nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện của cán bộ
Triết học Mác – Lênin giúp con người tự giác trong quá trình trau dồi phẩm chất chính trị, tinh thần và năng lực tư duy sáng tạo, đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Bởi khi có tri thức, niềm tin, lý tưởng, mỗi cán bộ dù giữ cương vị lãnh đạo nào cũng sẽ tiếp tục xác định cho mình động cơ đúng đắn để rèn luyện và học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, phấn đấu trở thành những cán bộ ưu tú, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Không chỉ thế, người cán bộ có lý tưởng cũng sẽ tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức chung của người cán bộ, thực sự là người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.
Chính trong quá trình học tập mỗi cán bộ được nâng cao, phát triển khả năng tư duy biện chứng và vận dụng vào hoạt động thực tiễn. Việc nắm bắt sâu sắc tri thức triết học Mác – Lênin giúp họ phát huy được năng lực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, chủ động trong việc nắm bắt và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương mình, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đội với hành. Thực tế đã chứng minh, nhiều cán bộ sau khi kết thúc khóa học đã vận dụng một cách linh hoạt những kiến thức đã học tại Nhà trường vào đơn vị, địa phương nơi công tác một cách có hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động lãnh đạo, quản lý của họ tốt hơn, tầm nhìn xa hơn, gắn với thực tiễn hơn, đem lại hiệu quả cao trong trong việc lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thích nghi với cơ chế thị trường, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, việc hoạch định chính sách, khả năng cụ thể hóa chủ trương, đường lối được nâng lên rõ rệt; tính chủ động, sáng tạo được phát huy; bệnh kinh nghiệm, giáo điều, tính ỷ lại, thụ động từng bước được khắc phục; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách mới của địa phương, góp phần làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, khi thực tiễn kinh tế - xã hội vận động, biến đổi nhanh chóng, tình hình thế giới, trong nước diễn biến khá phức tạp, nếu không có lập trường thế giới quan khoa học, con người dễ mất phương hướng và dao động. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Thế giới quan khoa học giúp người cán bộ lãnh đạo, quản lý có khả năng bao quát, nhìn xa, trông rộng, tránh được chủ nghĩa kinh nghiệm cũng như bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều và tâm lý tiểu nông.Có thể thấy, học tập và nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là một công việc khó khăn song rất quan trọng và có ý nghĩa. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta những tri thức khoa học lý luận về xã hội, tự nhiên và con người mà còn giúp chúng ta nhận thức đúng đắn thế giới quan, phương pháp luận khoa học về mọi mặt đời sống, về con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Các tin khác
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
- Thanh Hoá vận dụng bài học phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương hiện nay
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
917
Hôm qua:
2328
Tuần này:
3245
Tháng này:
57220
Tất cả:
4.925.869