HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Truyền thống yêu nước với việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 15:37:30 31/05/2021 (GMT+7)17995 lượt xem

 Chuyên viên: Nguyễn Thị Tâm
Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
Như chúng ta đều biết, tư tưởng bao giờ cũng là sản phẩm của đầu óc con người, do con người sáng tạo ra trên cơ sở nhận thức các nhân tố khách quan. Nhưng con người bao giờ cũng mang tính xã hội, chịu sự tác động của xã hội, của lịch sử…Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên, sống và làm việc trên đất nước Việt Nam, vì vậy, tư tưởng của Người trước hết cũng phải được bắt nguồn từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng, hun đúc lên một hệ thống các giá trị văn hoá mang sắc thái dân tộc bền vững. Theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì những giá trị truyền thống tốt đẹp Việt Nam được thể hiện qua các giá trị căn bản đó là: Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử và tính giản dị trong lối sống.
Trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì tinh thần yêu nước Việt Nam là truyền thống tốt đẹp nhất, là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc, là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần Việt Nam, là sức mạnh, là lẽ sống, niềm tự hào và là đạo lý làm người của con người Việt Nam, như có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho yêu nước, ngay từ trong giáo dục của gia đình, sự ảnh hưởng của những người thân, tinh thần yêu nước của dân tộc đã thấm sâu vào Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn nhỏ, cho nên ngay khi còn niên thiếu, Người đã làm liên lạc cho các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương; tham gia vào phong trào yêu nước chống Pháp của Nhân dân Trung Kỳ. Đồng thời, cũng chính tinh thần yêu nước đó là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, vượt qua mọi khó khăn trong hành trình tìm đường cứu nước và chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Người trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Đồng thời, cũng chính từ lòng yêu nước, thương dân đã đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin một cách tự nhiên, từng bước hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin( 1960), Hồ Chí Minh viết: “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2].
Nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy rất rõ, từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi từ biệt chúng ta trở về với thế giới người hiền, Người luôn khát khao và phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân chủ và giàu mạnh, nhân dân Việt Nam được ấm no, tự do và hạnh phúc. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân song rất đỗi vinh quang của Người xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân và cũng vì nước vì dân mà tận tâm, tận lực phấn đấu. Khi còn đang phải vất vả nơi xứ người để tìm con đường cứu nước, cứu dân, Người đã từng nói: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Hoặc sau này khi đất nước độc lập, Người lại nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3].
Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng lên một tầm cao mới. Đó là yêu nước phải gắn với thương dân, gắn với tinh thần quốc tế vô sản. Và yêu nước phải được thể hiện trong hành động thực tế chứ không chỉ đơn giản là khẩu hiệu, là lời kêu, gọi động viên thuần tuý. Chính vì vậy, với lòng yêu nước, Người đã biến tình cảm, tư tưởng thành sức mạnh thực tiễn bằng những sáng tạo, tài năng và cống hiến vô giá trong sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành thắng lợi, giành lại độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tóm lại, như Đảng ta đã khẳng định, Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.Điều này có nghĩa, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành dựa trên nhiều yếu tố; trong đó, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là chủ nghĩa yêu nước chính là nguồn gốc cơ bản đầu tiên hình thành tư tưởng của Người. Trân trọng giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, trong đó đặc biệt là truyền thống yêu nước, trong suốt quá trình cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc tuyên truyền về lòng yêu nước, tinh thần yêu nước cho mọi người dân, trong mọi thời điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng.
 Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kể cả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn có nhiều những cách thức để tuyên truyền, vun đắp và phát huy sức mạnh yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Chính tinh thần yêu nước đã trở thành điểm tương đồng, mẫu số chung để Đảng thực hiện phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân toàn dân tộc trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng đất nước. Những thắng lợi, những thành công của Đảng trong lãnh đạo cách mạng bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng trong đó việc khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước của mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đó chính là một trong những yếu tốt rất quan trọng. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 thời gian gần đây đã cho thấy rất rõ về vai trò, sức mạnh tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam. Cùng với những cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội đứng ra vận động, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện chi khoản tiền lớn để giúp Chính phủ chống dịch; nhiều văn nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên; nhiều người dân từ già trên 90 tuổi cho đến em học sinh đều tham gia đóng góp bằng nhiều cách thức. Đó chính là minh chứng rất rõ tinh thần yêu nước, tương thân tương ái của người Việt. Chính vì vậy, tại Đại hội XIII, Đảng đã nêu rất rõ việc phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, điểm nhấn mới trong nhận thức về động lực của Đại hội XIII là phát huy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội XIII, các cấp các ngành phải thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền và phát huy truyền thống yêu nước trong mọi cán bộ, đảng viên và trong Nhân dân, phải làm cho mỗi người đều thấy được tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước và có những hành động yêu nước đúng đắn, tránh bị kẻ địch lợi dụng để kích động. Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn là những tấm gương phấn đấu, không ngừng tu dưỡng rèn luyện mình thực sự có lòng yêu nước chân chính, biết đặt lợi ích của đất nước của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tiếp tục phát huy những phẩm chất anh hùng cách mạng, luôn xây dựng niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Làm tốt điều đó, nhất định chúng ta sẽ phát huy tốt chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới và sẽ tạo được sự lan tỏa trong Nhân dân để cùng đoàn kết một lòng xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta./.
 
 
 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 38
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.128.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.161
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2100
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9883
Tháng này:
56257
Tất cả:
4.421.137