HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ và một số yêu cầu đặt ra trong công tác bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 15:58:46 19/05/2020 (GMT+7)6628 lượt xem

 ThS. Trịnh Thị Phượng 
 GV Khoa Lý luận Cơ sở
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Người,cán bộ là “gốc của mọi công việc”[1], “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2]. Cũng theoNgười, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Tài của người cán bộ cách mạng là năng lực của họ, được biểu hiện bằng hiệu suất, hiệu quả hoạt động trong một lĩnh vực thực tiễn nào đó. Tài năng của người cán bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm - sinh lý, trí lực, thể lực… và là kết quả của một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, trong sử dụng cán bộ, Người dạy phải “biết tuỳ tài mà dùng người”. Để có được tài năng, người cán bộ cách mạng cần phải tích cực học tập, kiên trì rèn luyện, phải thực hiện lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu “Đức phải có trước tài", đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước" . Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai" .
Đề cập sự thống nhất đức và tài của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức". Đức và tài phải được biểu hiện trên kết quả công tác và phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"; và “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không". Người cũng xác định rõ mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo ra những cán bộ có đủ phẩm chất cách mạng và năng lực công tác tốt, đó là “cán bộ có đức, có tài”, “vừa hồng vừa chuyên”.
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài chức năng chủ yếu của nhà trường là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương.  Trong đó có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch chuyên viên chính và tương đương. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dâncấp cơ sở.
Trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước cùng những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; từ thực trạng công tác cán bộ của Đảng, nhất là việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình”; từ nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ yêu cầu cấp thiết hiện nay đòi hỏi Đảng cần chú trọng công tác rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.
Để quán triệt tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ, đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết trong công tác rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cho tỉnh nhà hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng cán bộ của trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa ngày càng cao hơn. Trong bài viết này tác giả đưa ra một số yêu cầu sau đây:
 Thứ nhất, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng
Với mục tiêu có tính đặc thù của công tác bồi dưỡng của trường Chính trị là bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý để thực thi chức năng, nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Vì vậy, cần phải xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp. Trên cơ sở nội dung chương trình của Bộ Nội vụ nhà trường cần xây dựng chương trình cho phù hợp với từng đối tượng. Nội dung chương trình phải gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao kiến thức với trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, làm cho cán bộ công chức, viên chức được bồi dưỡng một cách toàn diện về kiến thức chuyên môn, kiến thức lý luận, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống… và trang bị phương pháp tư duy, phương pháp làm việc khoa học… Nội dung chương trình bồi dưỡng phải có tri thức lý luận cơ bản và tri thức thực hành, vừa trang bị tri thức, vừa trang bị phương pháp luận, phân tích các tình huống thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
Ngoài ra, yêu cầu bồi dưỡng ở trường Chính trị là nơi người học được bồi dưỡng nhân cách, niềm tin sắt đá vào lý tưởng của Đảng, sự chín chắn về chính trị, phẩm chất đạo đức. Do vậy, nội dung chương trình phải bao hàm cả mặt bồi dưỡng đạo đức, niềm tin cách mạng. Nghĩa là, trong nôi dung cần phải bồi dưỡng kiến thức lý luận Mác – Lênin, cần chú ý phân tích làm rõ mặt tư tưởng, nhân văn, nhân đạo trong các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin; các chuyên đề học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến thời gian bồi dưỡng, không nên ôm đồm dàn trải quá nhiều chuyên đề, thời gian lên lớp không hợp lý dẫn đến tình trạng bồi dưỡng chưa sâu, dẫn đến không hiệu quả, lãng phí. Tăng cường hướng dẫn nghiên cứu cá nhân, đưa ra các tình huống giải quyết, viết bài thu hoạch cuối khóa.
Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là việc làm thường xuyên, diễn ra hàng năm. Để tránh lặp lại, gây ra sự nhàm chán đối với người học, nhà trường nên thường xuyên đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng theo hướng đảm bảo tính thời sự, thiết thực đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, sẽ tạo được sự quan tâm, thu hút của người học.
Thứ hai,  đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng
Thực tế, những năm qua Nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng học viên. Hàng năm, nhà trường đã mở tại trường các lớp bồi dưỡng cho cán bộ cấp phòng, công chức cấp xã, bồi dưỡng đội ngũ Bí thư, Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã. Mở tại huyện các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, lớp nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện. Tuy nhiên, trong những năm tới, nhà trường cần đẩy mạnh bồi dưỡng theo chức danh,  mở các lớp sát với từng loại đối tượng như đối với cấp tỉnh thì mở lớp theo ngành, lĩnh vực; cấp huyện thì mở theo cán bộ, công chức huyện; nên mở lớp riền cho đối tượng ở xã và đối tượng ở phường, thị trấn.
Thứ ba, đổi mới phương pháp bồi dưỡng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu: “Học tập ở trường của Đoàn thể không phải như học ở các trường cũ” tức là thầy giảng, trò phải ghi và khi thi thì trả bài nguyên xi như thầy giảng. Mục đích của công tác bồi dưỡng là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Vì vậy, giảng viên lên lớp nên không đi sâu vào học thuật, dành phần lớn thời lượng để hướng dẫn học viên giải quyết tình huống, làm các bài tập thực hành gắn với công việc thực tế. Khắc phục triệt để lối truyền thụ một chiều, dành thời gian để học viên trao đổi, thảo luận, thực hành ngay trên lớp. Áp dụng phương pháp dạy học tích cực, theo hướng biến quá trình học tập thành quá trình tự học, tự nghiên cứu với ý thức chủ động, tự giác của mỗi học viên, theo sự gợi mở, định hướng của giảng viên.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
Trước yêu cầu thực tiễn hiện nay, đòi hỏi phải đào tạo bồi dưỡng người cán bộ phải “vừa có đức, vừa có tài”. Vì vậy, người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng phải “vừa có đức, vừa có tài”. Nghĩa  là, giảng viên phải vừa có kiến thức chuyên môn sâu, vừa am hiểu rộng các lĩnh vực có liên quan, có khă năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, có phương pháp truyền đạt hiệu quả. Nhưng đồng thời phải có phẩm chất chính trị, lương tâm đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt phải là những tấm gương đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối sống”. Trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phẩm chất đạo đức cách mạng bao giờ cũng là yêu cầu được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, mỗi giảng viên phải không ngừng n lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn – nghiệp vụ, lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, tác phong, nâng cao hình ảnh, vị thế cán bộ, giảng viên trường Chính trị.
Tóm lại: Nắm vững giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh quan về hệ đức và tài của người cán bộ. trước những yêu cầu của thực tiễn hiện nay đòi hỏi nhà trường cần phải liên tục đổi mới nôi dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với tình hình thực tế, từng đối tượng học viên; đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhà trường. Có như vậy, chất lượng bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường mới được nâng lên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới./.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 269
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 273
Số lượt truy cập
Hôm nay:
923
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11101
Tháng này:
57475
Tất cả:
4.422.355