HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và sự vận dụng vào công tác Đoàn ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 10:43:51 25/03/2016 (GMT+7)1482 lượt xem

 
 
ThS. Lê Nữ Sinh
Khoa Lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” – câu nói của Bác Hồ kính yêu đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong sự nghiệp “trồng người” và cả tình cảm, sự tin tưởng của Người đối với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến lực lượng thanh niên, quan tâm, dìu dắt họ trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và rất cần thiết”.
Trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội hiện nay, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên chúng ta thấy có những quan điểm vẫn còn nguyên giá trị, có thể vận dụng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác đoàn nói chung và công tác đoàn ở trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
1. Vị trí, vai trò của thanh niên trong cách mạng
Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Thanh niên chính là cầu nối giữa các thế hệ: kế tục sự nghiệp của lớp người đi trước, đồng thồi bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ đàn em. Thanh niên bao giờ cũng là lớp người hăng hái, nhiệt tình, luôn luôn đi đầu trong mọi công việc và là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH ra đời, Bác Hồ dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do thanh niên”[1] . Nói về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Bác vừa khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên, vừa đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên: “là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”[2].
Đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng và vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh còn thể hiện lòng yêu mến, tin tưởng đối với thế hệ trẻ: “…Bác rất tự hào, sung sướng và thấy hình như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang…”
2. Nhiệm vụ của thanh niên
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đều nêu ra các nhiệm vụ cụ thể cho thanh niên. Người chỉ ra: “Mỗi thanh niên... phải kiên quyết làm bằng được những việc sau đây: Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết”[3].
Không chỉ vậy, Bác Hồ cũng đã nêu rõ nhiệm vụ của từng đối tượng thanh niên cụ thể như thanh niên là công nhân, nông dân; thanh niên là học sinh, sinh viên; thanh niên các dân tộc, thanh niên quân đội
Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của thanh niên gắn chặt với nhiệm vụ của cách mạng. Người cho rằng thanh niên là phải cống hiến, phải biết hy sinh: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”[4]
3. Tập hợp, giáo dục thanh niên
 Về nội dung
Nhận thức được “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, trong nội dung giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ nói chung, Hồ Chí Minh yêu cầu phải giáo dục toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ, lao động sản xuất. Qua 5 điều Bác hồ dạy thanh niên Việt Nam và nhiều bài nói, bài viết của Người, chúng ta thấy quá trình giáo dục và tự giáo dục của thanh niên ta bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Một là, giáo dục, bồi dưỡng về lý tưởng cách mạng, trong đó lý tưởng cao đẹp nhất mà Bác muốn thanh niên hướng tới là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, giáo dục bồi dưỡng thanh niên về chí khí cách mạng, làm cho thanh niên kế thừa được chí lớn của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ.
Ba là, giáo dục đồi dưỡng thanh niên về đạo đức cách mạng. Bác dạy thanh niên ta phải: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi”[5].
Bốn là, giáo dục bồi dưỡng thanh niên về mọi mặt, “nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Năm là, hướng dẫn thanh niên rèn luyện về thể chất và nếp sống văn hóa, giúp thanh niên tự nêu gương để giáo dục lẫn nhau.
 Về hình thức
          Hồ Chí Minh cho rằng, tiềm năng của thế hệ trẻ vô cùng to lớn, nhưng để đánh thức các tiềm năng đó, trước hết phải tập hợp họ lại trong một tổ chức cách mạng: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”. Hạt nhân để đoàn kết, tập hợp, tổ chức, giáo dục, động viên thanh niên chính là Đoàn Thanh niên Cộng sản, theo Bác: “Đoàn thanh niên là cánh tay và đội dự bị của Đảng, là người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”[6].
Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp lớp trẻ bằng nhiều tổ chức đa dạng, nhằm thu hút, lôi cuốn đông đảo thanh niên thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội tham gia hoạt động chính trị - xã hội, và hình thức rộng nhất chính là Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Thông qua tổ chức này, Đảng nắm được lực lượng thanh niên và phát huy vai trò của thanh niên, chống lại âm mưu của các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại, đẩy thanh niên xa rời Đảng, xa rời cách mạng.
Về biện pháp
Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và từ những đặc điểm tâm lý, tính cách của lứa tuổi thanh niên, Hồ Chí Minh đã đưa ra những định hướng về việc giáo dục bồi dưỡng thanh niên, trong đó chú trọng các biện pháp: tổ chức, tập hợp thanh niên rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng; các thế hệ đi trước phải nêu gương cho thanh niên noi theo, đề cao quá trình giáo dục, rèn luyện của thanh niên.
Đoàn Trường Chính trị Thanh Hoá là một tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn khối các Cơ quan tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, BTV Đoàn khối các Cơ quan tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các khoa, phòng, tổ bộ môn trong nhà trường, Đoàn trường đã phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước khắc phục khó khăn, tập trung sức mạnh đoàn kết của đoàn viên thanh niên góp phần quan trọng vào việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đặc biệt, với Kết luận 102/TB-TrCT ngày 28/4/2014 của Hiệu trưởng “Về tăng cường trách nhiệm, tiếp tục đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa”, nhiệm vụ của từng cá nhân, tập thể đã được đề ra rất cụ thể, thiết thực. Đây cũng là điểm tựa để công tác thanh niên được phát huy, phát triển, là cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội trong trường đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong quá trình nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng Nhà trường kỷ cương, thân thiện, kiểu mẫu.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác đoàn ở trường còn một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa kịp thời và sâu sắc, việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của ĐVTN còn chậm. Một số nội dung, phương thức hoạt động chưa phong phú và đổi mới, chưa sát với nhu cầu của ĐVTN. Một bộ phận ĐVTN chưa xác định rõ động cơ, thái độ học tập rèn luyện, chưa thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của nhà trường, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao.
          Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục bồi dưỡng thanh niên có thể nhận thấy, để phát huy được hiệu quả hoạt động của Đoàn trường, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
          Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lực lượng đoàn viên thanh niên trong nhà trường
Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có hai chức năng cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Trước yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy – học của nhà trường trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí quan trọng và vai trò xung kích của lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Thanh niên – học viên chính là trung tâm, là chủ và làm chủ trong quá trình học tập, rèn luyện. Đề cao vai trò của thanh niên, cần phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến phản hồi của học viên, xem xét nhu cầu học hỏi của họ để điều chỉnh nội dung giảng dạy của giáo viên cho phù hợp, điều chỉnh công tác phục vụ của bộ phận hành chính ngày càng tốt hơn; phát huy sức sáng tạo của đoàn viên thanh niên, của cán sự các lớp để có nhiều hoạt động nghiên cứu thực tế bổ ích…
Thứ hai, định hướng tư tưởng và tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong việc xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, kiểu mẫu.
Sự nghiệp xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, kiểu mẫu không phải là công việc của riêng một bộ phận nào mà chính là sự nghiệp chung của toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, trong đó có sức mạnh xung kích của đoàn viên thanh niên.
Do đặc thù riêng nên thành phần đoàn viên thanh niên của Đoàn trường Chính trị khá đa dạng, bao gồm cả đoàn viên là cán bộ, giảng viên và đoàn viên là học viên. Vì vậy, phải nắm bắt kỹ và kịp thời hơn nữa về đặc điểm tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, tư tưởng, khó khăn, thuận lợi và xu hướng phấn đấu của các đoàn viên thanh niên để có sự định hướng kịp thời, đề ra được những hoạt động phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Hàng năm, Đoàn trường nên triển khai học tập 6 bài lý luận chính trị trong đoàn viên thanh niên, tiếp tục duy trì các cuộc thi tìm hiểu những văn bản, Nghị quyết mới của BCH Đảng bộ tỉnh và của TW Đảng khóa XII. Đồng thời, chú trọng cả giáo dục về lịch sử, truyền thống dân tộc nhằm giúp thanh niên hình thành lý tưởng cao đẹp, có ý chí kiên định trước những tác động của đời sống xã hội.
Bên cạnh việc định hướng về tư tưởng, cần xây dựng được tác phong học tập cho học viên – thanh niên, đề cao tinh thần tự giác, tự học, tự nghiên cứu. Xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung cả ở giảng đường, ký túc xá và cả khu vực bên ngoài nhà trường. Mặt khác, cần định hướng cho đoàn viên thanh niên xây dựng mối quan hệ ứng xử chuẩn mực với đồng chí, đồng nghiệp, thầy cô giáo…, tạo không khí dân chủ, cởi mở nhưng vẫn nề nếp trong học tập, rèn luyện.
Thời gian qua, nhà trường đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, coi đây là thực tiễn sinh động thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình học tập và rèn luyện của đoàn viên - học viên tại trường. Tiếp tục đề xuất đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng không gian phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, học tập, rèn luyện của giáo viên và học viên. Mỗi thầy, cô giáo, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tiêu biểu và mẫu mực về tinh thần đoàn kết, về nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiêu biểu về tinh thần cầu thị, sáng tạo, dám đổi mới vì sự phát triển của nhà trường; tiêu biểu về trách nhiệm với công việc, về cách ứng xử có nghĩa, có tình, có văn hóa; lấy hiệu quả phục vụ học viên làm thước đo đánh giá, lấy đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là mục tiêu phấn đấu của toàn trường.
Thứ ba, hỗ trợ, đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong phát triển, hình thành các phẩm chất, tố chất của người cán bộ lãnh đạo, quản lý tương lai.
Đối tượng học viên của Trường chính trị tỉnh đa phần là các cán bộ đương nhiệm và dự nguồn ở cấp cơ sở , vì vậy ngoài nhu cầu học tập về kiến thức, họ còn cần có các phẩm chất, tố chất của người cán bộ lãnh đạo, quản lý như: đạo đức cách mạng; tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân mình, bao dung với cấp dưới; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; có sự nhạy cảm về tổ chức, tinh tế và khéo léo trong ứng xử, nhạy bén với thực tiễn.
 Tuy nhiên những phẩm chất và năng lực đó không có sẵn mà phải được hình thành, phát triển và hoàn thiện dựa vào các yếu tố: giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động thực tiễn; mở rộng quan hệ giao tiếp, giao lưu; sự rèn luyện phấn đấu của chính bản thân. Vì vậy, cần có nhiều hình thức hoạt động hơn nữa để đoàn viên thanh niên tham gia một cách tích cực nhất, tự hoàn thiện bản thân mình.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các đoàn viên là cán bộ, giảng viên được đi học các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tiếp tục tổ chức các cuộc thi thuyết trình ý tưởng… Xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho đoàn viên thanh niên bằng cách: tăng cường tài liệu, sách tham khảo cho thư viện, lập tủ sách thanh niên cho Chi đoàn cơ quan…
Bên cạnh việc giúp học viên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có cơ sở vật chất nhất định để rèn luyện về thể lực, ví dụ như sân bóng đá, bóng chuyền, sân tenis. Tuy nhiên, các hình thức này mới chủ yếu thu hút các thanh niên nam, còn đoàn viên thanh niên là nữ chưa tham gia nhiều. Vì vậy rất mong trong thời gian tới, Đoàn trường sẽ có thêm nhiều hoạt động phù hợp với nữ giới, ví dụ như: mở lớp tập thể dục thẩm mỹ, tập yoga, lớp khiêu vũ…
Thời gian qua, Đoàn trường Chính trị cũng đã có một số hoạt động giao lưu với các đoàn viên ở cơ quan đơn vị khác (như bóng đá, thi “Rung chuông vàng”…). Tuy nhiên cần tiến hành một cách bài bản hơn nữa, hợp tác sâu rộng, chặt chẽ hơn nữa, ví dụ như: tổ chức kết nghĩa với tổ chức đoàn ở 1 xã, phường hay trường học khác. Từ đó để học tập kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Ngoài ra, cũng nên tổ chức các buổi tuyên dương đoàn viên tiêu biểu, thành lập mục “Gương người tốt, việc tốt” trên Website của trường để tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời để các đoàn viên thanh niên khác biết, học tập và làm theo./.
 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.5, tr.185.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.10, tr.488-489.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.5, tr.185-186.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.7, tr.455.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t11, tr.505
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.12, tr.65
Số lượt truy cập
Hôm nay:
327
Hôm qua:
2925
Tuần này:
8110
Tháng này:
54484
Tất cả:
4.419.364