NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội

Đăng lúc: 15:45:09 09/11/2014 (GMT+7)1454 lượt xem

Victor Hugo từng nói rằng:"Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ".

 ThS. Tào Thị Thanh Mai

Phòng N/C KH-TT-TL

 

 

            Victor Hugo từng nói rằng:"Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ". Quả thật, phụ nữ dù trong thời đại nào cũng luôn có một vị trí không thể nào thay thế được và phụ nữ Việt Nam cũng không nằm ngoài giá trị đó. Chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian để có cái nhìn chân thực nhất về vai trò của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, qua đó ghi nhận, đánh giá vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội.

            Trước hết, chúng ta phải thừa nhận vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và vai trò đó gắn với chức năng của người phụ nữ: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" (tục ngữ Anh). Dù theo thời gian, những chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi thế nào thì họ vẫn là người "thắp lửa", vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với các thành viên trong gia đình.

           Từ xưa, việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là nhiệm vụ không thể thiếu của ngưòi phụ nữ. Trong xã hội phong kiến, những định kiến khắt khe của xã hội đã kìm hãm người phụ nữ trong phạm vi gia đình. Họ chịu ảnh hưởng lớn của người chồng và gần như không có được sự độc lập và tự chủ trong đời sống, do đó, việc giáo dục con cái cũng bị ảnh hưởng lớn. Những chuẩn mực mà xã hội xây dựng cho phụ nữ là tam tòng, tứ đức đã có những ảnh hưởng tích cực nhất định, xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ hoàn thiện với công, dung, ngôn, hạnh nhưng cũng đã biến ngưòi phụ nữ trong cuộc sống gia đình với chuẩn mực khắt khe "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" và ảnh hưởng của người mẹ với con cái còn hạn chế, có chăng người mẹ gần gũi, chăm sóc con cái, chứ không ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành nhân cách của con. Việc chăm sóc con cái chỉ đơn thuần là lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ và yêu thương con bằng tất cả tình mẫu tử thiêng liêng.

           Bước sang xã hội hiện đại, chuẩn mực về người phụ nữ thời hiện đại có những thay đổi, chính sự thay đối ấy đã kéo theo sự ảnh hưởng của họ đối với gia đình. Người phụ nữ Việt Nam bắt đầu khẳng định mình, bắt đầu tiếp xúc với tri thức và đòi hỏi có những quyền lợi ngang bằng với phái nam. Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã nhận ra rõ ràng nhất khả năng, vai trò của người phụ nữ, Bác nói:"Non sông gấm vóc Việt Nam đều do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm rực rỡ".

           Nghị quyết số 04/NQ-TW của Bộ Chính trị ra ngày 27/07/1993 đã khẳng định: "Phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình, cần tạo điều kiện để phụ nữ kết hợp hài hoà giữa nghĩa vụ công dân và chức năng người mẹ trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đang việc nhà mà còn cống hiến hết mình cho xã hội. Vì nhận thức của xã hội thay đổi vai trò của người phụ nữ trong giáo dục con cũng có những thay đổi lớn. Người mẹ cũng là người gần gũi con nhất, chăm sóc và hiểu con nhất, cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của con từ tấm bé. Nhà thơ An Nguyên đã viết:" Dẫu có đi vòng quả đất tròn, người trông con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ?- Cái vòng tay từ tấm bé, cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên - Mẹ là người cho con cái tên riêng, trước cả khi con bật lên tiếng Mẹ". Vai trò người mẹ, người vợ ngày càng trở nên quan trọng, vì không chỉ là người chăm lo cho chồng con, mà người phụ nữ hiện đại đã trở thành người đóng góp thành công trong sự nghiệp của chồng trong công việc, là người bạn lớn luôn ở bên con để hướng dẫn, động viên kịp thời.

            Người phụ nữ trong xã hội ngày nay không chỉ "giỏi việc nước" mà còn "đảm việc nhà". Trách nhiệm tăng lên gấp đôi thì chắc chắn niềm hạnh phúc sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Họ đã khẳng định vai trò của mình, là người phụ nữ hiện đại có tri thức, năng động, thành đạt. Ngoài ra, người phụ nữ còn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sống đảm bảo kế thừa và phát huy bề dày văn hóa truyền thống - hiện đại của dân tộc bởi chính những tinh hoa trong bề dày văn hóa truyền thống - hiện đại của dân tộc sẽ trở thành thế mạnh, điểm tựa khi đối mặt với những thách thức trong thời hội nhập.

            Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng trong gia đình, người phụ nữ Việt Nam còn khẳng định vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có đã có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, Hai bà Trưng đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù bằng lời thề xuất quân: "Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng - Ba kẻo oan ức lòng chồng - Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này". Vài thế kỷ sau người thiếu nữ Triệu Thị Trinh tự khẳng định là một nhi nữ hào kiệt: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông". Thế kỷ 20, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, lao động, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà đã lao động cần cù, gian khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn. Đảng, Bác Hồ phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ kháng chiến và "Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng" trong thời kỳ đổi mới đất nước không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận vai trò  của phụ nữ Việt Nam.

            Phát huy truyền thống đó trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội và thể hiện rõ nét nhất ở Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cũng theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh hành động của Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt như: Phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động (với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội), ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Chỉ cần điểm qua một vài con số: Hiện có 24,4% đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XIII) - được xếp hạng cao ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao của thế giới; số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp chiếm 26%, trong đó 3% chủ tịch Hội đồng nhân dân là nữ. Chúng ta tin tưởng rằng con số này sẽ còn tăng hơn nữa ở các kỳ Đại hội tiếp theo bởi trong Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 1/12/2009 khẳng định: "Xây dựng cơ chế đảm bảo thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các quá trình ra quyết định, tăng tỷ lệ ứng cử đại biểu Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp".

           Ở Việt Nam hiện nay những quyền cơ bản của phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật: cụ thể: Quyền của người phụ nữ Việt Nam càng được phát triển qua các bản Hiến pháp. Hiến pháp mới 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển thể hiện tầm quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có cả quyền của phụ nữ. Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Đặc biệt, Điều 26 Hiến pháp nhấn mạnh: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

            Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch... Có thể nói, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 2 yếu tố căn bản đó là "bình đẳng và ưu tiên". Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.

            Nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã có nhiều tấm gương phụ nữ Việt Nam đã thể hiện năng lực quản lý, bản lĩnh vượt khó trở thành người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh là những Bông hồng vàng... Trên thế giới và Việt Nam hiện nay ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nữ xuất sắc. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia kinh tế xuất sắc, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, điển hình như Bà Nguyễn Thị Bình, Bà Trương Mỹ Hoa, Bà Phạm Chi Lan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh...

           Để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí đó, phụ nữ Việt Nam hiện nay cần: 

          Thứ nhất, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt để có thể nắm bắt và biết vận dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Người phụ nữ trong thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức càng phải biết vượt lên chính mình để có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, năng lực bản thân để cùng với nhân dân cả nước đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

           Thứ hai, tích cực hoạt động, chủ động, dám nghĩ dám làm, có ý thức trách nhiệm và biết khắc phục khó khăn, biết chớp thời để thực hiện tốt công việc được giao một cách tốt nhất. Người phụ nữ năng động phải biết khắc phục lối sống thụ động, trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm, tự ti, mặc cảm, phải thể hiện là người nhanh nhẹn, tháo vát, luôn đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu vươn lên.

           Thứ ba, phụ nữ cần có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp hình thể. Có được các kỹ năng sống, người phụ nữ mới không cảm thấy lúng túng khi đóng vai trò kép: vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, làm tốt chức năng nội tướng và nuôi dạy con cái thành đạt. Bên cạnh đó, không nên quên rằng, trong mọi thời đại, sức khỏe và vẻ đẹp luôn là những thành tố quan trọng làm nên giá trị của mỗi con người.

           Thứ tư, phát huy hơn nữa những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phẩm chất: đảm đang, trung hậu bởi đó là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa thể hiện đúng thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam, vừa khẳng dịnh vị thế của họ trong cộng đồng.

           Thứ năm, luôn tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, yêu nước thể hiện ở ý thức nâng cao cảnh giác cách mạng về âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch chống phá cách mạng và nhân dân ta. Yêu nước còn thể hiện ở yêu làng xóm, quê hương, cộng đồng của mình, yêu chính những công việc mà mình đang làm và luôn trăn trở để tìm ra cách thức thực hiện công việc đạt hiệu quả, để có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước.

            Tóm lại, thật khó có thể nói hết những gì mà phụ nữ đã và đang đóng góp cho gia đình và xã hội. Phụ nữ là một nửa thế giới, nếu một nửa thế giới phát triển thì thế giới chắc chắn sẽ phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 20/10 Ngày Phụ nữ Việt Nam chúng ta cùng tôn vinh công lao to lớn của Phụ nữ Việt Nam bằng tấm lòng biết ơn vô hạn, tình cảm trân trọng đối với những người phụ nữ, người mà: Cả thế giới nương nhờ dưới hai bầu vú sữa - Trời không ánh sáng, hoa nào nở - Dạ vắng yêu thương, cảnh những sầu - Đời thiếu Mẹ hiền, không Phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu ? (Mác xim Goocky).

Số lượt truy cập
Hôm nay:
821
Hôm qua:
2090
Tuần này:
12999
Tháng này:
67987
Tất cả:
5.292.218