NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Xúc cảm về một chuyến đi thực tế

Đăng lúc: 16:41:38 15/03/2018 (GMT+7)49072 lượt xem

 Học viên: Nguyễn Thị Thành
 Lớp:  A7 TCLLHC-K45
 
“Cuộc đời là những chuyến đi”, có những chuyến đi đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học “Đi để đến”, có những chuyến đi không chỉ để đến, để biết mà còn để lại trong lòng mỗi người những dư âm khôn nguôi! Chuyến đi ấy không  thể đo lường độ ngắn dài, cũng chẳng thể lấy thời gian đi, về nào mà tính được. Bởi, những gì đã trải nghiệm, nơi đến của hành trình sẽ còn mãi lưu giữ trong lòng lữ khách những cung bậc cảm xúc, sự dịch chuyển tích cực trong tâm hồn và nhận thức về người, về việc, về chính bản thân mỗi cá nhân. Chuyến đi thực tế về làng nghề làm nón lá, chiếu cói ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống của lớp A7 -K45/TCLLCT là một chuyến đi như thế - Một chuyến đi đong đầy những cảm xúc - Chuyến đi của sự cầu tiến, ấm áp tình đồng chí, tình người!
          Đi thực tế tìm hiểu cơ sở là nội dung thuộc chương trình học đã được phổ biến từ đầu khóa học 2017-2018. Thời điểm trước tết Mậu Tuất 2018, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Dương Bá Tiến - giáo viên Chủ nhiệm lớp, Ban cán sự cùng tập thể lớp đã thống nhất, địa điểm thời gian, liên hệ nơi đến, định hướng mục tiêu để các học viên sẵn sàng tham gia và tìm hiểu đúng hướng. Sau Tết nguyên đán, ngay những ngày đầu tiên của đợt học, kế hoạch đấu mối với lãnh đạo xã Trường Giang, lịch trình cụ thể của chuyến đi, cho đến việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết.v.v. đã được hoàn tất, phân công nhiệm vụ đến từng học viên.
      Lớp chúng tôi - A7 Khóa 45/TCLLHC với 56 học viên là các đồng chí đang công tác tại cơ sở, trong đó cơ bản các đồng chí hiện đang đảm nhận các vị trí cán bộ, công chức, bán chuyên trách cấp xã. Với đặc điểm đó, kế hoạch tham quan thực tế, mô hình làng nghề truyền thống tại đơn vị ở cơ sở là một địa điểm đến thiết thực và gần gũi, khả thi, tạo sự thu hút, chờ mong của các học viên.
          6h30’ sáng thứ 7 ngày 03 tháng 3 năm 2018, màu xanh của áo đồng phục lớp A7/K45-TCLLHC - hòa trong không khí của xuân đất trời, các học viên đã tập hợp tại cổng trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Và xen trong những ánh mắt tìm kiếm bạn trước cổng trường người xe qua lại, tiếng chân vội vã tập hợp đội hình, chợt thấy sắc xanh in tên đồng phục lớp A7 -Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa sao mà đẹp, mà “Thời trang”, mà gần gũi, thân thương, vừa đoàn kết xen lẫn chút tự hào đến lạ!
          Để thuân tiện trong quá trình di chuyển, đoàn tham quan chúng tôi chia làm 2 xe. Vinh dự cho chúng tôi trên 2 xe đều có các thầy cô giáo đi cùng. Tổ 1 và Tổ 2 một xe, thầy giáo của nhiệm lớp chúng tôi trên xe này. Tổ 3 và tổ 4 được chào đón thầy Phạm Bá Thịnh, Giảng viên khoa lý luận Mác -Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và cô Nguyễn Trần Bách Diệp cán bộ phòng NCKH & TTTL. Sự ân cần, vui vẻ, trẻ trung của các thầy cô xóa tan đi sự e ngại ban đầu của các học viên chúng tôi. Xe bắt đầu lăn bánh lúc hơn 7h, quãng đường đến Nông Cống không xa, lại càng như ngắn hơn bởi những lời ca, tiếng hát, những câu chuyện hóm hỉnh mà thầy trò trên xe cùng kể nhau nghe. Có những học viên trên lớp thì khá trầm tính, ít nói, nhưng suốt hành trình, các bạn đã đem đến cho cả đoàn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi những lời nói hoạt ngôn hóm hỉnh, giọng hát khá hay và phong thái tự tin. Chúng tôi đã đùa với nhau rằng: Đây là những nhân tố bí ẩn, và “ Hoàn cảnh tạo anh hùng” “Môi trường sinh tuấn kiệt”!... Càng thấy, những hoạt động, đôi khi chỉ là không gian chung để cùng nhau được chia sẻ, là những chuyến đồng hành giản dị cũng là dịp để mỗi người được thể hiện, để sống với chính mình, để hoàn thiện hơn.
     Sau gần một tiếng khởi hành, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Trường Giang, huyện Nông Cống. Mặc dù là đoàn đến vào ngày nghỉ theo quy định, tuy nhiên, đón tiếp chúng tôi là sự nồng hậu, chu đáo bởi đồng chí Bí thư Đảng bộ và đồng chí Chủ tịch UBND xã cùng đông đảo các đồng chí cán bộ, công chức xã Trường Giang.
          Sau những cái bắt tay chào đón thân tình, theo lịch trình đề ra, để tham quan được cụ thể, từ đó có cơ sở để đánh giá, đối chiếu hiệu quả của làng nghề và giữa hoạt động của hai làng nghề làm nón lá và làm chiếu cói, lớp chúng tôi được chia thành 02 nhóm khảo sát: Một nhóm đi đến các cơ sở làm nón lá tại thôn 3 làng nghề Yên Lai, Nhóm còn lại đi đến làng nghề làm chiếu Ngọc Lẫm. Cùng đi với các nhóm, các đồng chí cán bộ xã đã chỉ dẫn tận tình để chúng tôi có thể tiếp cận trực tiếp các thợ nghề, chủ cơ sở sản xuất nhằm nắm bắt được nhiều thông tin nhất có thể.
          Chúng tôi thấy có một chút phân vân, áy náy, trách nhiệm khi chỉ dẫn đoàn chúng tôi - Đồng chí Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ xã giãi bày rằng đây là thời điểm Tết nguyên đán mới qua, thêm nữa lại trong mùa vụ gieo cấy, tỉa dặm vụ xuân hè, cho nên làng nghề không tập trung đông đảo các lao động như thời điểm chính vụ. Tuy nhiên, đến trực tiếp các cơ sở sản xuất chúng tôi vẫn thấy được nhịp độ sản xuất vui tươi, rộn ràng của các thợ nghề, tiếng máy dệt chiếu, tiếng khâu nón, nụ cười hồn hậu, mến khách, của các thợ nghề, của những người dân nơi đây. Tay các bác, các chị, các cô vẫn miệt mài khâu, miệng vẫn vui vẻ trả lời các câu hỏi của các học viên chúng tôi. Nhìn cách họ làm nên chiếc nón, tưởng dễ làm sao. Ấy thế mà khi chúng tôi xin làm thử thì “ Cước một nơi, và lá một nơi!”. Điều chúng tôi cảm nhận được qua những câu chuyện trao đổi thân tình, toát lên từ ánh mắt, qua lời nói mộc mạc cho thấy họ yêu nghề và ý thức gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại, niềm tin về sự khởi sắc của làng nghề phụ mà đem lại thu nhập chính ổn định bền vững cho người dân nơi đây.
          Sau hơn 3 tiếng tham quan, chúng tôi trở lại UBND xã. Trong không khí thân tình và cởi mở, chúng tôi đã được nghe đồng chí Chủ tịch UBND xã Trường Giang Đậu Minh Hùng chia sẻ thêm các thông tin khái quát về đặc điểm, tình hình địa phương, những trăn trở về hướng phát triển làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Làng nón Trường Giang đã có cách đây trên dưới 200 năm, đến năm 2015 làng nghề mới chính thức được cấp thương hiệu. Tại xã có hơn 1000 hộ làm nón, tập trung ở 2 làng Tuy Hòa và làng Yên Lâm. Nghề dệt chiếu cói có cách đây hơn 100 năm đem lại việc làm cho hơn 500 hộ ở làng Ngọc Lẫm. Nghề truyền thống đem lại thu nhập bình quân 3-4 triệu/tháng cho lao động thường xuyên. Với những lao động không thường xuyên đem về thu nhập từ 1,8 triệu - 2,5 tr/tháng. So với chi phí sản xuất, chất lượng của sản phẩm nón, chiếu Trường Giang thì lợi nhuận từ nghề chưa thực sự tương xứng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là khâu xây dựng, quảng bá thương hiệu và vấn đề tìm đầu ra ổn định, tập trung để sản phẩm không bị ép giá, làm giá. Theo chia sẻ của đồng chí Chủ tịch UBND xã thì đây là vấn đề trọng tâm mà xã đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp thực hiện...
           Với tình yêu, ý thức giữ gìn nghề truyền thống của nhân dân cùng với sự năng động, quyết tâm, sự tìm tòi đổi mới không ngại khó, ngại khổ trong nhận thức hướng đi của Đảng ủy, chính quyền xã, tạo cho mỗi người trong đoàn tham quan chúng tôi một niềm tin về sự hưng thịnh của làng nghề, về sự phát triển toàn diện hơn nữa của mảnh đất Trường Giang - Nông Cống.
          Xế trưa, sau buổi giao lưu thân tình, những vành nón lá được trao nhau làm kỷ niệm...đoàn chúng tôi rời Trường Giang trong sự chia tay lưu luyến của kẻ đi, người ở. Với mỗi học viên chúng tôi, thật khó để để diễn tả hết những xúc cảm, chuyến đi cho chúng tôi thấy “trẻ hơn” bởi được tiếp thêm nhiệt huyết cống hiến, vừa khiến chúng tôi “già hơn” bởi những cảm nhận, những vấn đề chúng tôi được tiếp thu từ thực tế chứ không phải là những suy đoán, tưởng tượng mơ hồ;
          Ở chuyến đi đó chúng tôi chúng tôi đã được học và thấm một cách tự nhiên những kiến thức thực tế. Thành thật mà nói rằng, trước chuyến đi, không ít trong số học viên chúng tôi đi với tâm thế và mục đích là để đến, để điểm danh, để hoàn thành nhiệm vụ khóa học. Vậy nhưng, vượt xa những điều mong đợi, từ khâu chuẩn bị cho đến hành trình đi, nơi đến và những gì thực tế tận mắt chúng tôi được vào cuộc, được chứng kiến đã cho chúng tôi những nhận thức, những kỹ năng mà nếu không “xách ba lô lên và đi” thì chúng tôi không thể nào có được. Chúng tôi học từ địa phương bạn, thấy được thực trạng, trăn trở với những giải pháp, những vấn đề mà hầu hết làng nghề nào cũng đang phải đối mặt, học từ những điều nhỏ nhất từ ngay cách hành xử ứng xử của nhau... Ngẫm về bản thân, về công việc hiện tại, về địa phương mình đang công tác, thấy nhiều lúc mình đã không trọn vẹn, nhiệt tình...thôi thúc bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa!;
          Ở chuyến đi đó, chúng tôi - những cán bộ, công chức cấp xã được tạo điều kiện để “ tự soi mình” khi đến “thăm nhà bạn”. Trong quá trình công tác, học viên chúng tôi ít nhiều được cơ quan tổ chức đi tham quan, du lịch. Tuy vậy, những chuyến đi thực tế đến các xã - những đơn vị đồng cấp thì chưa được nhiều. Chuyến đi thực tế về Trường Giang lần này là cơ hội để chúng tôi đóng vai trò “ là khách” đến đơn vị bạn. Thời gian tuy không được nhiều, nhưng sự đón tiếp, cách điều hành công việc, sự phối hợp giữa các bộ phận, mối quan hệ ứng xử giữa cán bộ xã và nhân dân... của đơn vị bạn đã đem đến cho chúng tôi những cái nhìn khách quan để học tập, để rút kinh nghiệm và điều chỉnh bản thân;
          Lớp chúng tôi, những học viên lớp A7, phần lớn đã có gia đình riêng, bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh. Ai cũng đã từng trải qua thời tuổi trẻ, ai cũng đã từng có, thậm chí là có nhiều những chuyến đi cùng người thân, cùng đồng nghiệp, cùng tập thể. Và lẽ dĩ nhiên, những chuyến đi đều để lại những kỷ niệm nhất định. Với chuyến đi lần này, chúng tôi, những học viên của Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa như được trở về thời sinh viên sôi nổi, được thẳng thắn chia sẻ quan điểm, cách nhìn với đồng môn - những người bạn, những đồng chí - Điều tưởng bình thường nhưng không dễ để nhiều chuyến đi có thể đạt được!.
                                                
          Chuyến đi thực tế của chúng tôi đã khép lại, nhưng trong tâm trí của mỗi học viên chúng tôi, dư âm của hành trình còn đọng mãi. Dư âm ấy mở ra, khơi dậy nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, niềm tin về sự đổi mới, tiến bộ!  Trên hành trình tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, những ngày chúng tôi được học tập tại trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không lâu, nhưng những gì của ngôi trường lấy  “Kiên định- Kỷ cương - Đoàn kết - Nêu gương- Sáng tạo” làm chuẩn mực đạo đức, với các phương châm, định hướng, nêu cao tinh thần tự học, lấy học viên làm trung tâm, sẽ mãi là hành trang để chúng tôi tu dưỡng, rèn luyện, để làm việc hiệu quả, làm người, và làm cán bộ được tốt hơn!./. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1615
Hôm qua:
1933
Tuần này:
3548
Tháng này:
40129
Tất cả:
4.338.666