NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Những ấn tượng về lớp tập huấn “Phương pháp quản lý đào tạo” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 14:25:48 05/06/2017 (GMT+7)2653 lượt xem

 
Nguyễn Văn Sơn – Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), từ ngày 24 đến 26 tháng 5 năm 2017 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mở lớp tập huấn“Phương pháp quản lý đào tạo”tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Theo quyết định của Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lớp tập huấn của chúng tôi bao gồm 28 học viên trong đó có 14 nam và 14 nữ đại diện cho cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và giảng viên của các Trường Chính trị khu vực Bắc Trung bộ và Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
 
td6.png

Học viên lớp tập huấn tổ chức hoạt động học tập theo nhóm            
 
          Tham gia lớp tập huấn lần này đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc. Đó là sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của đơn vị đăng cai tổ chức, trước khi đến địa điểm tập huấn là Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa chúng tôi đã được lãnh đạo Nhà trường gọi điện hỏi thăm và chỉ dẫn ân cần. Khi đến trường, có đại diện Ban Giám hiệu đợi sẵn và ra tận xe đón tiếp đưa về phòng nghỉ. Điều rất bất ngờ đối với mỗi chúng tôi là trên tất cả các cửa phòng nghỉ đã ghi đầy đủ các thông tin cá nhân của mỗi thành viên trong đoàn. Phòng nghỉ được bố trí một cách khoa học, có ti vi, điều hòa, tủ sách, bàn làm việc cá nhân. Trong thời gian tập huấn chúng tôi thấy được rằng Trường Chính trị Thanh Hóa đã bố trí cho chúng tôi những điều kiện tốt nhất về nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập.
Khóa tập huấn lần này chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, đó là lần đầu tiên từ trước tới nay chúng tôi được học một cách bài bản, khoa học về phương pháp quản lý đào tạo do các chuyên gia hàng đầu giảng dạy, cùng với sự giám sát của các chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Thông qua lớp tập huấn này chúng tôi đã được trang bị những kiến thức cơ bản và có hệ thống về phương pháp quản lý đào tạo, chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày chúng tôi đã được học 6 chuyên đề lý thuyết bao gồm: Nhu cầu, mục tiêu và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng nội dung, chương trình của đào tạo, bồi dưỡng; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bỗi dưỡng; tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng và một chuyên đề thực tế đi nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Sầm Sơn. Không chỉ được nghe những vấn đề lý thuyết mà chúng tôi còn được trực tiếp thực hành các tình huống cụ thể ở các khâu, các quy trình của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng diễn ra trong thực tiễn, từ đó giúp cho tất cả mọi người hiểu sâu sắc hơn và hiểu rõ bản chất của mỗi vấn đề, qua đó bước đầu hình thành các kỹ năng cụ thể ở mỗi người.
 
 td7.png
     Đi thực tế tại Thành phố Sầm Sơn
Những điều chúng tôi thu nhận được trong khóa tập huấn này đúng như lời tâm sự của một thầy công tác lâu năm của Trường Chính trị Thừa Thiên Huế đã nói: “Lâu nay chúng tôi đã làm rồi, làm nhiều rồi nhưng làm dựa trên kinh nghiệm và chỉ bảo lẫn nhau thôi, chứ không được bài bản, khoa học và có hệ thống như ở lớp tập huấn này. Sau khóa tập huấn này chắc rằng chúng tôi sẽ làm tốt hơn, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn”. Đồng tình với ý kiến của Trường Chính  trị Thừa Thiên Huế, đại diện của Trường Chính trị Nghệ An trong bài phát biểu tổng kết khóa học cũng cho rằng: “Tham gia lớp tập huấn lần này các thành viên trong lớp không cần phải đi tìm hiểu, học hỏi ở đâu xa mà hãy học chính mô hình tổ chức lớp học ở ngay tại lớp tập huấn này. Theo tôi, cách thức tổ chức, triển khai lớp tập huấn ở Trường Chính trị Thanh Hóa rất bài bản và khoa học; nó thể hiện cách thức tổ chức chuyên nghiệp trong từng khâu, từng quy trình của Ban tổ chức lớp học. Đó chính là sự nhiệt tình, chu đáo trong đón tiếp, bố trí nơi sinh hoạt cho học viên, giảng viên và các chuyên gia; Là sự trang trọng, đầy đủ, ngắn gọn trong tổ chức khai giảng, bế giảng; là sự chuẩn bị đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết vị hỗ trợ giảng viên, học viên trong việc triển khai phương pháp học tập tích cực; là sự theo dõi, giám sát chặt chẽ nghiêm túc toàn bộ quy trình của chuyên gia nước ngoài… Có thể xem đây là hình mẫu về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng  để cho tất cả chúng ta có thể học tập và triển khai ở đơn vị mình”
Như vậy với những kiến thức tiếp thu được của khóa học, hy vọng rằng mỗi học viên trong lớp chúng tôi sẽ đóng vai trò quan trọng là những hạt nhân trực tiếp tham gia tổ chức, thực hiện trong thực tiễn ở các trường chính trị góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.
          Bên cạnh những kiến thức mà các giảng viên đã trang bị, chúng tôi còn có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người trực tiếp làm công tác quản lý đào tạo ở các Trường Chính trị với nhau. Thông qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra những cách làm hay, hiệu quả ở mỗi đơn vị, từ đó có thể học hỏi và áp dụng trong thực tế ở mỗi trường.
          Có một điều đặc biệt hơn là trong toàn bộ chương trình tập huấn đã có sự theo dõi, giám sát của giáo sư Yoshiteru Sugimoto – chuyên gia cao cấp của tổ chức JICA Nhật Bản ở Việt Nam. Tất cả các thành viên trong lớp chúng tôi đều có sự ngưỡng mộ và ấn tượng sâu sắc đối với giáo sư, một con người có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc trong công việc và hòa đồng trong giao tiếp ứng xử. Giáo sư thực sự là người truyền lửa để cho tất cả chúng tôi tham gia khóa học một cách tích cực nhất.
Theo chương trình của lớp tập huấn chiều ngày 26 tháng 5 năm 2017 chúng tôi hoàn thành chương trình và nhận chứng chỉ. Trong buổi chiều hôm đó, trong lòng ai cũng thấy hứng khởi vì đã hoàn thành khóa học một cách tốt nhất. Cầm chứng chỉ trên tay với những nụ cười rạng rỡ, nhưng cũng chính lúc đó chúng tôi cảm thấy có một khoảng trống trong lòng, cảm nhận thấy một điều gì đó sắp diễn ra, đó là chuẩn bị phải rời xa nhau. Kết thúc khóa học khi mà những người bạn, những người đồng chí, đồng nghiệp đang còn rất nhiều điều tâm sự muốn nói, muốn chia sẻ thì cũng là lúc mọi người phải trở về với công việc thường ngày; cảm giác bồi hồi, luyến tiếc hiện lên trên khuôn mặt của tất cả mọi người. Khi chia tay mọi người trao cho nhau những cái bắt tay, những cử chỉ thân mật với mong muốn rằng sẽ được gặp lại trong thời gian gần nhất.
          Hoàn thành chương trình tập huấn chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, tới các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ các Trường Chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tới các giảng viên của khóa học và các chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1938
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8151
Tháng này:
58308
Tất cả:
4.356.845