THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam

Đăng lúc: 13:48:36 01/09/2024 (GMT+7)197 lượt xem

 Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập - tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
z5780187841473_81edd283a02269f8549f84989d8bf830.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
 
Bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị quốc tế, thời đại sâu sắc. Đó là văn kiện khẳng định tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc; tạo ra thế và lực để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại.
Bản Tuyên ngôn Độc lập - Văn kiện khai sinh nước Việt Nam mới; mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc
Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp khi chúng đãthi hành những chính sách hết sức phản động, cả về chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, để áp bức bóc lột Nhân dân ta. Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” (1). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi đế quốc, thực dân và phong kiến, giành lại độc lập, tự do và quyền con người.Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã buộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” (2). Việt Nam từ một xứ thuộc địa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc ta đã giành lại tự do, giành được quyền hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của mình. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt to lớn, là cuộc cải biến xã hội vĩ đại không chỉ của lịch sử dân tộc Việt Nam mà của cả lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới
Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của Nhân dân Việt Nam.
Tạo ra thế và lực để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại
Trong bối cảnh phát xít Nhật ở Đông Dương tan rã, chính quyền tay sai tê liệt, quân đồng minh chưa tiến vào Việt Nam, lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh..., Đảng ta đã phát động tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng Nhân dân giành chính quyền. Nhờ vậy, cách mạng đã tránh được sự đụng đầu với kẻ thù khi còn đang mạnh, đồng thời tạo nên thế hợp pháp, chính nghĩa của Chính phủ lâm thời khi đón tiếp quân đồng minh. Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam, khẳng định trước công luận: mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập đều là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới và mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Nghĩa là giành độc lập là để dân làm chủ, để xây dựng chính quyền cách mạng theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp Nhân dân và cả dân tộc. Đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân sâu sắc, thật sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”, bản Tuyên ngôn Độc lập còn minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hoà hiếu của một dân tộc “muốn làm bạn với các nước” để trong hành trình cách mạng luôn “đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”, coi lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất. Điều này có ý nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Những quan điểm, tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập tự do có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó đến nay, Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.
Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ Nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, cung cấp kinh nghiệm thành công cho Nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Vì vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình Nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (3) khẳng định ý chí không gì lay chuyển; khẳng định triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đang phấn đấu, rằng: “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, lạm phát được kiểm soát; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cùng với đó, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử. 
Tình hình thế giới sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng những giá trị tư tưởng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ là ngọn đuốc soi đường cho con đường cách mạng Việt Nam.
ThS. Lê Hải Yến
GVC. Khoa Xây dựng Đảng
-----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.1.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.3.
(3) Trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 sđ, tập 4, tr.3.
 
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
43
Hôm qua:
1677
Tuần này:
12022
Tháng này:
52082
Tất cả:
4.920.731