NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa học tập và rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”

Đăng lúc: 08:30:26 01/06/2018 (GMT+7)1961 lượt xem

ThS. Lê Ái Bình 
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
                                                          
Vấn đề đạo đức và nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bởi theo Người, “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[1].
Đối với giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa, do tính chất đặc biệt của nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, các thầy giáo, cô giáo được tôn vinh là những kỹ sư tâm hồn, những người thực hiện sự nghiệp “trồng người”, cho nên xã hội mong muốn nhiều hơn, cao hơn ở đạo đức cách mạng của các nhà giáo. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn gương mẫu về mọi mặt,không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết,giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”[2].  Với chức năng của Trường Chính trị là nơi đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở càng đòi hỏi cao hơn đối với người giảng viên cả về trình độ chuyên môn cũng như sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng, nhằm nâng cao sức thuyết phục của các bài giảng lý luận chính trị và tạo sự lan tỏa đến các học viên trong việc quyết tâm đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Đảng ta đã nhận định. Chính vì vậy, cùng với việc không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng để thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh gồm các phẩm chất như: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình; có tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, gắn với mọi hoạt động hàng ngày của mọi người, nó là thước đo trình độ phẩm chất Người của mỗi người, như Bác từng viết: Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”[3]. Đây là những phẩm chất quan trọng giúp cho mỗi người có bản lĩnh trước mọi khó khăn, thử thách, để mỗi người “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ thể không thể khuất phục”[4]. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là việc làm cần thiết đối với tất cả mọi người.
Đối với giảng viên Trường Chính trị, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải được thể hiện cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong công việc, nhưng trước hết là gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Nhà trường.
Trước hết, về thực hiện chữ “Cần”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai, việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được. Đối với Trường Chính trị, do công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đòi hỏi phải trang bị cho người học  không chỉ về trình độ lý luận mà còn về kỹ năng thực hành để xử lý, giải quyết các tình huống phức tạp thường xảy ra ở địa phương, đơn vị - nơi học viên đang công tác, cho nên yêu cầu đặt ra đối với mỗi giảng viên là phải vững vàng về kiến thức lý luận và phải am hiểu thực tiễn sâu sắc để luận giải và làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang dặt ra. Muốn vậy, mỗi giảng viên Trường Chính trị phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện chữ “Cần”, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc: không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ; phải thực sự tâm huyết trong việc nghiên cứu, giảng dạy để tự vươn lên để khẳng định vị thế của mình, khắc phục mọi biểu hiện thoả mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu nhạy bén...
Hai là, về thực hiện “Kiệm”.  “Kiệm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tiết kiệm công sức, tiền của và thời gian, sử dụng chúng sao cho có ích nhất, hiệu quả nhất. Kiệm cũng có nghĩa là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, tiết kiệm như Người đã đề cập hoàn toàn trái ngược với bủn xỉn. Đối với giảng viên Trường Chính trị, để thực hiện tốt phẩm chất này đòi hỏi mỗi giảng viên phải biết thực hành tiết kiệm thời giờ, của cải, công sức của mình, của Nhà nước và của người học.
Trước hết là tiết kiệm về tiền bạc, các vật liệu và đồ dùng trong công tác như giấy tờ, bút mực, điện, nước… Nếu giảng viên thực hiện triệt để tinh thần tiết kiệm thì công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tiếp đến là tiết kiệm về thời gian và công sức. Đối với người giảng viên, tiết kiệm thời gian, công sức ở đây là cả trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và thực hiện các nhiệm vụ khác, sao cho việc thực hiện các nhiệm vụ đều đạt hiệu quả và đảm bảo đúng tiến độ thời gian của Nhà trường. Đặc biệt, trong giảng dạy, tiết kiệm thời gian không phải là rút ngắn thời gian các tiết học, buổi học mà có sự cân đối, sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo tính khoa học, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm của từng bài giảng, tiết giảng để bài giảng có hiệu quả. Mặt khác, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của ở đây không phải chỉ của mình mà còn phải biết tiết kiệm thời giờ và công sức của người học, mỗi giảng viên phải là tấm gương về việc chấp hành đúng kỷ luật thời gian trong các giờ lên lớp, đồng thời phải không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong công tác của người học, vì học viên đã mất thời gian, công sức đến lớp để học mà kết quả thu được không thiết thực, hiệu quả giờ học không cao thì đồng nghĩa với việc giảng viên đã làm lãng phí thời gian, công sức của họ.
Ba là, việc thực hành chữ “Liêm”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Liêm” là trong sạch, không tham lam cả về vật chất và địa vị. Điều này cũng hết sức quan trọng đối với giảng viên Trường Chính trị và đòi hỏi mỗi giảng viên phải có bản lĩnh vững vàng thì mới thực hiện được. Bởi hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có cả lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, để đạt được chữ “Liêm”, người giảng viên phải rũ bỏ lòng tham, không chỉ tiền tài vật chất mà cả danh vọng, địa vị, chức tước, phải luôn ý thức và làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình đó là phải truyền thụ tri thức cho học viên để giúp họ nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác chứ không phải là “bán” tri thức, nên không được lợi dụng quyền hạn của mình mà gây khó khăn, phiền hà cho người học. Có như vậy mới giữ đúng nghĩa của chữ “thầy” và học viên mới tôn trọng nhân cách của người thầy, những nội dung bài giảng của thầy mới thuyết phục được người học.
Bốn là, thực hiện phẩm chất “Chính”. Chính là không tà, là thẳng thắn và đứng đắn. Thực hiện “Chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh của người giảng viên phải thể hiện trên ba mối quan hệ: đối với mình, với người và với việc. Trước hết là đối với mình thì phải luôn có ý thức tự giác trong thực hiện qui chế giáo viên, nội qui của Trường và những qui định khác; không tự cao, tự đại, phải chịu khó trong nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi cầu tiến bộ để ngày càng phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn. Muốn thế, phải luôn biết tự kiểm điểm, phát huy những điều hay, sửa đổi, khắc phục những điều còn hạn chế trong công việc để vươn lên. Đối với đồng nghiệp và học viên thì phải có tinh thần đoàn kết, chân thành, tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, không dối trá lừa lọc, thường xuyên và nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Đối với việc, làm việc gì cũng phải công bằng, chính trực, tuân theo lẽ phải. Kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục, đảm bảo thực hiện trung thực, không gian lận trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, đặc biệt là trong chấm thi, kiểm tra, bởi hiện nay, bệnh thành tích trong giáo dục cũng đang là một trong những mặt tồn tại, hạn chế của Ngành Giáo dục và đây chính là biểu hiện của việc giáo viên không thực hiện đúng chữ “Chính”. 
Năm là, việc đảm bảo đúng tinh thần “chí công vô tư”. Chí công vô tư theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đặt việc tập thể, việc công lên trên, làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ mình nên đi sau, tức là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người nhấn mạnh, thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đối với người giảng viên, đây cũng là một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cần phải thực hiện nghiêm túc. Để đảm bảo tinh thần “chí công vô tư”, mỗi giảng viên khi thực hiện bất cứ công việc gì cũng phải luôn phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, làm đúng nhiệm vụ và chức trách người giảng viên, đặt việc công lên trước, lên trên việc tư, việc nhà. Ngoài việc chuyên môn, khi được phân công phụ trách việc gì thì phải nhiệt tình, có trách nhiệm cao, làm đến nơi, đến chốn, không ngại khó khăn, gian khổ. Việc gì có lợi cho Đảng, cho Nhà trường, cho học viên thì dù nhỏ, dù khó khăn, gian khổ cũng cốgắng làm; việc gì có hại đến Đảng, đến Nhà trường và học viên phải hết sức tránh. Đồng thời, thực hiện “chí công vô tư” cũng đòi hỏi người giảng viên phải thể hiện tinh thần khách quan, công bằng trong đánh giá đúng thực chất năng lực của đồng nghiệp, của người học, không thiên tư, thiên vị.
Tóm lại, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu đặt ra đối với mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng,  đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua đội ngũ giảng viên Nhà trường đã không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tuy nhiên, như Bác từng dạy: “ …đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc cảng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[5]. Vì vậy, mỗi giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa cần phải tiếp tục không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” để không ngừng hoàn thiện mình cả về nhân cách, phẩm chất đạo đức cũng như năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở của tỉnh nhà, cũng là góp phần đưa quê hương Thanh Hóa nhanh chóng trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác hằng mong đợi./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.11, tr.601.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.14, tr.747
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.6, tr.117
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.7, tr.50
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.11, tr.612
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
120
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12302
Tháng này:
58676
Tất cả:
4.423.556