THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực của dân làm lợi cho dân

Đăng lúc: 09:15:18 16/02/2017 (GMT+7)5856 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
P. Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
 
Trong cuộc đời làm cách mạng, mối quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Bác đã khẳng định: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”1, phát huy mọi nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đó chính là triết lý, là phương châm hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì theo Người: “Tất cả của cải vật chất trong xã hội, đều do công nhân và nông dân làm ra. Nhờ sức lao động của công nhân và nông dân, xã hội mới sống còn và phát triển”. Nên, Người luôn đặt dân lên vị thế người làm chủ đất nước; trong tất cả mọi việc, kể cả huy động sức dân trước hết vẫn là vì chính lợi ích của dân, vì theo Người lợi ích của dân càng cao, sức dân càng mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm các nguồn lực trong dân, bao gồm: nguồn lực của cải, tài chính; nguồn lực sức lao động; nguồn lực trí tuệ.
Theo Người, nguồn lực của cải, tài chính trong dân rất nhiều, Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, phát huy nguồn lực của cải, tài chính trong dân để làm cho dân giàu, nước mạnh. Với Người, từ việc to đến việc nhỏ, từ xa đến gần, dựa vào dân, huy động sức dân là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Ví dụ, trong phong trào chống hạn, Người đặt vấn đề: Chống hạn lấy tiền ở đâu? Ở dân, phải biết huy động tiền trong dân; hay trong học tập, “Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tiền mà học được, như “gia đình học hiệu”, “tiểu giáo viên”, cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo, v.v.”
Năm 1945, nước ta đứng trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” với chồng chất những nguy cơ của “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, trong cảnh nguy cấp ấy, nhờ đánh giá đúng đắn về sức dân, nguồn lực trong dân mà Người đã thành công trong việc huy động sức dân để cứu đói, xây dựng nền kinh tế kháng chiến. Để xóa bỏ hẳn nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phải phát triển sản xuất theo tinh thần: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa”… Chính quyền vừa mới được thành lập, nền tài chính khánh kiệt với 1,2 triệu đồng quá nửa rách nát, để chính quyền có thể hoạt động được, Hồ Chí Minh chỉ ra giải pháp trước mắt  lúc đó là huy động tiền của, tài chính trong nhân dân với “Tuần lễ Vàng”, động viên nhân dân quyên góp vào “Quỹ độc lập”, “Qũy đảm phụ quốc phòng”, mua công trái… Người đã viết thư vận động đồng bào toàn quốc tích cực tham gia “Tuần lễ Vàng” để củng cố nền độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi cua Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã đóng góp cho Chính Phủ được 370kg vàng, 20 triệu đồng cho “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng cho “Quỹ đảm phụ quốc phòng”. Vì thế, đất nước trong ngày đầu thành lập đã dần đi vào ổn định.
Về nguồn lực sức lao động, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có vai trò hết sức quan trọng. Người từng khẳng định: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng là nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy lao động là sức chính của sự tiến bộ của loài người. Cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc”2. Với lao động, con người đã tạo ra lịch sử của chính mình; với lao động, con người đã cải tạo tự nhiên, cải biến xã hội và nâng mình lên thành chủ nhân chân chính của tự nhiên và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý: Nguồn lực lao động trong nhân dân là vô cùng vô tận, đó là sức mạnh “xung thiên”, cải biến xã hội nếu Đảng biết phát huy đúng đắn. Chính việc thấu triệt và phát huy nguồn lực lao động to lớn trong nhân dân, đó là bí quyết để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng  Đảng ta giành thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Để nhanh chóng khôi phục củng cố đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, một phong trào tăng gia sản xuất, thi đua yêu nước đã được phát động rộng khắp trên phạm vi cả nước. Người viết: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai”, “mỗi người dân phải biết có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”; “vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai giá trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất” 3. Tuy nhiên, để lao động của nhân dân đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi người công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, viên chức, đều phải hiểu rõ nghĩa vụ vẻ vang của mình là phục vụ sản xuất… Muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt”4. Để phát huy được nguồn lực lao động của nhân dân thì phải hiểu lao động thế nào cho khoa học, phải có phương thức, cách thức đúng đắn để phát huy nguồn lực đó.
Về  nguồn lực trí tuệ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân là những con người sáng tạo nhất, thông minh nhất; quần chúng nhân dân có thể giải quyết được mọi khó khăn. Vì thế, nhiều lần Người nhắc nhở: Có những việc rất đơn giản, cán bộ, đảng viên nghĩ mãi không ra nhưng quần chúng nhân dân lại có cách giải quyết rất đơn giản, đầy đủ và hiệu quả. Trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh phát huy nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách để phát huy nguồn lực trí tuệ trong nhân dân. Trong những năm đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng, Người viết một loạt bài: Về việc tiếp chuyện các đại biểu; Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà; Nhân tài và kiến quốc… đặc biệt là bài Tìm người tài đức. Với những lời lẽ rất chân thành, trân trọng để chiêu hiền đãi sĩ, Người chỉ: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”5. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chiêu hiền đãi sĩ, quy tụ nhân tài luôn  gắn liền với khoa học dùng người để phát huy tài năng, trí tuệ của dân tộc. Người cho rằng, để phát huy được tài năng của con người thì phải biết dùng người đúng và khéo. Vậy làm thế nào để dùng người và khéo dùng người? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn dùng người cho đúng, cho khéo, trước hết phải hiểu đúng, đánh giá đúng con người. Năm 1947, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Sở dĩ phải khéo dùng người còn vì: Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển thêm nhiều.
          Như vậy, theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí minh, nguồn lực trong nhân dân có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Người khẳng định: Tất cả những thắng lợi của dân tộc ta  không phải là công lao riêng của Đảng ta, đó là công lao chung của toàn đồng bào trong cả nước, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào, thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân.
Để phát huy nguồn lực của dân làm lợi cho dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần sử dụng một số biện pháp sau:
          Trước hết,  Đảng, chính quyền, mỗi cá nhân phải có lòng thương yêu vô hạn, sự cảm thông, sự tin tưởng tuyệt đối vào con người, ý chí đấu tranh để giải phóng con người. Đây chính là hạt nhân trung tâm, xuất phát điểm, đồng thời là mục đích, lý tưởng sống, chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, có dân thì có tất cả, không dựa vào dân thì không thể làm được gì; sức mạnh của Đảng, của Nhà nước là dựa trên sức mạnh và sự ủng hộ của nhân dân. Người thường nhắc nhở: “các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người… Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”6. Như vậy, trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương yêu vô hạn, sự cảm thông, tin tưởng tuyệt đối vào con người, quyết tâm phấn đấu giải phóng con người trở thành tiền đề đầu tiên để có thể phát huy, huy động được các nguồn lực vốn có trong nhân dân.
          Thứ hai, để phát huy các nguồn lực vốn có trong nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xác lập được một hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho lợi ích dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những vấn đề an sinh xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi hành một hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người là một biện pháp hết sức quan trọng để phát huy các nguồn lực vốn có trong nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ phải lấy dân làm gốc, quan tâm chăm lo mọi tầng lớp người trong xã hội, từ việc quan tâm tới những người có công với nước đến phụ nữ, nông dân, cán bộ, thanh niên xung phong… Có thể nói đây là một hệ thống chính sách xã hội hoàn chỉnh hướng vào các giá trị nhân văn cao đẹp mà xã hội loài người luôn hướng tới.
          Thứ ba, để phát huy các nguồn lực vốn có trong nhân dân  thì quyền lợi của  người dân phải được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh khằng định: để nhân tin, dân theo, dân ủng hộ, để các nguồn lực của nhân dân được phát huy thì  phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quyền lợi của người dân phải được bảo vệ. Nên ngay sau ngày giành độc lập, để bảo vệ nền độc lập, quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng cùng tập thể Đảng, Chính phủ xây dựng và ban hành Hiến Pháp 1946, quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của con người. Có hiến pháp, pháp luật nhưng điều cơ bản theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đảm bảo quyền dân chủ, vì dân chủ là một động lực rất quan trọng của con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ không chỉ là thành quả đấu tranh giai cấp mà còn chứa đựng những giá trị chung của nhân loại. Người nói: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, do đó, thực hành dân chủ “là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”7. Đây là biểu hiện giá trị đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, là những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta ngày nay.
          Thứ tư, bên cạnh  các nhóm giải pháp trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến những giải pháp về giáo dục nhằm tạo tiền đề cho chiến lược phát huy các nguồn lực của nhân dân, nhất là nhân tố con người. Ngay từ đầu sự nghiệp cách mạng Người đã đào tạo, bồi dưỡng được một thế hệ cách mạng có đủ “đức” và “tài”; mục tiêu là nhằm “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Và để đạt được mục tiêu đó thì nội dung, phương pháp giáo dục phải toàn diện. Nó thể hiện sự kết hợp giữa nội dung toàn diện và phương pháp toàn diện, giữa nhận thức và hành động, lời nói và việc làm; giữa tư tưởng và lối sống, nếp sống để đào tạo được người công dân tốt, một người có ích cho gia đình và xã hội.
          Tóm lại, vấn đề phát huy các nguồn lực của nhân dân - sức dân, tài dân, của dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập với nội dung sâu sắc, toàn diện và khoa học. Không chỉ đánh giá cao vị trí, vao trò của nhân dân, thấy được tính tất yếu của vấn đề phát huy các nguồn lực của nhân dân, Người còn  xây dựng được hệ thống các giải pháp toàn diện, coi việc thực hiện đúng đắn các giải pháp đó là khâu then chốt, quyết định thành công trong bài toán phát huy các nguồn lực đó.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực của dân làm lợi cho dân, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát huy nhân tố con người thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm, an sinh xã hội ... nhằm phát triển thể lực, tri thức, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, tay nghề; tính năng động và sức sáng tạo của con người. Đó chính là nguồn lực nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, để đưa nước ta ngày càng phát triển thì phát huy nguồn lực của nhân dân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân”8, nhằm thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
 
 

1.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. T12, tr.212
2.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.420
3.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.419
4.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.312
5.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.451
6.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.22
7.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.249
8.      Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb . Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 69
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1455
Hôm qua:
2280
Tuần này:
5722
Tháng này:
31063
Tất cả:
4.899.712