NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Không có gì quý hơn độc lập tự do – tư tưởng xuyên suốt cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 17:14:49 18/05/2016 (GMT+7)1248 lượt xem

 ThS. Lê Nữ Sinh
 Khoa Lý luận Mác – Lê nin, TT Hồ Chí Minh
 
Cách đây 50 năm, năm 1966, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[1].
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” – câu nói ngắn gọn đó chứa đựng nội dung tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, chứa đựng khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời.Đây chính là chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là tư tưởng chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Người. Nghiên cứu tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cần đặt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhiều thời điểm, ở nhiều hoàn cảnh và cương vị khác nhau, Người đã nhiều lần khẳng định quan điểm này.
          Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm “không có gì quý hơn độc lập tự do” luôn được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, như Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2].
Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo đã nêu rõ:
          “…B. Về phương diện chính trị:
                   a, Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.
                   b, Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[3]
          Ngay từ ngày mới thành lập, “Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[4].
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng Việt Nam có những biến chuyển mạnh mẽ. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng chú ý giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp, trong đó nhấn mạnh quyền lợi dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941) do Hồ Chí Minh chủ trì đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”5. Kể cả khi đang trong cơn bệnh trọng, ở chiến khu Tân Trào, Bác vẫn căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Cách mạng tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”6. Đó không chỉ là lời thông báo đơn thuần mà chính là sự khẳng định quyền tự chủ, là sự đồng lòng, quyết tâm của cả dân tộc ta quyết bảo vệ độc lập tự do. Kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị tiến bộ của nhân loại, nét sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh là dùng chính quyền con người đã được thừa nhận, đề cao trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, để “suy rộng ra” thành quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc, thành chân lý của thời đại. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam không những có giá trị về chính trị, khẳng định độc lập chủ quyền của Việt Nam, mà còn có giá trị cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, chống lại “giặc” đói, “giặc” dốt và “giặc” ngoại xâm. Với quan điểm đúng đắn, nhất quán “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ngày 19/12/1946, trước âm mưu, hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, nền độc lập tự do của dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”7.
Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị nhưng đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Đó là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định.
Kết thúc lời kêu gọi, Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng:
“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”8
Đúng như lời khẳng định đó của Người, sau chín năm kháng chiến trường kỳ, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của đế quốc thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào thay chân Pháp xâm lược Việt Nam. Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng chuyển sang thực hiện chiến lược “ Chiến tranh cục bộ”, tăng cường quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng sức mạnh không quân và hải quân Mỹ, hòng buộc phía Việt Nam phải ngồi vào đàm phán theo điều kiện ép buộc của Mỹ.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, phát huy vai trò hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng hai nước Lào và Campuchia. Để tinh thần đó thấu suốt đến toàn dân, toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 17-7-1966, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên:
“… Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”9.
Luận điểm "Không có gì quý hơn độc lập tự do" được nêu trong Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1966 chính là sự nối tiếp và phát triển tư tưởng của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 với bản Tuyên ngôn độc lập và trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân vẫn luôn là mong muốn khát khao, cháy bỏng nhất của Bác Hồ kính yêu:
“…Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” 10
Như vậy, qua những dấu mốc tiêu biểu trong lịch sử dân tộc cũng như trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, ta thấy rõ những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Theo Người, độc lập tự do của dân tộc phải là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn và bền vững, chứ không thể là những thứ độc lập giả tạo theo kiểu “bánh vẽ”. Độc lập dân tộc phải gắn với thống nhất đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và quyền tự quyết của dân tộc. Độc lập dân tộc gắn với cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì theo Người: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập chẳng ý nghĩa gì”11. Độc lập cho dân tộc mình, đồng thời phải tôn trọng và góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập của các dân tộc khác.
Với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhân dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường chiến đấu hy sinh đánh thắng hai đế quốc to, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX. Đánh giá tổng quát công lao to lớn của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Người ngày 9-9-1969 khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Kế thừa, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, 30 năm qua (1986-2016), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc tiếp tục được nhấn mạnh. Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội xác định là:
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vũng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”12.
Dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin chắc rằng công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong những năm tiếp theo sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội!
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2011, t.15, tr.131
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,t.4, tr.187
[3] Hồ Chí Minh:Toàn tập, sđd, t.3, tr.1
[4] Hồ Chí Minh:Toàn tập, sđd, t.10, tr.3
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4028
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12846
Tháng này:
63003
Tất cả:
4.361.540