MỘT SỐ TÌM HIỂU VỀ TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Đăng lúc: 14:10:16 02/06/2018 (GMT+7)1893 lượt xem
Phạm Xuân Khánh
Phó Trưởng khoa Khoa Dân vận
Phó Trưởng khoa Khoa Dân vận
Tháng 10 năm 1947, Đảng và Chính phủ đang chuẩn bị cho chiến dịch Thu - Đông, giữa bộn bề công việc, Bác đã viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm ra đời trong một thời kỳ đặc biệt, thời kỳ kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập, cuộc kháng chiến trường kỳ, chất chồng những khó khăn, gian khổ. Hơn lúc nào hết, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên phải đặt ra yêu cầu cao hơn, Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng, là cẩm nang để cán bộ, đảng viên học tập, kịp thời chỉnh đốn Đảng, phê bình những khuyết điểm, sai lầm, nâng cao sức chiến đấu. Tác phẩm gồm 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư tưởng và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Chống thói ba hoa. Tác phẩm được viết đã hơn 60 năm qua nhưng đến nay vẫn nguyên giá trị, là tài liệu quan trọng cho việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua nghiên cứu tác phẩm ta thấy, Bác đã có tầm nhìn xa, trông rộng, chỉ ra những căn bệnh mà cán bộ, đảng viên thường mắc phải, tư tưởng, đạo đức cách mạng phải luôn được trau dồi, công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong đảng phải được nghiêm chỉnh thực hiện. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta đã có lúc tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên lơi là, thiếu nghiêm túc, hoặc xem nhẹ những nguyên tắc trên, không chịu cố gắng phấn đấu rèn luyện. Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XII về xây dựng Đảng đã nhận định: “Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu, nội dung sinh hoạt Đảng nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, công tác tổ chức cán bộ, đảng viên còn yếu kém, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”(1). Và đã chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân xa rời nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Bác đã chỉ ra cách phê bình “Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa cách làm việc cho đúng hơn, tốt hơn, cốt đoàn kết, thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt, phải vạch rõ cả yêu điểm, khuyết điểm, đồng thời chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”(2). Sự nể nang, dễ mình, dễ ta, cục bộ, những tha hóa, những yếu kém, trì trệ, sự thiếu gương mẫu... của cán bộ, đảng viên không được chỉ ra, không nghiêm túc nhìn nhận, sửa chữa lâu dần thành bệnh, hại đến uy tín, sức chiến đấu của đảng.
Về sửa đổi lối làm việc trong Đảng, Bác viết: “Bệnh chủ quan, nguyên nhân của bệnh chủ quan là: kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, không có lý luận như người “nhắm mắt mà đi” vừa chậm chạp, vừa hay vấp ngã. Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào, làm thế ấy, kết quả thường thất bại”(3). Nói về người có kinh nghiệm mà không có lý luận Bác ví như người có một mắt sáng, một mắt mờ, rồi người có lý luận nhưng không áp dụng vào thưc tế là lý luận suông, căn bệnh trên vẫn đang hiện hữu, đi học chỉ cốt lấy tấm bằng, để giữ ghế, giữ vị trí chứ không nghĩ được rằng ở vị trí công tác của mình đang nắm giữ có hiểu biết lý luận sẽ giải quyết công việc tốt hơn nhiều. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các quan hệ xã hội đan xen, chồng chéo, tác động đến chúng ta từ nhiều chiều, mặt trái của cơ chế thị trường... càng phải tăng cường học tập lý luận chính trị, nâng cao nhận thức mọi mặt mới có thể thích ứng được, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao ở mỗi vị trí việc làm, ở vai trò của người lãnh đạo, quản lý.
Khi bàn về cán bộ, Bác viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4). Từ quan điểm trên của Bác ta thấy, Bác rất coi trọng việc huấn luyện cán bộ, vì không huấn luyện cán bộ thì đường lối chủ trương của Đảng có hay tới đâu cũng không thể chuyển tải thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân được, đội ngũ cán bộ là gốc của công việc này. Vì vậy trong những năm qua, Đảng ta đã không ngừng đẩy mạnh, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên.
Về huấn luyện cán bộ, Bác viết: “Khuyết điểm trong sự huấn luyện - đã có nơi mở lớp huấn luyện - thế là rất tốt, song các lớp ấy còn nhiều khuyết điểm, thí dụ: huấn luyện cho cán bộ trong cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính, còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”(5). Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có nhiều thay đổi, chương trình cũng thường xuyên được biên soạn, cập nhật cho phù hợp với đối tương người học, cho phù hợp với nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ đạo biên soạn nhiều tài liệu cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Theo đó các Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở, trang bị cho cán bộ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ công tác Đảng, nghiệp vụ công tác dân vận, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Chương trình đã cung cấp kiến thức tổng hợp cho các vị trí việc làm, cho công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, củng cố niềm tin vào chế độ xã hội, đường lối, chủ trương của Đảng, tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội,an ninh quốc phòng ở địa phương.
Bác viết về cán bộ: “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”(6). Thấm nhuần quan điểm này của Bác trong việc giảng dạy kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ, việc đánh giá cán bộ rất hệ trọng tuy nó là việc rất khó khăn, nên khi đánh giá cán bộ phải suy xét kỹ càng, phải có nhiều tri thức, kinh nghiệm, đánh giá phải khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, phải căn cứ vào hiệu quả công việc, phẩm chất đạo đức, tâm lý, lối sống. nếu đánh giá sai cán bộ dẫn đến dùng sai cán bộ, thì sẽ rất nguy hại cho tín nhiệm của đảng, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Việc dùng cán bộ, phải tin cán bộ, hiểu cán bộ, quá trình công tác của cán bộ phải theo dõi thường xuyên, động viên, khích lệ để cán bộ cố gắng, đồng thời, phải kịp thời uốn nắn, phê bình những sai lầm, khuyết điểm để cán bộ sửa chữa . Cách đối với cán bộ Bác hướng dẫn phải “chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ”. Không bỏ rơi cán bộ, mà phải gần gũi, thân thiết, giao việc và chỉ vẽ, tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, thường xuyên quan tâm, theo dõi, uốn nắn, giúp đỡ cho cuộc sống riêng, làm cho cán bộ tinh thần ổn định, giúp ích cho mối đoàn kết trong đảng.
Ngày nay, tuy Bác đã đi xa nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, luôn là những bài học quý báu cho chúng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho quá trình tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, công tác của cán bộ đảng viên./
(1) Nghị quyết lần thứ 4 BCH TƯ khóa XII.
(2),(3),(4),(5),(6) Tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc” ký tên: X.Y.Z.
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1505
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12797
Tháng này:
49987
Tất cả:
4.983.588