THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ miền núi

Đăng lúc: 17:11:11 17/02/2016 (GMT+7)1515 lượt xem

 
NCS. Lương Trọng Thành*
TS. Hà Thị Thu****[1]
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ miền núi (bao gồm cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ là người dân tộc kinh công tác ở miền núi). Người đã đặt vấn đề phải đào tạo cán bộ cho miền núi một cách cơ bản và coi đó là một khâu quan trọng không thể tách rời của hệ thống giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ. Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ miền núi, giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và có phương pháp giáo dục phù hợp nhằm đào tạo ra những cán bộ tốt phục vụ cho sự nghiệp phát triển khu vực miền núi.
1. Về vai trò của công tác đào tạo cán bộ miền núi
Chăm lo cho đồng bào miền núi là một trong những công việc quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa là mong mỏi của Hồ Chủ tịch. Theo Người, muốn xây dựng và phát triển miền núi, phải có một đội ngũ cán bộ hùng hậu; để phát triển vùng đồng bào dân tộc về mọi mặt, muốn cho “Cái gì miền xuôi làm được, thì miền ngược cũng làm được”[i], thì vấn đề đặc biệt quan tâm là phải xây dựng và phát huy nguồn lực con người, trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ có trình độ nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển khu vực miền núi, phải “nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ dân tộc miền núi, củng cố và phát triển đoàn viên, mở rộng đội ngũ đảng viên”2. Do đó, việc đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ công tác miền núi hết sức quan trọng, cần chú trọng hơn nữa vấn đề cán bộ và công tác cán bộ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc hình thành một đội ngũ cán bộ miền núi mang lại ý nghĩa và tác dụng to lớn, nhằm củng cố sự lãnh đạo của Đảng ở vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao đời sống của đồng bào. 
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”3; cán bộ miền núi thường có tâm lý tự ti cho mình là văn hoá kém, chính trị kém không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng, như thế sẽ không ai làm việc cho đồng bào miền núi cả. Do đó, phải “khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. .”4.Vì các công việc ở miền núi là do cán bộ địa phương tự làm lấy, cho nên cán bộ còn kém thì phải học. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyền quyết tâm học thì phải biết, nhất định phải biết. Biết là tiến bộ. Có như vậy mới “làm cho miền núi kịp tiến miền xuôi”5.
2. Đào tạo cán bộ miền núi phải gắn với nhiệm vụ thực tế
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với nhiệm vụ thực tế; học tập tốt là chính trị, văn hóa phải gắn liền với lao động, sản xuất, không học dông dài. Mục đích của học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết. Theo Người, trước hết cần phải nâng cao trình độ văn hóa, phải xây dựng loại hình trường, lớp phù hợp với vùng dân tộc, phải kết hợp giữa học và hành với mô hình “trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm”, phải mở các trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, vì đây là trường “để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hoá, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động. Loại trường đó rất tốt, cần giúp cho những trường đó phát triển đúng phương hướng”6.
Theo Hồ Chủ tịch, cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo xong sẽ trở về quê hương bản quán xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào. Do đó, mở lớp đào tạo cho họ là một việc làm tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng học cốt để làm, học mà không làm được thì học mấy cũng vô ích; khi đào tạo họ phải chú trọng “học một số việc cụ thể, thiết thực. Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì. Làm như thế nào. Học mười ngày rồi về, đi làm”7. Người còn nhắc nhở: nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền núi phải cụ thể, thiết thực, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc; chú trọng đến tính hiệu quả, “không học dông dài”, học tập và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng phải thiết thực, “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lê-nin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin”8. Ngoài ra, trong công tác đào tạo cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở, học tập tri thức mới nhưng phải có ý thức chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình, quan tâm đến việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc. Người một mặt khuyến khích cán bộ nhân dân các dân tộc học tiếng và chữ phổ thông, mặt khác lại khuyên cán bộ học tiếng nói và chữ viết của các dân tộc, tóm lại là: “Nước ta có nhiều dân tộc. Đó là điểm tốt. Cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng đấy”9.
3. Đào tạo  cán bộ phải đi kèm với cất nhắc cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì quan điểm đào tạo cán bộ phải đi kèm với cất nhắc cán bộ, đối với cán bộ miền núi cũng phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đi kèm với cất nhắc họ. Theo Người, đào tạo cán bộ dân tộc là để sử dụng. Muốn sử dụng có kết quả phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể; đề bạt, giao cho họ nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn nếu họ thể hiện phẩm chất và năng lực tốt; phải chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên và có kế hoạch. Đây là công việc trọng yếu, có quan hệ biện chứng với nhau tạo thành chính sách cán bộ, không được coi nhẹ mặt nào.
Người từng khẳng định, để phục vụ cách mạng và sự nghiệp phát triển kinh tế miền núi, “cần phải chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ người dân tộc ở miền núi”10; cần bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với năng lực, sở trường và kết hợp sử dụng cả cán bộ người Kinh và người dân tộc thiểu số trong công việc; đồng thời khắc phục hiện tượng: “Cán bộ xuôi lên không yên tâm công tác, muốn về Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Như thế là không đúng. Bác đã nói cán bộ là đày tớ của nhân dân, chỗ nào nhân dân cần đến mình là mình phải dấn, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, cũng là đất nước, cũng là cương vị công tác của cán bộ. Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó, có cán bộ. Việc gì khó, có cán bộ. Vì vậy cán bộ các nơi đến phải yên tâm, tích cực công tác, phải gương mẫu, phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ cán bộ địa phương được tốt. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đến phải đoàn kết thương yêu nhau, làm gương cho nhân dân địa phương...”11. Như thế mới sử dụng và phát triển cán bộ có hiệu quả, đúng mục đích.
4. Chăm lo đào tạo nữ cán bộ miền núi
Quan tâm đến lực lượng là “một nửa thế giới”, Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh phải chú trọng công tác đào tạo nữ cán bộ miền núi. Vì phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao trong mọi mặt hoạt động cách mạng. Trong lúc còn công tác bí mật, trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến, các chị em phụ nữ miền núi đã rất anh dũng bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cách mạng; có phụ nữ mới ra được báo của Mặt trận Việt Minh, có phụ nữ mới đề phòng được bọn mật thám; nhiệt tình cách mạng của chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số là đêm khuya lo cơm nước, sáng tinh mơ lại đi xoá hết dấu chân của cán bộ đã đi qua… Do đó, không được “quên mất vai trò phụ nữ”, phải quan tâm đào tạo và phát triển cán bộ nữ.
Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi, phải chú trọng phát triển cán bộ nữ. Ngày 9-2-1961, khi đến thăm trường Sư phạm miền núi Nghệ An, biết được trong số học sinh người Tày Hạy không có cháu gái, Người đã thắc mắc “Sao không có cháu gái?” và nhắc nhở: “Lần sau phải có cháu gái”12. Năm 1963, khi đến nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, biết trong số hơn 200 đại biểu chỉ có 5 cán bộ nữ tham gia, và không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào, Người đã nhắc nhở: “Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao. Một cuộc họp như thế này, mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ”13, và nhấn mạnh phải quan tâm bồi dưỡng cán bộ địa phương, cán bộ phụ nữ và cán bộ xã về mọi mặt, chủ trương: “Đảng uỷ các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ miền núi”14.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rõ một trong những chính sách phát triển miền núi là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ cho đồng bào miền núi. Từ đó, Người xây dựng một chiến lược đào tạo cán bộ miền núi bài bản, công phu. Trên cơ sở tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta, cùng với các địa phương đã có những chính sách đúng đắn trong công tác đào tạo cán bộ miền núi, “quan tâm quy hoạch và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc”15. Từ thực tiễn đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, trong số  cán bộ được đào tạo tại trường, số cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc đang công tác tại các xã miền núi chiếm số lượng không nhỏ. Những năm qua, cùng với việc quan tâm chất lượng đào tạo, chuẩn hóa về trình độ chính trị, trình độ đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức các xã miền núi, nhà trường đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, UBND mở nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của 11 huyện miền núi, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ miền núi Thanh Hóa.
Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ nói chung, cán bộ miền núi nói riêng, từ thực tiễn trường Chính trị Thanh Hóa, chúng tôi khuyến nghị một số giải pháp sau:
Một là, “gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ ở cơ sở”16. Công tác đào tạo cán bộ miền núi là một khâu trong công tác cán bộ của Đảng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và gắn liền với việc sử dụng cán bộ. Theo đó, Nhà trường cần phối hợp với các ban của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, đến việc tuyển sinh theo phương châm, đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn, rõ về nguồn quy hoạch… Đồng thời, trong quá trình tổ chức học tập tại nhà trường, cần đổi mới công tác quản lý, đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của học viên, kịp thời thông tin cho cấp ủy, chính quyền cơ sở làm căn cứ, tiêu chí để đánh giá và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, cải tiến nội dung chương trình và thực hiện có hiệu quả phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Tiếp tục cải tiến nội dung chương trình, xây dựng các chuyên đề địa phương phù hợp với đối tượng học viên miền núi; “đổi mới và phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn”17, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khu vực miền núi; yêu cầu giảng viên nhà trường phải thường xuyên cập nhật tình hình địa phương, lồng ghép vào nội dung các bài giảng. Ngoài ra, nhà trường cần lập kế hoạch và tổ chức mời các đồng chí là lãnhh đạo, cán bộ quản lý ở các cơ sở tham gia giảng dạy các vấn đề thực tiễn, qua đó trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những mô hình hay trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, đơn vị.
Ba là, phát triển đội ngũ giảng viên nhà trường “có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn”18. Để đạt được những yêu cầu này, Nhà trường cần thực hiện đồng bộ các bước như: Cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng các chương trình cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế, nhất là nghiên cứu các chuyên đề thực hiện ở khu vực miền núi, nhằm tạo ra đội ngũ giảng viên có nghiệp vụ giảng dạy, có kiến thức, có vốn sống thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số phong phú, hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tâm lý, luật tục… của đồng bào miền núi. Giao nhiệm vụ cho giảng viên nghiên cứu tổng kết các vấn đề thực tiễn về công tác xây dựng Đảng;  về thực hiện Nghị quyết số 09–NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”19.  Bên cạnh đó, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, ngoài những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tố chất, năng lực, theo tiêu chuẩn… còn cần lưu ý cơ cấu có cán bộ, giảng viên là người dân tộc thiểu số.
Bốn là, xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, học tập cho cán bộ giảng viên và học viên nhà trường; chú trọng đổi mới công tác quản lý của nhà trường từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ. Xây dựng mối quan hệ kỷ cương, thân thiện giữa cán bộ, giảng viên với học viên nhà trường; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa giảng viên và cán bộ các xã miền núi, từ đó giúp giảng viên nắm bắt được đặc điểm kinh tế, xã hội và thực tiễn công tác của cán bộ miền núi, xác định rõ nhiệm vụ và vai trò của công tác đào tạo cán bộ miền núi để xây dựng nội dung giảng dạy và thực hiện công tác giảng dạy cho phù hợp với đối tượng và yêu cầu của khu vực miền núi. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp giữa các học viên công tác ở những đơn vị khác nhau, đặc biệt là mối quan hệ giữa học viên là người dân tộc thiểu số với học viên ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm là, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện của cán bộ nói chung, cán bộ miền núi nói riêng. Cần nâng cao nhận thức về  trách nhiệm, xác định rõ mục tiêu, động cơ và thái độ học tập đúng đắn của các cán bộ cơ sở, thêm vào đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho học viên  trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường.Đồng thời coi kết quả học tập, rèn luyện của học viên là tiêu chí, điều kiện quan trọng để đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ... 


* Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
** Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa


Tài liệu tham khảo
 
([i]),(3),(5),(6),(7),(8),(9) ,(13) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), tập 11. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.131, 136, 192, 132, 129, 130, 137, 127
(2),(4),(10) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), tập 9. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.444, 457, 454
(11),(12) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), tập 10. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.608, 460
(14) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 14, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.264.
(15) Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015), Thanh Hóa, tr. 97.
(16),(18) PGS,TS. Trương Thị Thông, ThS. Lương Trọng Thành: Đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Từ thực tiễn Trường Chính trị Thanh Hóa” (2015), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.47, 50.
(17) Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-3-2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tiếp tục  xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh tiên tiến vào năm 2020”.
(19) Nghị quyết 09 -NQ/TU ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1706
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12998
Tháng này:
50188
Tất cả:
4.983.789