Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” và những chặng đường hiện thực hóa 90 năm qua
Đăng lúc: 07:37:28 30/08/2017 (GMT+7)9781 lượt xem
ThS. Phạm Bá Thịnh – ThS. Nguyễn Thị Duyên
Khoa LL Mác – Lê nin, TT Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng. Một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam là tác phẩm “Đường Cách mệnh”, được viết năm 1927. Trải qua 90 năm, đến nay, tác phẩm vẫn có sức lay động hàng triệu trái tim và trở thành một trong những di sản tư tưởng - văn hóa quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tác phẩm đã giúp cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về đối tượng, mục tiêu, con đường và bổn phận của mình trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng. Đặc biệt, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện rõ trong tác phẩm.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh”
Tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, mộc mạc, đơn giản, nhưng nội dung phong phú, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại. Tác phẩm đã xác định rõ mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Qua sự phân tích lịch sử những cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới như Mỹ, Pháp, và dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn không tán thành đường lối mà các chính quyền tư sản đã tiến hành sau thắng lợi của hai cuộc cách mạng nói trên. Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[1]. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[2]. Kinh nghiệm cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp không giúp được Việt Nam giành lại độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động. Nên, muốn dân tộc được độc lập, nhân dân thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hoà tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[3].
Để tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền được thành lập là của dân chúng số nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng về một cuộc cách mệnh “đến nơi”, nghĩa là một cuộc cách mệnh, mà sau đó sẽ lập ra một chính quyền thực sự của dân, không áp bức dân, không bóc lột dân. Người đã tìm thấy cuộc cách mệnh đó khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, một cuộc cách mạng triệt để, đem lại bình đẳng, tự do thực sự cho đông đảo quần chúng nhân dân: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”[4]; đồng thời cách mạng Nga dạy chúng ta rằng: “Muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[5].
Như vậy, cùng với việc nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại, trên tinh thần của học thuyết Mác - Lênin và giải quyết một cách triệt để nhu cầu ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người nêu rõ việc phải tiến hành cả 2 cuộc cách mệnh: Dân tộc cách mệnh và Thế giới cách mệnh. Dân tộc cách mệnh là tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai, đánh đổ cường quyền, giành lại độc lập cho xứ sở và Thế giới cách mệnh là giống như công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc bản chất của thời đại mới, về nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, về vai trò của những nhân tố đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đi đến thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[6]. Và luận cứ để mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có thể trở thành hiện thực sinh động, chính là khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế thứ III: “Vô sản giai cấp…và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sau khi giành độc lập dân tộc phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội thì mới có độc lập thật sự, độc lập đầy đủ, độc lập bền vững. Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải phóng cho các dân tộc bị áp bức, cho giai cấp vô sản ra khỏi ách thống trị của tư bản, đế quốc, thực dân, mới xóa bỏ được chế độ người bóc lột người, mới đem lại cho tất cả mọi người sự bình đẳng và tự do, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để phát triển dân tộc và con đường đưa dân tộc tới phát triển chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là con đường đi tới Độc lập - Tự do - Hạnh phúc thực sự cho nhân dân.
Nhận thức chính trị trên đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với định hướng cơ bản về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, theo quỹ đạo cách mạng vô sản và thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân, theo mô hình nhà nước Xô Viết. Đó chính là con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà mục tiêu trước hết là “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”.
2. Những chặng đường hiện thực hóa 90 năm
Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tìm tòi và làm sáng tỏ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định quyết tâm tiếp nối con đường đó trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong Văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt (Cương lĩnh chính trị đầu tiên) của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930, tại Cửu Long - Hương Cảng), Người đã nêu rõ, con đường của cách mạng Việt Nam: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [8]. Đây là kết quả của một tư duy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, và đây chính là “cái cần thiết cho chúng ta” trong điều kiện cụ thể của đất nước.
Ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, thực sự là viên ngọc quý, sức hấp dẫn của nó đã góp phần khơi nguồn sức mạnh cho toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chỉ rõ phải đánh đổ cả đế quốc, phong kiến và tay sai giành lại độc lập, tự do cho nhân dân, đồng thời phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nền độc lập, tự do của dân tộc mới được đảm bảo và người dân mới được giải phóng thực sự. Con đường cách mạng này trải qua thực tiễn đã dẫn tới Cách mạng tháng Tám (1945) thành công.
Kiên định con đường đã lựa chọn, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), cuộc trường chinh chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1946-1954), đã giành được thắng lợi. Miền Bắc Việt Nam đã được giải phóng, từng bước khôi phục, cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội…đi lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Căn cứ vào tình hình mới của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã xác định, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn cùng lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Mỗi chiến lược cách mạng ở mỗi miền của đất nước có vị trí và trách nhiệm riêng trong mục tiêu chung là hòa bình thống nhất Tổ quốc. Cuộc đấu tranh đầy gian khổ sau 21 năm gian nan, thử thách, đã kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Miền Nam đã được giải phóng, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong lịch sử thế giới hiện đại, Việt Nam là nước đầu tiên tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời cũng là nước đầu tiên đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở cả 2 miền Nam, Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào miền Nam đánh đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, để cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó cho thấy, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là quy luật phát triển tất yếu và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, và đó cũng là sự nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong việc lựa chọn con đường phát triển của cách mạng.
Khi thống nhất nước nhà đã trở thành hiện thực, khát vọng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ là tiếp tục hành trình đã lựa chọn, mà còn là khẳng định con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam - con đường hợp xu thế phát triển thời đại.
Kể từ mùa xuân năm 1975 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành 9 kỳ Đại hội, trong suốt chặng đường đó, Đảng ta vẫn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay khẳng định rõ: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Kiên định và linh hoạt, tự chỉnh đốn và đổi mới, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã nhấn mạnh: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”[9]; “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[10].
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cách mạng của dân tộc từ ngày Đảng ra đời đến nay và cho cả tương lai. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011) của Đảng trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” tiếp tục khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[11].
Đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) Đại hội XII nêu: ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[12].
Với sự ổn định về chính trị, những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, v,v.. của đất nước, và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể khẳng định rằng: Sau hơn 40 năm cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-2017), và đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2017), mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sự kiên định và sáng tạo của Đảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng khai mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm Đường Cách mệnh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
[1] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.296
[2] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.291
[3] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.292
[4] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG - Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.304
[5] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.304
[6]Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.289
[7] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.312
[9] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản CTQG, H, 1996, tr.68
[10] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản CTQG, H, 2001, tr.83
[11] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản CTQG, H, 2011, tr.65
[12] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản CTQG, H, 2016, tr.66
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1635
Hôm qua:
2280
Tuần này:
5902
Tháng này:
31243
Tất cả:
4.899.892