HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Xây dựng phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 09:25:43 24/10/2018 (GMT+7)26685 lượt xem

 TS. Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Theo Người, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ có vai trò to lớn để nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào “tâm lý quốc dân” và đi vào cuộc sống. Biến nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động của quần chúng, tạo ra đột phá trong các lĩnh vực cách mạng. Phong cách làm việc là tổng hợp những phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào thực tiễn đem lại hiệu quả. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Thực tế cho thấy, đối với người cán bộ cơ sở, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ có những lúc, những công việc chưa hoàn thành tốt không phải do thiếu kiến thức và sự nhiệt tình, trách nhiệm hay phương tiện, vật chất bảo đảm mà còn do phong cách làm việc chưa phù hợp. Từ việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, xin trao đổi một số nội dung về xây dựng phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp giúp đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có định hướng xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc khoa học cho mình.
Phong cách làm việc khoa học - “Cách làm việc có khoa học” là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu đội ngũ cán bộ phải thường xuyên rèn luyện để có được phong cách này. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh viết: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa1. “đúng hơn”, “khéo hơn” chính là cách làm việc khoa học. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi cách làm việc phải đúng với quy luật khách quan, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả. Đối lập với phong cách làm việc khoa học là thói tuỳ tiện, chủ quan, duy ý chí, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, luộm thuộm, không có hiệu quả.
Về cách làm việc phải đúng với quy luật khách quan
Phong cách làm việc khoa học của cán bộ cơ sở đòi hỏi phải có cách làm việc đúng với quy luật khách quan, tôn trọng quy luật khách quan, điều này được quy định bởi vai trò của Đảng với tư cách là đội tiên phong, là lãnh tụ chính trị của quần chúng. Người cán bộ với vai trò là những “mưu sĩ” của Đảng, những lãnh tụ của phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân phải là những người có trí tuệ, có nhận thức lý luận sâu rộng, có năng lực tư duy khoa học, nắm được quy luật vận động khách quan, đồng thời cũng là người có năng lực vận dụng tri thức khoa học vào tổ chức thực tiễn, là người am hiểu tình hình, có đủ tri thức để phân tích tình hình thực tiễn, xác định phương hướng hành động phù hợp với quy luật khách quan, thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt ở cơ sở. Đối lập với phong cách làm việc khách quan là sự chủ quan, nóng vội, đem thay thế sự phân tích đánh giá khách quan, bằng đánh giá tình hình theo cảm tính chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy2. Theo đó, người cán bộ cơ sở khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh xa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Chủ tich Hồ Chí Minh phê phán gay gắt những cán bộ mắc “bệnh cận thị”, “Không thấy xa trông rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ...”3.Để tránh được cách làm việc chủ quan, duy ý chí đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở phải có tri thức, giỏi thực hành lý luận, thực sự am hiểu công việc, tinh thông nghiệp vụ và có kỹ năng công tác.
Về cách làm việc bài bản, có kế hoạch
Đặc trưng của công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở là tính trực tiếp, toàn diện, tổng hợp và cụ thể. Mục tiêu, hiệu quả hướng tới là sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; là sự đồng thuận, đoàn kết, là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, để đạt hiệu quả cao trong công việc đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải làm việc một cách bài bản, có kế hoạch. Theo Hồ Chí Minh, Phong cách làm việc bài bản, có kế hoạch đòi hỏi người cán bộ phải  “đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực”, đồng thời phải có “óc tổ chức”, chia công, xếp việc cho rõ ràng, tổ chức động viên “toàn dân ra thi hành” và phải “khéo kiểm soát” để tổng kết “rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Người phê bình cán bộ: “cách làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn4. Đồng thời chỉ rõ, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp5. Người yêu cầu cán bộ phải: chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nói quyết tâm phải hai, ba mươi, đều đó có nghĩa là cán bộ sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi. Người đã nhiều lần phê bình bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ “làm việc không thiết thực”, “Làm cho có chuyện, làm lấy rồi”,như vậy là “dối trá với Đảng, có tội với Đảng6. Để làm việc bài bản, có kế hoạch, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải: “thấm nhuần chính sách”, “điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình7. Đồng thời, khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người khuyên: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới8.
Về cách làm việc sáng tạo
Biện chứng của cuộc sống là mọi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động và phát triển trong sự phong phú, đa dạng. Bởi vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ đòi hỏi người cán bộ cấp cơ sở phải không ngừng sáng tạo, đổi mới cái cũ, cái lạc hậu, cái không còn phù hợp và làm mới những cái chưa có trong tiền lệ, để tìm ra hướng đi mới, cách làm hay đem lại no ấm cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải: “có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì cũng làm được9. Tính sáng tạo thể hiện ở chỗ, người cán bộ cấp cơ sở phải chủ động, sáng tạo trong cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng cho phù hợp với địa phương, đơn vị, đổi mới phương pháp công tác theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo phải thống nhất với nguyên tắc “tính Đảng” - nghĩa là phải đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cách làm “giữ cho tròn” hoặc “bung ra hết cỡ”, làm giàu bằng mọi giá, cũng đều sai lầm và xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh, Người phê phán cán bộ: “...muốn làm gì cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng” và làm như vậy sẽ “hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán, kêu ca”10.
Về cách làm việc hiệu quả
Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện, cấp hành động, cấp hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính đặc trưng này đòi hỏi người cán bộ cấp cơ sở phải có phong cách làm việc hiệu quả. Hiệu quả là tiêu chí đánh giá Tài - Đức của đội ngũ cán bộ, đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp của phong cách làm việc của cán bộ cấp cơ sở. Hồ Chí Minh căn dặn: “Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất11. Đối lập với phong cách làm việc làm việc hiệu quả là thói làm việc phô trương, hình thức, qua loa, đại khái. Trong nhiều bài viết, bài nói của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán và kiên quyết chống thói làm việc chung chung, đại khái. Người khẳng định: "không thể lãnh đạo chung chung", "chống cách lãnh đạo chung chung", Người yêu cầu cán bộ: "phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện chung chung" và "cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể"12. Lãnh đạo mà không cụ thể, đại khái, chung chung thì kết quả đem lại chỉ là "hỏng việc", nhân dân "oán thán, kêu ca", uy tín của Đảng trước nhân dân bị giảm sút.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ. Xuất phát từ đặc điểm của cấp cơ sở, từ yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá vào năm 2020 và tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Bài viết xin được trao đổi về một số nhóm giải pháp để xây dựng phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở:
Thứ nhất, nhóm giải pháp đối với tổ chức đảng, chính quyền
Xây dựng phong cách làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết là trách nhiệm của tổ chức đảng ở cơ sở. Theo đó, tổ chức đảng cần thường xuyên coi trọng giáo dục lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; các cấp ủy đảng, tổ chức đảng cần phải quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa việc xây dựng phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 04- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sáng tạo, chủ động trong tham mưu, đề xuất và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình13; lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở xây dựng cơ chế quản lý cán bộ và quy chế làm việc, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc khoa học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, biểu dương, khen thưởng những người có phong cách làm việc tốt, có hiệu quả, ngăn chặn, uốn nắn kịp thời những người có phong cách làm việc chưa phù hợp, kém hiệu quả; xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng với thanh tra nhà nước, thanh tra nhân dân đối với phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Thứ hai, nhóm giải pháp đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội
 Phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tác động trực tiếp đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Theo đó, một mặt nhân dân là người cảm nhận sâu sắc nhất về phong cách làm việc của cán bộ thông qua mối quan hệ của cán bộ với công việc, với tổ chức và với nhân dân. Mặt khác việc đóng góp về phong cách làm việc của cán bộ vừa là quyền và nghĩa vụ của nhân dân, nó đảm bảo cho việc xem xét, đánh giá đội ngũ cán bộ được đúng đắn và toàn diện hơn. Bởi vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2003 của Bộ Chính trị. Qua đó, cán bộ xem xét, nhìn nhận đánh giá phong cách làm việc của mình phù hợp hay chưa phù hợp, từ đó đặt ra phương hướng học tập, rèn luyện để phong cách làm việc ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn; xây dựng và thực hiện đúng quy chế kiểm tra, giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở; phát huy tinh thần thái độ cầu thị của đội ngũ cán bộ trong tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của nhân dân.
Thứ ba, nhóm giải pháp tự thân đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở
Phong cách không phải là cái có sẵn, không phải là bẩm sinh. Phong cách là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó, chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Người cán bộ cấp cơ sở chỉ có phong cách làm việc khoa học trên cơ sở thái độ cầu thị, trách nhiệm cao đối với bản thân, với Đảng với nhân dân; trên cơ sở sự chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, thấm sâu giữa lời nói với việc làm, sự thống nhất giữa cách nghĩ, cách làm và cách sống của cán bộ cấp cơ sở.
Theo đó, để xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần tăng cường học tập, rèn luyện từ thực tiễn. Chính thực tiễn sôi động giúp cho người cán bộ cơ sở tự ý thức được sự hạn chế, thiếu hụt của bản thân để có kế hoạch học tập và rèn luyện. Đồng thời, giúp cán bộ cấp cơ sở bổ sung, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng công tác đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới. Người cán bộ cấp cơ sở phải học tập chính ngay từ thực tiễn công việc hàng ngày, học từ người dân; học từ đồng chí, đồng nghiệp, học từ việc tổng kết thực tiễn, tổng kết những mô hình mới, những cách làm hay. Đó chính là trường học rộng lớn mà người cán bộ cơ sở phải vừa lăn lộn chỉ đạo thực tiễn vừa đúc rút những kinh nghiệm quý cho chính mình, thực tiễn là người thầy nghiêm khắc nhất để người cán bộ cấp cơ sở rèn luyện phong cách làm việc khoa học.
Nghiêm túc học tập và rèn luyện phong cách làm việc thông qua trường lớp - đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, trước hết và quan trọng là học tập, rèn luyện tại Trường Chính trị tỉnh, thành phố. Công cuộc đổi mới luôn vận động, sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân, của cấp cơ sở đối với đội ngũ cán bộ ngày càng cao. Đòi hỏi, người cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo quản lý, theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tóm lại, cán bộ cấp cơ sở cần phải coi việc rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên, tự giác và bền bỉ suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do học tập, đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển hoàn thiện, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Rèn luyện đạo đức cũng như phong cách của mỗi người không thể trong ngày một ngày hai, mà cần phải rèn luyện thường xuyên. Thực tiễn luôn thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng và trước những tác động của nền kinh tế thị trường, nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện phong cách của bản thân, người cán bộ cấp cơ sở sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời  để có phẩm chất tốt, đồng thời có nền tảng học vấn cần thiết. Chỉ khi nào học vấn trở thành công cụ nhận thức, công cụ hoạt động làm tăng lên giá trị của chính mình, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, khi đó học vấn mới trở thành văn hóa, trở thành thành tố quan trọng trong phong cách lãnh đạo, quản lý nói chung và phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
 

1,2,3,5,6,9. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 258, 279, 297,332,298,699
4, 8. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 314, 312.
7. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 249
10. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.68.
11. Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.557-558.
12. Nghị quyết số 04-NQ/TU (2012) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tr.13.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1468
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9798
Tháng này:
41444
Tất cả:
4.406.324