NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 11:00:29 28/11/2022 (GMT+7)3595 lượt xem

 Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, song, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu để khắc phục kịp thời những hạn chế của người học để góp phần xây dựng nên lớp lớp cán bộ “vừa “hồng, cán bộ vừa “chuyên”, có khát vọng cống hiến, góp phần sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc và trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
a1.png
Buổi họp giao ban các lớp TCLLCT K50
tại phòng Truyền thống nhà trường
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cho tỉnh, hầu hết học viên Trường Chính trị tỉnh là cán bộ, công chức, viên chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý đều có phẩm chất tốt; nhiều học viên sau đào tạo đã trở thành những cán bộ chủ chốt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của các địa phương. Để có được những thành công nhất định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã chú trọng đổi mới công tác quản lý học viên, cùng với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ giảng dạy; cải thiện thu nhập cho cán bộ, giảng viên, người lao động. Đặc biệt, Nhà trường thường xuyên quan tâm, chăm lo đến tâm tư, nguyện vọng của học viên bằng rất nhiều hoạt động cụ thể, như: đối thoại trực tiếp qua các cuộc họp giao ban mỗi kỳ học, qua các buổi chào cờ, quản lý ký túc xá…
a2.png
Lễ Chào cờ được tổ chức vào đầu kỳ học hàng tháng
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạọ lý luận chính trị cho học viên, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên; đây là một trong 5 chương trình trọng tâm vì học viên của Nhà trường. Theo đó, để thực hiện chương trình này, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình, từ đó cán bộ, giảng viên, người lao động và học viên triển khai áp dụng và đạt được kết quả nhất định. Có thể kể đến các mô hình, như: Mô hình “Tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu”; mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo”; mô hình “1 nâng cao; 2 đổi mới sáng tạo; 3 đồng hành, hỗ trợ; 4 phát huy; 5 nhất”; mô hình “3 mục tiêu; 3 nội dung; 3 hoạt động”… Đặc biệt, để duy trì nền nếp học tập của học viên, từ nhiều năm nay, Nhà trường tăng cường công tác quản lý học viên theo nguyên tắc “3 không, 3 có” (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học; có mục tiêu, động lực học tập tích cực, có tác phong, hình ảnh đẹp, có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
Đồng thời, Nhà trường chú trọng xây dựng hình ảnh người giảng viên và cán bộ quản lý, phục vụ. Theo đó, trong nhiều năm nay, mỗi giảng viên Nhà trường đã thực hiện tốt phương châm “Nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn về phát ngôn, đúng mực trong ứng xử và quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy học” theo nguyên tắc “3 tăng, 3 mẫu mực” (tăng chủ động, gắn kết; tăng tương tác và tổng kết; tăng thực tiễn và xử lý tình huống; mẫu mực về đạo đức, về tự học và sáng tạo); đồng thời, thực hiện tốt vai trò định hướng, đồng hành, kích hoạt, thổi hồn và truyền cảm hứng cho học viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Cùng với đó, mỗi người cán bộ quản lý, phục vụ luôn cố gắng thực hiện tốt phương châm “Kiên định mục tiêu, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong điều hành và hài lòng trong xử lý” theo nguyên tắc “Đến tận chỗ, rõ tận việc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết”.
Có thể khẳng định, những năm qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên và người lao động Nhà trường luôn nỗ lực hết mình để giảng dạy, phục vụ người học với mong muốn tạo ra những “ sản phẩm” giá trị là những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đa số học viên ưu tú, tiêu biểu, tích cực, vẫn còn một bộ phận học viên chưa chấp hành tốt các nội quy, quy chế, quy định của Nhà trường, làm ảnh hưởng phần nào tới kết quả đào tạo và tới cả người học.
a3.png
 Khuôn viên Ký túc xá; Nội quy phòng ở học viên và Khu nội trú
 
Theo đó, muốn khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học viên, cần xác định cụ thể các biểu hiện vi phạm nội quy, quy định, quy chế. Đó là:
Trong học tập, một bộ phận học viên đi học tập lý luận chính trị với tâm thế để hoàn thiện và trả nợ bằng cấp chứ không phải đi học để nâng cao trình độ; do đó, thường có biểu hiện lười học, chưa có động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Những học viên này thường bỏ giờ, trốn tiết, sử dụng điện thoại, làm việc riêng trong giờ học, không tham gia thảo luận, không ghi chép bài, không tập trung chú ý nghe giảng, không sử dụng hiệu quả thời gian học trên lớp và thời gian tự học; không đọc, nghiên cứu giáo tình, tài liệu tham khảo. Một số học viên không có ý chí khắc phục khó khăn trong học tập; không chịu tìm tòi, đổi mới phương pháp học tập tích cực; học đối phó; nghỉ học không xin phép; nghỉ giải lao quá giờ quy định; đi học muộn; ngủ gật trong giờ; không chấp hành sự phân công của tổ, của lớp; ngồi học không đúng sơ đồ; hoặc có rất ít trường hợp còn hiện tượng điểm danh hộ, báo cáo sai sỹ số; ngoài ra, cá biệt, còn có trường hợp thi thay, làm bài hộ đã bị Nhà trường phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
Trong sinh hoạt và tu dưỡng, rèn luyện. Đến Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá học tập, số đông học viên ở xa được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt tại Ký túc xá. Theo quan sát, có thể nhận thấy, một bộ phận học viên ở Ký túc xá còn thường xuyên vi phạm nội quy, như: không giữ gìn vệ sinh phòng ở và môi trường xung quanh; ý thức kiệm điện, nước chưa cao; không tham gia vệ sinh chung tại nơi ăn, ở; không đem rác thải ra đúng nơi quy định, gây khó khăn cho người phục vụ. Bên cạnh đó, còn một bộ phận học viên ăn mặc, trang phục chưa phù hợp; thậm chí có một số trường hợp tụ tập rượu chè dẫn đến có những hành vi và phát ngôn thiếu chuẩn mực. Ngoài ra, cá biệt, vẫn còn số ít học viên ứng xử với cán bộ, giảng viên và nhân viên phục vụ chưa chuẩn mực; có thái độ thiếu tôn trọng; ngộ nhận độ trải nghiệm và vị trí công tác; có biểu hiện cậy thế. Bên cạnh đó, còn một bộ phận học viên đậu, đỗ phương tiện cá nhân không đúng nơi quy định; không tham gia các chung của Nhà trường.
a4.png
Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh
Sở dĩ còn một bộ phận học viên vẫn mắc phải những vi phạm trên là do các nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:
Nguyên nhân khách quan. Do thay đổi môi trường từ địa phương, cơ quan, đơn vị và hoàn cảnh sinh sống riêng nên nhiều học viên phải trải qua thời gian dài để thích nghi với môi trường học tập và sinh hoạt mới. Bên cạnh đó, do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường nên phần nào dẫn đến tư tưởng vụ lợi, thực dụng của một bộ phận học viên dẫn đến nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị. Nguyên nhân nữa là do bùng nổ thông tin; có nhiều thông tin sai lệch, xấu, độc phát tán trên mạng xã hội không được kiểm chứng và ngăn chặn kịp thời, triệt để nên dẫn đến tư tưởng hoài nghi trong nhận thức, từ đó có biểu hiện thiếu nghiêm túc trong học tập, rèn luyện. Sở dĩ một bộ phận học viên thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế là do trình độ đầu vào không đồng đều, có sự chênh lệch về văn hoá và nhận thức. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan từ phía cơ sở vật chất của Nhà trường, tuy đã được cải thiện, đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ cho công tác đào tạo trước mắt cũng như lâu dài.
Nguyên nhân chủ quan. Do nhận thức đối với việc thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của Nhà trường của một bộ phận học viên còn chưa đúng đắn nên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện. Bên cạnh đó, hệ thống công cụ quản lý chưa đồng bộ; hơn nữa, do tinh thần đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt lớp chưa được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát của các bộ phận chức năng Nhà trường chưa thường xuyên; việc nhắc nhở, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý vi phạm ở một số trường hợp chưa  quyết liệt. Ngoài ra, vai trò của các khoa, phòng tham gia quản lý học viên có đôi lúc còn buông lỏng; còn tình trạng nể nang, né tránh dẫn đến có đôi lúc thiếu công bằng trong đánh giá học tập, làm ảnh hưởng ít nhiều tới động cơ phấn đấu, cống hiến và tu dưỡng của học viên. Một nguyên nhân chủ quan nữa là do một số ít cán bộ, giảng viên, nhân viên phục vụ còn chưa phát huy thần gương mẫu, nêu gương, chưa nghiêm túc khi thực thi nhiệm vụ.
Mặc dù, hệ thống các văn bản quản lý, nội quy, quy chế tuy đã có rất nhiều cố gắng, song cũng có những nội dung chưa phù hợp, chậm thay thế; sự phối hợp giữa các cán bộ lãnh đạo, quản lý có lúc, có việc chưa thống nhất, chưa đồng bộ do phải kiêm nhiệm, vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các chương trình mới và khó, vừa phải làm công tác quản lý. Ngoài ra, các kênh thông tin phản hồi từ bộ phận cấp dưới lên tới lãnh đạo còn nặng về báo cáo, giải trình, chưa đi vào cụ thể, thực chất, chưa đề ra giải pháp khắc phục kịp thời. Chế độ, chính sách tuy đã có nhiều cải tiến nhưng việc hỗ trợ, động viên cho người học, người dạy và người phục vụ còn đôi lúc chưa kịp thời.
a5.jpg
Một góc khuôn viên Trường Chính trị tỉnh
 
Từ phân tích những biểu hiện vi phạm nội quy, quy chế của học viên và các nguyên nhân nêu trên, bài viết xin đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, như sau:
Đối với người học. Mỗi học viên cần nâng cao nhận thức về vai trò của học tập lý luận chính trị, từ đó xác định rõ động cơ, thái độ học tập; đề cao trách nhiệm cá nhân trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện; tranh thủ cơ hội học tập để nâng cao trình độ và năng lực công tác; chủ động phát huy vai trò cá nhân trong sinh hoạt tập thể; có ý thức khắc phục khó khăn; khiêm tốn học hỏi; cải tiến phương pháp học tập; rèn luyện tác phong, lối sống lành mạnh, hòa nhập.
Đối với cán bộ, giảng viên và nhân viên phục vụ. Nghiêm túc chấp hành các nội quy, quy chế; quan hệ đúng mực với học viên, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, chia sẻ khó khăn với người học, tạo mối quan hệ thân thiện, gắn bó vì mục tiêu xây dựng và phát triển Nhà trường với phương châm “Đến đón tiếp niềm nở, ở đối xử tận tình, về dặn dò chu đáo”để tạo ấn tượng tốt cho mỗi học viên sau khi hoàn thành khoá học. Đặc biệt, mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với học viên tích cực hơn nữa trong đấu tranh, ngăn chặn tư tưởng học lý luận chính trị đối phó.
Đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý. Thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống các văn bản đã ban hành để phát hiện và khắc phục kịp thời những bất cập cần bổ sung, thay đổi, điều chỉnh; nghiên cứu để hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng cán bộ, giảng viên, nhân viên phục vụ kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà trường cần tăng cường khai thác và phát huy các kênh thông tin truyền thông để làm công cụ quản lý việc học tập, sinh hoạt của học viên; đồng thời, cần tăng cường tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ và các cơ quan cấp trên để nâng cấp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy-học và sinh hoạt của học viên. Cùng với đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tăng cường chế độ cung cấp, cập nhật thông tin, thời sự, giải trí tập thể trong sinh hoạt chung của học viên; duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với huyện và cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lý luận chính trị, Nhà trường cần thành lập Ban cố vấn học tập để giúp đỡ học viên trong học tập và thi cử. Đồng thời, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cần lãnh, chỉ đạo quyết liệt hơn công tác phối hợp để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giảng dạy và quản lý học viên với mục tiêu “Tất cả vì sự phát triển của học viên”.
Đối với tổ chức đảng, đoàn thể. Cần chủ động hơn nữa trong việc phát động các phong trào thi đua, hoạt động tập thể tại các lớp để tạo cơ hội, sân chơi lành mạnh cho học viên tham gia giao lưu. Sau mỗi phong trào thi đua cần sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, lan tỏa những kinh nghiệm hay, những bài học bổ ích, qua đó tạo cơ hội cho học viên trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các phong trào thi đua cấp thành phố, cấp tỉnh.
Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, song, với thuận lợi học viên đều là đảng viên, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng với sự đồng bộ của công cụ quản lý học viên, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém của người học, từ đó tạo ra lớp lớp cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có khát vọng cống hiến, góp phần sớm đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc và trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.   
                                                       
Bùi Ngọc Anh
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1052
Hôm qua:
1835
Tuần này:
1052
Tháng này:
70053
Tất cả:
5.294.284