NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 16:20:04 26/03/2024 (GMT+7)81 lượt xem

 Với mục tiêu trợ giúp cho 580 đối tượng tâm thần có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hoá, cán bộ, nhân viên Công tác xã hội của Trung tâm đã không ngại khó, không ngại khổ, thậm chí không ngại nguy hiểm, từng giờ sát cánh bên các bệnh nhân để đồng hành, sẻ chia khó khăn, trợ giúp bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp họ quên đi mặc cảm bệnh tật, yên tâm điều trị, phục hồi chức năng, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
1.jpg
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hoá tổ chức tọa đàm nhân ngày
Công tác xã hội Việt Nam
.
Nói về quyền con người, trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: “Hỡi quốc dân đồng bào! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc!…” Đây là lời tuyên ngôn của một Nhà nước pháp quyền – Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Xã hội mà chúng ta đang hướng tới đó là một xã hội mà quyền con người được thực hiện một cách dân chủ, công bằng; chúng ta được sống, được yêu thương, được sẻ chia và được trân trọng. Trên thực tế, các quyền của người dân đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, bảo đảm thực hiện ngày một đầy đủ, toàn diện nhất.
Mỗi chúng ta sinh ra đều có nhu cầu được sống hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tự đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, chưa kể đến những nhu cầu lớn lao hơn thế. Bởi đâu đó trong xã hội đang còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những đối tượng yếu thế đang cần được chúng ta trợ giúp. Nhân viên Công tác xã hội là một trong những lực lượng đã và đang thực hiện sứ mệnh cao cả đó.
Với mục tiêu trợ giúp cho 580 đối tượng tâm thần có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, từng ngày trôi qua, nhân viên Công tác xã hội Trung tâm đã không ngại khó, không ngại khổ, thậm chí không ngại nguy hiểm, từng giờ sát cánh bên các bệnh nhân để đồng hành, sẻ chia khó khăn, trợ giúp với nhiều hoạt động, giúp họ quên đi mặc cảm bệnh tật, yên tâm điều trị, phục hồi chức năng, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Với mục đích, ý nghĩa nhân văn của hoạt động Công tác xã hội; nhằm ghi nhận đóng góp của những người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 25/3 hằng năm, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa đã long trọng tổ chức kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”.
Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ghi nhận sự đóng góp, hi sinh thầm lặng của nhân viên Công tác xã hội đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Hoạt động trên đã cổ vũ, động viên tinh thần giúp cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ Công tác xã hội tại đơn vị để họ có thêm niềm tin, động lực cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
2.png
Cán bộ Trung tâm chăm sóc bệnh nhân
 
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng với sự đoàn kết, thống nhất của tập thể cán bộ đơn vị, công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Trung tâm luôn được thực hiện một cách hiệu quả. Đơn vị luôn giành nhiều sự quan tâm, săn sóc đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân già yếu, u mê, bệnh nhân không còn người thân, bệnh nhân lang thang không nơi nương tựa.
Kết quả, từ năm 2016 đến năm 2023, Trung tâm đã trợ giúp cho 163 đối tượng được trở về tái hòa nhập cộng đồng; 05 đối tượng lang thang tìm được người thân trở về địa phương sinh sống. Đây là những con số biết nói đã nói lên giá trị của sự nổ lực của lãnh đạo và cán bộ đơn vị, mà bộ phận góp phần không nhỏ vào thành tích trên chính là vai trò của nhân viên công tác xã hội.
Bệnh nhân sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, nhân viên công tác xã hội sẽ có nhiệm vụ thu thập thông tin, lập hồ sơ quản lý trường hợp, lên kế hoạch trợ giúp, phối hợp với các khoa chuyên môn triển khai thực hiện các kế hoạch can thiệp. Các hoạt động trợ giúp được nhân viên công tác xã hội thực hiện rất đa dạng phù hợp với từng đối tượng như: tổ chức các buổi tham vấn, tư vấn chuyên đề, giao lưu văn nghệ, thể thao, các hoạt động lao động phục hồi chức năng trí – thể - mĩ nhằm từng bước khơi dậy cảm xúc, khôi phục trí nhớ và tăng khả năng lao động cho bệnh nhân.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động trợ giúp đối tượng hàng ngày tại Trung tâm, nhân viên công tác xã hội trung tâm đã tích cực hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh về hoạt động của đơn vị nhằm kết nối với các nguồn lực bên ngoài như: các cơ quan, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các gia đình hảo tâm nhằm kêu gọi sự chung tay chia sẻ những khó khăn mà từng ngày qua đi, bệnh nhân Trung tâm đã và đang gặp phải. Một trong những kết quả của sự kết nối đó là chương trình “Ngày thứ 7 kết nối yêu thương” của tập thể Lớp TCLLCT - A6.K51 được tổ chức vào ngày 22/12/2023 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Hoạt động đã thể hiện sự chung tay chia sẻ khó khăn của học viên nhà trường đối với những con người yếu thế trong xã hội với tinh thần tương thân, tương ái – một nét đẹp trong giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam luôn được lưu giữ qua bao thế hệ.
3.jpg
Ngày thứ Bảy kết nối yêu thương của Lớp TTLLCT A6.K51
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hoá
 
Để thực hiện mục tiêu phát triển công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hoá, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho Nhân dân, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của nghề công tác xã hội để ngày càng nhiều đối tượng được tiếp cận đến dịch vụ này.
Thứ hai, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Thứ ba, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, có chính sách thu hút nhân lực ngành công tác xã hội. Bởi thực tế nhu cầu rất lớn, nhưng hiện nay nhân lực làm công tác xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Thứ tư, nâng cao chất lượng trợ giúp, tăng cường sự kết nối, khai thác các nguồn lực để huy động ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay ngày một nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thứ năm, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho hoạt động công tác xã hội để các mô hình, hoạt động công tác xã hội được thực hiện ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn.
Công tác xã hội là một nghề tưởng chừng dễ nhưng lại rất khó mà không phải ai cũng làm được, ngoài năng lực, trình độ, chỉ có lòng quyết tâm, sự sẻ chia, tình yêu thương con người mới là yếu tố quan trọng để làm nên thành công trong nghề của những người đã chọn theo nó. Do đó, mỗi nhân viên Công tác xã hội phải luôn luôn nêu cao tinh thần trong việc thực hiện nhiệm vụ, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, lương tâm, nhiệt huyết với nghề; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tích lũy các kỹ năng mềm.
Hy vọng rằng, việc phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, sự nổ lực, tích cực hoạt động của nhân viên công tác xã hội sẽ thu hút càng nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trong việc chung tay trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ gặp khó khăn để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp. Và khi đó nghề Công tác xã hội sẽ trở thành một nghề cao quý”!

Học viên: Vũ Thị Lan
Lớp: TCLLCT A6.K51
Đơn vị công tác: Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa
Số lượt truy cập
Hôm nay:
463
Hôm qua:
1427
Tuần này:
14072
Tháng này:
60446
Tất cả:
4.425.326