NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Ứng dụng chuyển đổi số tại Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 13:56:24 24/04/2024 (GMT+7)55 lượt xem

 Nhờ công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động của Trung tâm nên người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa. Trên hoạt động tuyên truyền trực quan, việc ứng dụng chuyển đổi số đã tạo được những thay đổi theo xu hướng tích cực, tiện ích và hiệu quả hơn so với một số phương pháp truyền thống.
z5378181640819_e3a105fa6c40047f2dac263051f14db4.jpg
Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của BTV Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 06) đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Thực hiện Nghị quyết số 06, thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa từng bước thực hiện trên một số lĩnh vực của đơn vị.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa (Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thanh Hóa. Trung tâm thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước bằng các hình thức, như: tuyên truyền cổ động trực quan, văn nghệ tuyên truyền, chiếu phim; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Nhờ công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động của Trung tâm nên người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa. Trên hoạt động tuyên truyền trực quan, việc ứng dụng chuyển đổi số đã có một số thay đổi theo xu hướng tích cực, tiện ích và hiệu quả hơn so với một số phương pháp truyền thống. Các khẩu hiệu, tranh cổ động tuyên truyền thực hiện số hoá trên bảng Led và các nền tảng mạng xã hội; các trang thông tin trên môi trường mạng đã phát huy tốt hơn hiệu quả tuyên truyền so với các pano, khẩu hiệu kiểu cũ, giúp cho người dân có thể tiếp thu tốt hơn các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Hiện nay tại Trung tâm, việc chiếu phim sử dụng file số lưu trong ổ cứng, chiếu bằng máy kỹ thuật số thay thế cho máy chiếu cũ tạo thuận tiện hơn khi tiếp cận các bản vùng sâu vùng xa của 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá.
2.png

Tuyên truyền lưu động trên địa bàn TP Thanh Hoá với pano chuyển đổi thành dữ liệu số
 
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các sự kiện bị tạm dừng, văn nghệ tuyên truyền tại Trung tâm được chuyển đổi thành dữ liệu số và đã phát huy hiệu quả tuyên truyền đến mọi người dân thông qua hệ thống loa phát thanh và các xe tuyên truyền, góp phần đẩy lùi đại dịch. Hoạt động chiếu phim lưu động là một trong những công cụ văn hóa và tuyên truyền hiệu quả, một kênh thông tin hữu hiệu ở cơ sở, do đó, mỗi buổi chiếu phim kết hợp với tuyên truyền của các Đội chiếu phim lưu động đã có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đời sống tinh thần của người dân. Áp dụng việc chuyển đổi số trong công tác chiếu phim đã giúp cán bộ tuyên truyền tại Trung tâm dễ dàng tiếp cận hơn với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ở miền núi, trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, các Đội Chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 1450 buổi chiếu phim lưu động, với gần 200.000 lượt người xem, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng, đoàn kết các dân tộc, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương.
Các trò chơi, trò diễn, nghi thức sinh hoạt dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá như trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân), trò Chiềng (Yên Định), lễ cấp Sắc của đồng bào dân tộc Dao (Cẩm Thuỷ), tục cưới hai lần của đồng bào dân tộc Thái (Quan Hoá)… được cán bộ Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân phục dựng và thực hiện số hoá nhằm mục đích bảo tồn, giới thiệu và quảng bá.
Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực triển lãm, cán bộ Trung tâm sử dụng các loại hình sách tương tác, bàn tương tác, clip tuyền truyền, quảng bá về thiên nhiên, vùng đất, con người xứ Thanh; về truyền thống lịch sử, văn hoá Thanh Hoá qua các di sản đặc sắc; về lịch sử, văn hoá xứ Thanh qua các thời kỳ.. đến du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nhờ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, vẫn có một số mặt hạn chế trong công tác chuyển đổi số tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hoá. Công tác chuyển đổi số mới tiếp cận bước đầu, vì vậy, còn khá khiêm tốn, chưa chuyên sâu, nguồn lực chuyển đổi số là do cán bộ đơn vị tự tiếp cận công nghệ nên chưa áp dụng tối đa các tiến bộ KHCN vào công tác chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, để việc áp dụng việc chuyển đổi số tại Trung tâm ngày càng trở nên thiết thực, hiệu quả và đi vào chiều sâu, bài viết xin đưa ra một giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, nhân viên về tầm quan trọng của chuyển đổi số tại Trung tâm thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo.
Thứ hai,tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn gắn với chuyển đổi số.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Theo đó, lãnh đạo Trung tâm cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số cho cán bộ chuyên môn trực tiếp tham gia thực hiện chuyển đổi số.
Thứ tư, phát huy cao độ tinh thần tự giác, trách nhiệm của cán bộ, viên chức Trung tâm trong tự học tập, nâng cao năng lực cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; từ đó, mỗi cá nhân chủ động trang bị kiến thức về chuyển đổi số để cùng hỗ trợ nhau trong công tác.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà mỗi quốc gia, là vấn đề nền tảng cốt lõi của xã hội hiện đại, càng không thể đi chậm và đi sau các lĩnh vực khác. Hy vọng rằng, mỗi cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hoá sẽ ngày càng tăng cường nhận thức về tính cấp thiết của thực hiện chuyển đổi số để chủ động tham gia đổi mới sáng tạo trong công tác chuyên môn, góp phần xây dựng cơ quan ngày một hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần nghị quyết các cấp đề ra./.
Học viên: Lê Huy Tú
Lớp: TCLLCT A2-K51
Đơn vị công tác: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hoá
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
218
Hôm qua:
1543
Tuần này:
218
Tháng này:
8630
Tất cả:
4.439.918