NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, đáp ứng nguồn nhân lực cho cả nước

Đăng lúc: 15:44:55 23/04/2024 (GMT+7)81 lượt xem

 Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa quyết tâm đổi mới toàn diện, chuẩn hóa đội ngũ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để sớm xây dựng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa trở thành trung tâm đào tạo về nông nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ chất lượng cao của Bắc Miền trung vào năm 2030, đến năm 2045 trở thành trường đào tạo chất lượng cao của cả nước và tiếp cận ASEAN 4.
a.jpg
Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Người nói: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, vì vậy chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm của họ”. Để có cán bộ tốt, thì cần phải huấn luyện cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ,  viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, trong sạch, năng động và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay cần phải có được một đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức có kiến thức chuyên môn tốt, thành thạo kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tay nghề, phẩm chất đạo đức tốt và tâm huyết với nghề nghiệp.
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chức năng nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Trong những năm qua, Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn Giáo dục nghề nghiệp về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức luôn là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của Nhà trường.
Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đang dần chứng minh vị thế và vai trò của mình. Tính đến nay, tổng số viên chức của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa là 97 người, trong đó có 79 giảng viên (giảng viên cao cấp 01, giảng viên chính 02); 14 chuyên viên và tương đương; Trình độ chuyên môn: 01 Học hàm PGS, có 02 Tiến sĩ; 56 Thạc sỹ; 21 Cử nhân. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị 7 đồng chí; Trung cấp lý luận chính trị 29 đồng chí.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có kỳ hạn đối với viên chức giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Trường tiến hành rà soát tiêu chuẩn, điều kiện cử viên chức đăng ký dự thi thăng hạng viên chức năm 2024; tiếp tục đôn đốc viên chức tích cực phấn đấu tích lũy đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, một số đồng chí tham gia học văn bằng 2 về Kinh tế, Công nghệ thông tin,...; tích cực tham gia khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ về tin học, ngoại ngữ đảm bảo quy định về vị trí việc làm.
Được sự quan tâm của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà trường được đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế theo hướng gắn lý thuyết với thực hành đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy. Các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên ngày càng đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế tri thức. 
Bên cạnh đó, việc giữ gìn và xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ giảng viên cũng được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường đã thực hiện chuyên đề năm 2023 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; thường xuyên chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý, nắm bắt thông tin và phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hiện nay đội ngũ giảng viên Nhà trường cũng còn có những mặt hạn chế cần quan tâm khắc phục. Tuy được đào tạo khá bài bản, chính quy nhưng giảng viên ít được đào tạo nghề căn bản để làm phong phú thêm nội dung giảng dạy thực hành. Năng lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên còn hạn chế thể hiện ở cả số lượng và chất lượng; số công trình khoa học chưa nhiều, nhiều bài viết chất lượng chưa cao. Mặt khác, chất lượng đầu vào của học sinh - sinh viên còn hạn chế nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tang cường công tác lãnh, chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu và xây dựng đề án phát triển đội ngũ giảng viên trong giai đoạn tới, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giảng viên khi tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ được kịp thời và hiệu quả.
Thứ hai, tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Đổi mới quản lý và đa dạng hóa các nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học. Xây dựng cơ chế khen thưởng, kỷ luật hợp lý trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tăng cường công tác thanh tra chuyên môn và bố trí thời gian dự giờ thăm lớp, thường xuyên tổ chức các hoạt động thao giảng, hội thi, hội thảo để đề ra phương hướng, kịp thời phát hiện các vướng mắc để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là các giờ thực hành, rèn nghề.
Thứ ba, đội ngũ giảng viên cần tích cực, chủ động và nỗ lực phấn đấu làm tốt một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của giảng viên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Tích cực đẩy mạnh và chủ động thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Hai là, không ngừng tự học để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng dạy nghề bằng những kế hoạch cụ thể. Đây là nhiệm vụ thiết yếu và thường xuyên của người giảng viên, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin; chủ động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng bồi dưỡng phương pháp dạy học tích hợp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, định hướng nghề nghiệp cho người học.
Ba là, tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Để thực hiện tốt giải pháp này, mỗi giảng viên cần tự nhận thức được về tầm quan trọng, và vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; đó là: giúp giảng viên tự nhìn nhận được khả năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn của mình; tiếp cận, bổ sung thực tiễn vào bài giảng góp phần làm phong phú sinh động và nâng cao chất lượng bài giảng trên lớp, tạo hứng thú cho người học.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là một tất yếu khách quan của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa quyết tâm đổi mới toàn diện, chuẩn hóa đội ngũ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để sớm xây dựng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa trở thành trung tâm đào tạo về nông nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ chất lượng cao của Bắc Miền trung vào năm 2030, đến năm 2045 trở thành trường đào tạo chất lượng cao của cả nước và tiếp cận ASEAN 4./.
Học viên: Nguyễn Thị Hải Nga
Lớp: TCLLCT A7-K51
Đơn vị công tác: Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa
Số lượt truy cập
Hôm nay:
117
Hôm qua:
1901
Tuần này:
10089
Tháng này:
5361
Tất cả:
4.436.649