NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Thực trạng xây dựng văn hóa công vụ tại Ban Quản lý dự án công trình giao thông Thanh Hóa

Đăng lúc: 14:19:23 23/04/2024 (GMT+7)48 lượt xem

 Thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Ban Ban Quản lý dự án công trình giao thông Thanh Hóa luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là công tác nêu gương; thường xuyên chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ban cũng đã ban hành văn bản số 306/BQLDA-VP ngày 19/02/2024 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan.
2.png
Công sở Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông
 
Văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị, chuẩn mực đạo đức, các quy tắc giao tiếp, ứng xử, của cán bộ, công chức, các phương thức, cách thức quản lý gắn với các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, tạo nên những đặc trưng trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Văn hóa công vụ được xây dựng trên nền tảng những quan niệm về giá trị của văn hóa và giá trị cơ bản của hoạt động công vụ.
Văn hóa công vụ đồng thời chịu ảnh hưởng bởi nét văn hóa chung của dân tộc và đặc điểm riêng của từng địa bàn lãnh thổ, đồng thời trong mỗi cơ quan cũng có thể có những nét văn hóa riêng của cơ quan đó và mỗi một thành viên lại có những phương thức làm việc riêng, tạo nét văn hóa riêng của mỗi cá nhân trong thực thi công vụ.
Văn hóa công vụ là cơ sở để khẳng định chất và lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, của tổ chức trong hiện tại; thể hiện phẩm chất đạo đức, năng lực cá nhân của họ xét về mặt hệ giá trị con người Việt Nam, thể hiện hiệu lực, hiệu quả công vụ xét về mặt nền văn hóa công vụ trên con đường phát triển bền vững. Theo đó, xây dựng văn hóa công vụ là điều kiện cơ bản bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực,hiệu quả. Xây dựng văn hóa công vụ như bộ tiêu chí để định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, hình thành nền văn hóa công vụ Việt Nam: dân chủ, chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo, phát triển; nâng cao vị thế và trình độ quản trị quốc gia. Đồng thời, là cơ sở, nền tảng chống lại các hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan công quyền, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; qua đó, góp phần tạo cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ sức mạnh nội lực, trí lực, tâm lực, đủ khả năng đề kháng, chống lại những cám dỗ làm tha hóa bản thân. Xây dựng văn hóa công vụ hiệu quả, chất lượng là nền tảng thực thi kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm xã hội đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, đối với cả tổ chức, cơ quan; giúp kiến tạo gương tốt cho xã hội tin tưởng, noi theo.
Do đó, hơn bao giờ hết, văn hóa công vụ đang trở thành vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, ngày 30/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, về phê duyệt đề án văn hóa công vụ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), trong đó nêu rõ quan điểm “cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó chỉ đạo rõ cần phải “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân”. 
Ở Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, việc xây dựng văn hóa công vụ luôn được Cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như sau:
Về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, người lao động. Với chức năng chủ yếu làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan luôn thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Ban QLDA hiện có 146 cán bộ, viên chức, người lao động, đa số là cán bộ, viên chức trẻ, nhiệt huyết, luôn sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác. Mỗi viên chức Ban QLDA luôn được quán triệt phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
3.jpg
Nữ đoàn viên Công đoàn Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hoá
 
Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động. Đối với cá nhân, tổ chức, danh nghiệp, cán bộ, viên chức trong Ban QLDA thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế, quan hệ chính trị trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Ý thức được điều đó, Ban đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi, đầu tư cơ sở vật chất, quán triệt cán bộ, viên chức luôn tôn trọng, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tất cả hồ sơ của cơ quan đều được xây dựng quy trình giải quyết nhanh, gọn, đúng thời gian quy định, đúng trình tự, không gây phiền hà. Ban QLDA đã xây dựng và ban hành Quyết định số 41/QĐ-BQLDA ngày 12/01/2022 về quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng và Quy chế làm việc của Ban. Cán bộ, viên chức và người lao động luôn chấp hành tốt nội quy, quy chế, không có trường hợp vi phạm.
Đối với đồng nghiệp, cán bộ viên chức, luôn có tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan, luôn thấm nhuần theo lời dạy của Bác “Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ”. Công đoàn Ban QLDA luôn thăm hỏi kịp thời, chu đáo đối với gia đình cán bộ, viên chức và người lao động khi ốm đau, hiếu hỷ. Để tạo điều kiện cho viên chức xây dựng quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, Ban thường xuyên tổ chức các hoạt động đoàn thể, giao lưu văn nghệ, thể thao, tạo điều kiện cho các thành viên gắn bó với nhau nhiều hơn.
Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, viên chức, người lao động luôn tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự điều hành, chỉ đạo, phân công công việc; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, người lao động. Cán bộ, viên chức cơ quan luôn không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để cùng nhau khắc phục khuyết điểm, tuyệt đối tránh tình trạng ganh đua không lành mạnh với đồng nghiệp; Không xem xét khen thưởng và xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ.
Về trang phục của cán bộ, công chức, người lao động. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, viên chức, người lao động, mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với tính chất công việc; tuân thủ sử dụng bảo hộ lao động khi tham gia công tác giám sát thi công xây dựng và quản lý dự án ngoài hiện trường.
Có được những kết quả này là nhờ Đảng ủy, lãnh đạo Ban QLDA luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là công tác nêu gương; thường xuyên chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ban cũng đã ban hành văn bản số 306/BQLDA-VP ngày 19/02/2024 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan. Việc kiểm tra theo dõi chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan được kiểm tra thường xuyên, liên tục. Hằng năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ban hành và điều chỉnh bổ sung các quy trình xử lý công việc, hướng dẫn và tổ chức các bộ Ban thực hiện. Ban đã xây dựng và có văn bản hướng dẫn cho các phòng chuyên môn tự đánh giá kết quả và xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của các phòng làm cơ sở để tổng hợp, đánh xếp loại hoàn thành nhiệm cuối năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực thi công vụ tại Ban QLDA vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Với đặc thù công việc là tư vấn giám sát, quản lý dự án, đa phần phải thực hiện ở hiện trường, viên chức đa số là nam giới nên việc thực hiện giờ giấc còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng viên chức chưa tự giác thực hiện nghiêm chỉnh giờ giấc; vẫn còn hiện tượng công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách công việc; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chưa làm tốt công tác phối hợp. Còn một số ít, viên chức, người lao động cần đẩy mạnh việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan.
Những hạn chế nêu trên là do đặc thù Ban là đơn vị sự nghiệp, số lượng viên chức đông, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng cùng lúc, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, dự án yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nên đôi lúc việc chỉ đạo thực hiện văn hóa công vụ còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, các dự án do Ban quản lý thực hiện nằm trải dài trên toàn tỉnh nên cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên di chuyển hoặc ở lại công trường dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cán bộ, viên chức người lao động.
Để nâng cao hiệu quả việc thực thi văn hóa công vụ của Ban QLDA, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về văn hóa công sở cho đảng viên, viên chức chức Cơ quan thông qua việc lồng ghép, đưa nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa công sở  trong các kỳ sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ của các Ban, đoàn thể Cơ quan để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình và từ đó thực hiện nghiêm túc.
Thứ hai, sớm ban hành và thực hiện Quy chế văn hóa công sở. Trong thời gian tới lãnh đạo cơ quan cần chỉ đạo Văn phòng tham mưu ban hành, triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở với những nội dung cụ thể, rõ ràng mang tính khả thi cao; có tiêu chí và biện pháp đảm bảo thực hiện để mọi người phấn đấu, có bản cam kết thực hiện của mỗi cá nhân; thưởng phạt công khai những người làm tốt và chưa tốt; có kiểm tra, tổng kết, đánh giá định kỳ. Đồng thời, cần đưa ra thảo luận thường xuyên trong nội bộ cơ quan để mọi người dần có ý thức, trở thành nền nếp, thói quen, tác phong khoa học.
Thứ ba, phát huy vai trò của Công Đoàn, Đoàn thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa công sở. Các tổ chức đoàn thể phải bám sát các tiêu chí, nội dung quy định cụ thể trong Quy chế văn hóa công sở, đồng thời bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy để chủ động phối hợp với Thủ trưởng Cơ quan quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho viên chức người lao động và gia đình; phát động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch
Thứ tư, chú trọng đến việc phân công công việc phù hợp với năng lực, trình độ của đội ngũ viên chức, tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng công tác cho viên chức. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường làm việc thân thiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức.
Thứ năm,nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ viên chức, người lao động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giáo. Mỗi cán bộ, viên chức cần chủ động học tập và rèn luyện bản thân để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của mình. Điều này bao gồm: cập nhật các văn bản, các quy định mới về chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động hoàn thiện các chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, viên chức cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trong ngành thông qua việc tham gia các hội thảo, hội nghị và các sự kiện liên quan để học hỏi từ các chuyên gia và các đồng nghiệp khác. Đặc biệt, cần rèn luyện, nâng cao các kỹ năng mềm, như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc hiệu quả; kỹ năng tương tác một cách hiệu quả, khả năng thích ứng nhanh để giải quyết các tình huống trong công việc.
 Hy vọng rằng, với truyền thống thực thi công vụ có ý thức, trách nhiệm cao, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Ban QLDA sẽ chung tay thực hiện tốt hơn nữa văn hoá công sở để đơn vị không những hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao mà sẽ trở thành cơ quan kiểu mẫu, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh nhà./.
Học viên: Nguyễn Xuân Toàn
Lớp: TCLLCT A1 - K51
Đơn vị: Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa
--------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về phê duyệt đề án văn hóa công vụ.
2. Quyết định số 3636/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa.
3. Văn bản số 527/BC-BQLDA ngày 29/3/2022 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện đề án văn hóa công vụ của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa
Số lượt truy cập
Hôm nay:
23
Hôm qua:
1901
Tuần này:
9995
Tháng này:
5267
Tất cả:
4.436.555