NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong những tháng còn lại của năm 2024

Đăng lúc: 15:42:28 03/06/2024 (GMT+7)116 lượt xem

 Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đầu tư công và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả cho thấy, trong những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện và tác động lan toả, sâu rộng tới sự phát triển của các lĩnh vực khác trong ngành kinh tế tỉnh Thanh.
a khoa.jpg
Ảnh minh hoạ (Internet)
 
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 củatỉnh Thanh Hóa được thực hiện trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang tiếp tục diễn ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ; nhiều nền kinh tế lớn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt do lạm phát, làm cho thương mại, tiêu dùng, đầu tư toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có tỉnh ta. Ở trong nước, tình hình chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; song, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn do tác động của tình hình thế giới và những hạn chế, bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học, công nghệ chưa được khắc phục; năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút do ảnh hưởng của COVID, thị trường bị thu hẹp, việc tiếp cận tín dụng gặp khó khăn...
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm; tập trung xử lý các hạn chế, yếu kém tồn đọng, khắc phục nhanh chóng những vấn đề mới phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; vì vậy, tình hình kinh tế tiếp tục có bước phát triển, một số chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và cùng kỳ, như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục duy trì ổn định và tiếp tục có bước phát triển; giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 10.284 tỷ đồng, bằng 82,4% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Đứng trước tình hình nguồn vốn đầu tư tư nhân có xu hướng chững lại, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho từng chương trình, dự án ngay từ cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm kế hoạch; trong đó, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh ThanhHóa được phê duyệt là 12.836,445 tỷ đồng. Đến ngày 09/5/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 48 chủ đầu tư đã được phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền 12.335,306 tỷ đồng; trong đó, số vốn đã giải ngân là 3.648,2 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch, đứng thứ 12 cả nước về tỷ lệ giải ngân.
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủsự hỗ trợ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, điển hình, như: (1) Giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2024 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện; (2) Quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đối với từng chủ đầu tư, dự án;(3) Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo theo quy định để bố trí sang cho các dự án có tiến độ nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn; (4) Gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương mình; trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn năm 2024 thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân có liên quan; (5) Đã ban hành 31 văn bản, tổ chức 02 hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh, thành lập 05 tổ công tác kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng, trong đó đã tổ chức nhiều đoàn làm việc và đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giản ngân các dự án của các địa phương, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, cả tỉnh vẫn còn 501.139 triệu đồng vốn năm 2024 do tỉnh quản lý (bao gồm cả vốn năm 2022 và năm 2023 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) chưa được giao kế hoạch chi tiết đến danh mục và mức vốn từng dự án; một số nguồn vốn giải ngân rất chậm so với kế hoạch, như: đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (mới đạt 0,8%), vốn nước ngoài (mới đạt 0,9%), vốn 03 Chương trình MTQG (mới đạt 25,3%); có 19/48 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh; 19 dự án đã hoàn thành được giao kế hoạch vốn năm 2024 để thanh toán theo quyết toán được duyệt, thanh toán khối lượng hoàn thành mặc dù đã được Chủ tịch UBND tỉnh gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 30/4/2024, song đến ngày 09/5/2024 vẫn chưa giải ngân hết vốn; còn 24 dự án có thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 nhưng vẫn chưa được phê duyệt dự án đầu tư.
Để phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100% kế hoạch trước ngày 31/12/2024 theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 26/01/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024; thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư  cần nghiên cứu, tổ chức triển khai một số nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành từ đầu năm đến nay2 ; tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị, thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp” đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình MTQG, vốn nước ngoài, các dự án trọng điểm, dự án thuộc tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phải xác định việc đôn đốc tiến độ thực hiện và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, huy động tối đa sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đối với các dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở để giao kế hoạch vốn theo quy định.
Ba là, chủ động rà soát, cắt giảm, dừng thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện chưa thực sự cần thiết; xác định cụ thể nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp huyện quản lý có trách nhiệm phải bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý; trên cơ sở đó, khẩn trương rà soát, trình HĐND cùng cấp xem xét, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện cho các dự án này, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Bốn là, thường xuyên chủ động rà soát tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời tham mưu đề xuất điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ triển khai chậm, không đảm bảo khả năng giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch được giao cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, cần bổ sung vốn.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra các nội dung, công việc liên quan đến đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất các dự án đầu tư công, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… để trình cấp có thẩm quyền theo quy định; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.
Tóm lại: Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên đây là một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2024, góp phần hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.
(Bài viết được trích từ Khoá luận tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị khoá 51)
Học viên: Nguyễn Quang Minh
Lớp: TCLLCT A1.K51
Đơn vị công tác: Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
552
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13665
Tháng này:
14653
Tất cả:
4.734.420