HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập lý luận chính trị từ mô hình Seminar

Đăng lúc: 08:31:17 13/02/2023 (GMT+7)672 lượt xem

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của lý luận chính trị. Người đã dẫn Luận điểm của Lênin: “Không có lý luận cách mạng, thì không thể có vận động cách mạng”1. Từ đó, Người cho rằng công tác giáo dục lý luận chính trị rất cần thiết trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta tiến hành là một cuộc cách mạng phức tạp và nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu đòi hỏi phải thực hiện có hiệu quả những việc mới và khó, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải ra sức học tập lý luận chính trị để có sự hiểu biết sâu sắc, nhận thức đúng đắn, toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Picture1.jpg
Toàn cảnh buổi Seminar “Vì sao phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý” tại lớp TCLLCT B34
 
Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác giảng dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải phát huy vai trò làm chủ của học viên. Tính chủ động, tích cực của học viên biểu hiện bằng ý thức tự giác, tự chủ, kiên trì trong học tập để biến quá trình học tập của bản thân từ phương pháp học tập thụ động sang phương pháp chủ động; chủ động nghiên cứu lý luận và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn và chủ động tiếp nhận tri thức để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Qua đó, cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và có kỹ năng vận dụng kiến thức được học vào trong thực tiễn công tác của mình, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy, huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay 2.
Seminar có thể xem là một hình thức dạy học, cũng có thể xem là một phương pháp dạy học. Trước một chủ đề đặt ra, học viên sẽ chủ động nghiên cứu về lý luận và liên hệ thực tiễn, tự hệ thống các kiến thức đã học và trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, bổ sung ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác dưới sự dẫn dắt của người chủ trì seminar. Kết thúc buổi seminar, giảng viên sẽ đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm. Theo đó, qua thực tiễn tổ chức buổi seminar tại lớp Trung cấp Lý luận chính trị B34, học viên nhận thức rằng, seminar là một hình thức dạy - học phù hợp, phát huy tính tích cực trong học tập của học viên.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuẩn bị và thực hiện seminar của lớp TCLLCT B34
Việc tổ chức seminar ở lớp TCLLCT B34 có những thuận lợi; đó là, có sự định hướng về nội dung và gợi mở về cách thức tổ chức của giảng viên. Bên cạnh đó, học viên lớp B34 nhiệt tình, trách nhiệm, có kiến thức thực tiễn phong phú; nhiều học viên đã có kinh nghiệm và đang giữ các vị trí quản lý ở các phòng, ban, đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó, Ban cán sự lớp năng động, sáng tạo, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng học tập và xây dựng tập thể lớp kiểu mẫu. Tuy nhiên, do thói quen học tập thụ động, ít nghiên cứu báo cáo chuyên đề; lại do áp lực công việc ở cơ quan nên nhiều học viên chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho việc tự học, tự nghiên cứu. Ngoài ra, Ban cán sự lớp chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức seminar môn học nên quá trình phân công, giao nhiệm vụ còn gặp khó khăn, do đó một số học viên có biểu hiện né tránh, ngại tham gia thảo luận.
Quy trình tổ chức buổi seminar môn học tại lớp TCLLCT B34
Phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, trở ngại, dưới sự định hướng, dẫn dắt của giảng viên và sự tham gia điều hành lớp của Ban cán sự, buổi seminar của lớp B34 đã thực hiện theo quy trình 03 bước cơ bản. Đó là:
 Bước 1: Chuẩn bị cho buổi seminar. Giảng viên định hướng lựa chọn chủ đề và gợi mở các vấn đề trọng tâm cần thảo luận. Ban cán sự lớp xây dựng phương án về nội dung thảo luận, thành phần tham gia, thời gian tiến hành, địa điểm tổ chức, phân công công việc cụ thể và chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để thực hiện.
Bước 2: Thực hiện buổi seminar. Bước này gồm 3 phần. Phần khởi động, người chủ trì sẽ giới thiệu chủ đề, mục tiêu, các vấn đề trọng tâm cần thảo luận và cách thức thảo luận. Phần thuyết trình và thảo luận: cử 02 học viên thuyết trình báo cáo kết quả nghiên cứu, đặt ra các vấn đề cần giải quyết và nêu giải pháp; trên cơ sở của bài thuyết trình, các học viên còn lại tham gia thảo luận, đóng góp, bổ sung ý kiến, phản biện, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đặt câu hỏi dưới sự dẫn dắt, định hướng của người chủ trì. Phần tổng kết: người chủ trì tổng hợp và báo cáo kết quả thảo luận với giảng viên.
Bước 3: Kết thúc Seminar. Giảng viên nhận xét về bài thuyết trình và phần thảo luận; tổng kết và đánh giá quá trình seminar và rút kinh nghiệm.
Kết quả của buổi seminar môn học của lớp TCLLCT B34:
Một là, thông qua buổi seminar, học viên được củng cố kiến thức, hiểu rõ nội dung cốt yếu của chủ đề. Từ quá trình tự nghiên cứu và từ kết luận của giảng viên, học viên nắm kiến thức một cách hệ thống, mở rộng kiến thức đã học, vận dụng kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề đặt ra. Thông qua thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học viên sẽ được lắng nghe và hiểu hơn về thực tiễn công tác.
Hai là, buổi seminar đã phát huy được kỹ năng và sự sáng tạo của học viên. Việc tự chủ từ khâu chuẩn bị đến tiến hành buổi seminar đã giúp học viên phát huy được các kỹ năng, như: kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện, kỹ năng phân công công việc, kỹ năng phân tích, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thảo luận, kỹ năng chủ trì...
Ba là, seminar thay đổi về nhận thức và thái độ học tập lý luận chính trị. Học viên chuyển từ học thụ động sang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị bài trước khi lên lớp, chủ động tham gia trao đổi ý kiến xây dựng bài, tiếp nhận tri thức để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân.
341.jpg
Ban Cán sự lớp TCLLCTB34 chuẩn bị cho buổi seminar.

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức seminar của lớp TCLLCT
B34.
Thứ nhất, Ban cán sự lớp phải bao quát được mục tiêu, nội dung và cách thức tổ chức seminar môn học. Theo đó, cần bám sát định hướng của giảng viên và từ thực tiễn của lớp để lựa chọn nội dung phù hợp; từ đó phân công cho các tổ chuẩn bị theo đề cương, đặc biệt phát huy các nhân tố tích cực, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý để chuẩn bị chuyên đề báo cáo.
Thứ hai, phải chuẩn bị chương trình seminar thật khoa học, sáng tạo. Nên ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng powerpoint trong phần thuyết trình, xây dựng video clip để tăng thêm tính sinh động, hấp dẫn, kích hoạt được không khí trao đổi, thảo luận sôi nổi và thu hút sự tập trung vào seminar của các thành viên.
Thứ ba, điều hành seminar phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Song, phải kịp thời điều chỉnh báo cáo chuyên đề và các ý kiến tham gia thảo luận cho đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, từ quá trình nghiên cứu cần làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn theo chủ đề thảo luận, đồng thời nêu vấn đề, kiến nghị với giảng viên kết luận những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra để thống nhất trong nhận thức và chỉ dẫn trong hoạt động thực tiễn cho học viên
Thứ tư, sau seminar phải tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm từ khâu xây dựng phương án, đến tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tiếp thu những đánh giá, góp ý và kết luận của giảng viên để tiếp tục hoàn thiện báo cáo chuyên đề, tổng hợp các ý kiến thảo luận và tổng kết của giảng viên thành bài thu hoạch. Các đề xuất sẽ được gợi mở để khơi thông về nhận thức, quyết tâm hơn trong hành động, nỗ lực sáng tạo hơn trong học tập các bộ môn tiếp theo.
Khác với các buổi thảo luận thông thường, seminar là quá trình học viên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề về lý luận và thực tiễn, phát hiện vấn đề, tự hệ thống các kiến thức đã học và báo cáo kết quả nghiên cứu trước lớp, trên cơ sở đó các thành viên thảo luận, bổ sung, phản biện và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để cùng làm rõ vấn đề. Mặc dù seminar là hoạt động học tập mới của lớp B34, song, đây là hình thức nghiên cứu, học tập phù hợp với đối tượng học viên các sở, ngành, đã được đào tạo cơ bản, có thực tiễn phong phú, sinh động, có phương pháp nghiên cứu độc lập và kỹ năng làm việc nhóm. Chính vì vậy, cần phải tăng cường sử dụng hình thức seminar môn học trong chương trình đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập lý luận chính trị./.
Học viên: Nguyễn Thị Ánh Vân
Lớp phó lớp TCLLCT- B34
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.127.
2. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.343.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2054
Hôm qua:
2230
Tuần này:
6912
Tháng này:
53286
Tất cả:
4.418.166