NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Học viên lớp TCLLCT A2-K51 giới thiệu Lễ hội Bà Triệu

Đăng lúc: 13:59:44 19/03/2024 (GMT+7)133 lượt xem

 “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.
d1.png
Nghi môn nội Đền Bà Triệu
 
Câu nói khí phách của nữ tướng Triệu Thị Trinh - Vị nữ anh hùng dân tộc, người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của Đông Ngô vào năm 248, đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như lời hiệu triệu sáng ngời về lòng yêu nước! Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Bà, Nhân dân ta đã dựng đền thờ tại núi Tùng, thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), là nơi bà sinh ra, nơi tụ binh khởi nghĩa và chiến đấu chống quân Ngô xâm lược.
Hằng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hội Đền Bà Triệu. Đây là sự kiện văn hóa - lịch sử - tín ngưỡng của tỉnh được tổ chức thường niên vào trung tuần tháng 2 âm lịch. Năm 2023, kỷ niệm 1775 năm ngày mất của Bà, Lễ hội Đền Bà Triệu được ghi danh là Di sản phi vật thể quốc gia; qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh dựng nước, giữ nước cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch địa phương.
Năm 2024, Lễ hội Đền Bà Triệu dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 3 đến ngày  01 tháng 4 năm 2024 (tức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 2 âm lịch). Công đức của người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh một lần nữa được khắc ghi sâu thêm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, mỗi du khách thập phương khi về dự Lễ hội.
d2.png
Sân khấu hóa vở tuồng "Lời thề Trinh Nữ"
 
Bà Triệu tên húy là Triệu Thị Trinh hay còn gọi Triệu Trinh Nương, Triệu Quốc Trinh, Triệu Ẩu. Bà sinh ngày 2 tháng 10 năm  Bính Ngọ (226)  tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Cha mẹ mất sớm, Bà ở cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt - vị quan huyện lệnh có lòng yêu nước và thương dân. Ngay từ thiếu thời, Bà đã tỏ rõ là một anh thư hào kiệt, ý chí kiên cường, giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người.
Không chịu được cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đói khổ bần hàn, sản vật quốc gia mang đi cống nạp, cúi đầu chịu ách thống trị của nhà Ngô, Bà đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp nghĩa sĩ, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị quân lương đứng lên khởi nghĩa vào năm 248 tại vùng núi Quan Yên. Bà Triệu với câu nói khí phách nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người” đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng gia nhập nghĩa quân. Trong một thời gian ngắn, lực lượng nghĩa quân đã lên tới hàng vạn người. Sau khi Triệu Quốc Đạt bị trọng thương rồi lâm bệnh qua đời, với tài đức của mình, Bà Triệu được tôn lên làm chủ tướng.
d3.png
Lễ rước kiệu
 
Trước sức mạnh của nghĩa quân và giành được nhiều thắng lợi làm “chấn động Giao Châu”, chỉ trong vòng 2 tháng, Bà Triệu đã chỉ đạo nghĩa quân đánh thắng 30 trận lớn nhỏ. Năm Mậu Thìn 248, triều Đông Ngô đã cử danh tướng Lục Dận (cháu họ danh tướng Lục Tốn), một vị tướng có tài thao lược, kinh nghiệm chiến trường với chức “An Nam hiệu úy” mang theo 8.000 quân có lâu thuyền yểm trợ kéo sang nước ta. Sau nhiều tháng vây hãm căn cứ Bồ Điền không thành, khiến quân giặc khiếp sợ:
   “Hoành qua đương hổ dị.
Đối diện Bà Vương nan”
(Vung tay đánh giặc xem còn dễ.
Đối diện Bà Vương mới khó sao).
Lục Dận với âm mưu dùng binh uy đàn áp cuộc khởi nghĩa, dùng tiền của và chức tước dụ dỗ cường hào, mua chuộc nghĩa sỹ và nhân dân đã khiến cuộc khởi nghĩa dần đi vào thế cô lập. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của Nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng là một mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
d4.png
Lễ hội Đền bà Triệu
 
Tưởng nhớ công lao trời biển của bà, từ ngày 19 đến 22-2 âm lịch hằng năm, đông đảo du khách thập phương lại hội tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để được hòa vào Lễ hội Đền Bà Triệu. Lễ hội Bà Triệu có nhiều nội dung phong phú và mang nét đặc trưng riêng truyền thống của địa phương, như: lễ mộc dục, lễ trình lính, lễ giỗ, lễ rước kiệu, lễ yên vị, lễ tạ, tế cung đình, tế nữ quan…; trong đó, lễ rước kiệu là nội dung đặc sắc nhất với nhiều kiệu được rước, như: kiệu hương án, kiệu bát cống, kiệu song loan, kiệu long đình, kiệu võng.
Một lễ rước có hơn 300 người tham gia vào đoàn rước kiệu. Họ là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để thực hành nghi lễ (gia đình không có tang bụi, phải có sức khỏe, gia đình có nề nếp văn hóa và gương mẫu trong thôn, xóm…) Kiệu được rước từ Đền thờ, qua khu lăng mộ, miếu Bàn Thề, Nghè Đệ Tứ về đình làng Phú Điền rồi thờ tại đình một ngày, một đêm; sau đó lại rước quay trở lại Đền và làm lễ yên vị cho Bà tại đây. Chủ tế đi dưới gầm kiệu, kiệu vừa đi vừa quay đảo, có lúc như gặp trận cuồng phong nhưng các đồ tế khí trên kiệu không hề suy chuyển.
d6.png
Lễ rước kiệu Bà
 
Phần hội được tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian để phục vụ cho nhân dân và du khách tham quan, tiêu biểu, như: cờ người, cờ điếm, nấu cơm thi, kéo co, bắt lươn, thi đấu bóng chuyền…; đặc biệt trước kia còn có trò Nhà Mạc, trò Ngô – Triệu giao quân tái hiện lại một trận đánh lớn của nghĩa quân Bà Triệu.
Nhân dân Triệu Lộc chủ yếu là cư dân nông nghiệp, có đời sống tín ngưỡng phong phú tương đồng như bao làng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ  nhưng cũng có những đặc trưng riêng của truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Tiêu biểu và đặc sắc nhất trong các lễ hội dân gian, truyền thống nơi đây chính là lễ hội Bà Triệu. Đây là một hoạt động văn hóa, tâm linh quý giá, phản ánh sức mạnh tinh thần, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh khí phách anh hùng và sự biết ơn của đất nước với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người phụ nữ đầu tiên được các triều đại phong kiến phong Thần./.
           Học viên: Trần Thị Hồng Duyên
 Lớp: TCLLCT A2-K51
 Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử
           & Bảo tồn Di sản Văn hóa Than Hóa.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
16
Hôm qua:
1427
Tuần này:
13625
Tháng này:
59999
Tất cả:
4.424.879