NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Lớp TCLLCT A4-K51 thực hiện mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”

Đăng lúc: 07:22:12 25/03/2024 (GMT+7)46 lượt xem

 Tập thể lớp TCLLCT A4-K51 quyết tâm nỗ lực tiếp tục thực hiện sáng tạo Mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” để thêm yêu quý, trân trọng những giá trị tư duy được nhận từ Nhà trường, nỗ lực thi đua cùng cán bộ, giảng viên, học viên xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước vào năm 2025. 
Picture1.png

Mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” được treo ở trong phòng học để nhắc nhở giảng viên, học viên cùng thực hiện
 
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ và công tác cán bộ “là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”, “quyết định mọi việc”, là kim chỉ nam cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vị trí, vai trò đặc biệt của cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. (Hồ Chí Minh toàn tập)
Trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa ngày 20/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20 tháng 2 năm 1947). Người đã chỉ ra vai trò quan trọng cốt yếu của cán bộ, đảng viên, và điều đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ “then chốt của vấn đề then chốt”; cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm, những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, kể cả khi đã chuyển công tác.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá thực hiện sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả trong việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Trong hành trình xây dựng, phát triển Nhà trường, sự thành công của học viên luôn là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên và hiệu quả quản trị của nhà trường. Nhà trường xác định: “Thành công của học viên là thành quả của quá trình đồng hành; ở đó, nhà trường, đội ngũ giảng viên vừa đóng vai trò là người thầy tư vấn, hướng dẫn, vừa là người bạn để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, vừa là người đồng chí cùng chung chí hướng để thực hiện hóa mục tiêu chương trình học tập”. (Cuốn sách: Những mô hình đổi mới sáng tạo vì học viên)
Tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, học viên được thầy cô trang bị các kiến thức và kỹ năng cũng như được tăng cường nhận thức về trách nhiệm của người cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ công tác và học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều mô hình học tập; trong đó có mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực”. Mô hình này trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các lớp học, góp phần thực hiện tốt phương châm “lấy người học làm trung tâm” mà cán bộ, giảng viên Nhà trường đang nỗ lực đồng hành cùng học viên.
Ngay từ những ngày đầu của khoá học, Ban cán sự lớp A4 cũng như 5 lớp TCLLCT K51 đã được dự các cuộc họp giao ban để hiểu rõ về mô hình và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại các buổi lễ chào cờ và các buổi sinh hoạt lớp, thầy Hiệu trưởng Lương Trọng Thành và thầy giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên quán triệt, truyền cảm hứng và tạo động lực để học viên A4 chủ động sáng tạo áp dụng mô hình này trong lớp nhằm nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị. Trong thời gian qua, việc thực hiện mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” ở lớp TCLLCT A4-K51 đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như sau:
1.jpg

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp của học viên lớp TCLLCT A4-K51
 
Đối với “1 nâng cao” (nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện)Tập thể lớp A4 luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất để mỗi học viên có nhận thức đúng đắn để xây dựng động cơ, thái độ, ý thức học tập ngay từ những ngày đầu của khoá học. Để thực hiện “1 nâng cao”, tập thể lớp A4 đã triển khai thực hiện tốt mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo”. Bên cạnh đó, lớp thực hiện nghiêm nội quy, quy chế lớp, thống nhất quy định thưởng, phạt cụ thể đối với những học viên thường xuyên đi học muộn, bỏ giờ, trốn tiết, qua đó nâng cao trách nhiệm của từng học viên trong lớp. Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, lớp đã gắn kết tình cảm học viên, quan tâm đặc biệt những hoàn cảnh khó khăn để những học viên này yên tâm, phấn khởi đi học, góp phần nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của cả tập thể A4.
Đối với “2 đổi mới sáng tạo” (đổi mới về cách học và cách hành). Trong các buổi sinh hoạt lớp, học viên A4 đề ra kế hoạch học tập, xây dựng các chương trình hoạt động của lớp.
Đối với “3 đồng hành” (đồng hành trong học tập để phát triển tư duy lý luận, trong rèn luyện để phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý, trong xây dựng tác phong, hình ảnh). Phương châm “3 đồng hành” được học viên A4 cùng thực hiện là: “Muốn đi xa thì cần có bạn đồng hành, đi cùng trên một con đường để đạt được mục tiêu”. Theo đó, thầy giáo chủ nhiệm và Ban cán sự lớp đã khích lệ mọi người cùng tham gia tất cả các hoạt động như: viết bài cho Website, tham gia giao lưu bóng đá, bóng chuyền với các lớp, tham gia dọn dẹp vệ sinh và các hoạt động khác.
 Đối với “4 phát huy” (phát huy xây dựng tập thể lớp kiểu mẫu, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính đảng; phát huy trong việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng học tập; phát huy trong kết nối lan toả những giá trị tốt đẹp của Nhà trường đến với cơ sở). Trong quá trình học tập, mỗi học viên trong lớp được phát huy thế mạnh, sở trường của cá nhân để chủ động xung phong thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển Nhà trường, tập thể lớp A4 luôn duy trì kỷ cương, nền nếp học tập, góp phần xây dựng môi trường giàu tính Đảng. Sự tiến bộ trong nhận thức chính trị, trong tư duy đổi mới sáng tạo, trong tác phong, hình ảnh người cán bộ được chính mỗi học viên lớp A4 thể hiện trong công tác ở địa phương; qua đó được lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác bước đầu ghi nhận kết quả học tập, rèn luyện của nhân viên. Bên cạnh đó, những giá trị tốt đẹp về môi trường của Đảng mà đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường truyền dạy qua các hoạt động giảng dạy cũng được học viênlớp A4 đón nhận tích cực và lan toả tới cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Đối với “5 mẫu mực” (Mẫu mực trong xây dựng kỷ cương, nề nếp; trong xây dựng khối đoàn kết; trong phong trào học tập, rèn luyện; trong đổi mới sáng tạo; trong xây dựng tác phong, hình ảnh). Triển khai thực hiện “5 mẫu mực” ngay từ đầu khoá học, lớp A4 chú trọng việc thực hiện kỷ cương, giờ giấc học tập. Theo đó, Ban cán sự lớp mẫu mực trong thực hiện quy chế, quy định của Nhà trường; đặc biệt là “3 không, 3 có” (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập và rèn luyện khoa học) để làm gương cho học viên trong lớp, từ đó tạo được sự đoàn kết, lối sống đẹp, có nghĩa, có tình trong tập thể lớp.
Có thể khẳng định, mô hình “1 nâng cao, 2 đổi mới sáng tạo, 3 đồng hành, 4 phát huy, 5 mẫu mực” là trí tuệ, tâm huyết của Ban Giám hiệu và các thầy cô Trường Chính trị trong quá trình đào tạo cán bộ. Mô hình là sự kết tinh của những kinh nghiệm giảng dạy và quản lý học viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong giai đoạn hiện nay và đây là một trong các mô hình được giới thiệu ở phần 2 của cuốn sách “Những mô hình đổi mới vì học viên” - Một cuốn sách do thầy giáo - Tiến sĩ Lương Trọng  Thành, Tỉnh ủy viên, Bí Thư đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường chủ biên cùng tập thể các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường biên soạn.
Tập thể lớp TCLLCT A4-K51 quyết tâm nỗ lực tiếp tục thực hiện sáng tạo Mô hình để thêm yêu quý, trân trọng những giá trị tư duy được nhận từ Nhà trường, nỗ lực thi đua cùng cán bộ, giảng viên, học viên xây dựng trường chính trị Tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước vào năm 2025. 
                                               Học viên: La Thị Thủy
Lớp: TCLLCT A4 - K51
Đơn vị công tác: Hội Nông Dân xã Đông Yên
Số lượt truy cập
Hôm nay:
187
Hôm qua:
1427
Tuần này:
13796
Tháng này:
60170
Tất cả:
4.425.050