Một số giải pháp giúp học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá học tốt lý luận chính trị
Đăng lúc: 15:43:11 28/08/2023 (GMT+7)765 lượt xem
Mỗi học viên khi tham gia học tập lý luận chính trị cần phải có ý thức tự giác trong học tập, xác định đúng mục đích học tập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập một cách khoa học, phù hợp, vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng phát triển. Nghiêm túc học tập lý luận chính trị cũng chính là sự thể hiện tinh thần, ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 04/6/ 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Học viên lớp TCLLCT A7-K50 được Trường Chính trị tỉnh khen thưởng
tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua
tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua
Lý luận chính trị là hệ thống tri thức lý luận trong lĩnh vực chính trị, phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành và giữ quyền lực nhà nước; thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ, lợi ích của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước trong xã hội có giai cấp. Lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống tri thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa của dân tộc; là đường lối, chiến lược của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với quy luật khách quan. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động, kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó.
Học tập lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, do đó, nếu nhận thức lơ là hoặc sai lệch về tầm quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận chính trị, tất yếu dẫn đến lười học, ngại học, học đối phó. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên chẳng những phải nắm vững và vận dụng được các nguyên lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn phải hình thành và phát triển tư duy khoa học khách quan. Nếu không học tập lý luận có thể kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp khác, như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...; từ đó, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cán bộ, giảng viên và học viên lớp TCLLCT A7-K50 tại Lễ Khai giảng khoá học
Nhận thấy những nguy hại của căn bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đã chỉ rõ: lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới cũng là biểu hiện của sự suy thoái. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Cần khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”. Việc nhận diện đúng các biểu hiện của căn bệnh này là cơ sở quan trọng để đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời.
Việc ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên là học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tập trung ở những biểu hiện sau:
Thứ nhất, không ít học viên chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị mà thường tập trung cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí một bộ phận không nhỏ còn cho rằng đó là việc làm “vô ích”, gây lãng phí thời gian, công sức. Đã có không ít học viên thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị, thậm chí tìm mọi lý do để trốn tránh không tham gia học tập.
Thứ hai, một bộ phận học viên chưa học tập lý luận chính trị thực sự nghiêm túc, còn thực hiện qua loa, đại khái, hình thức. Vẫn còn tư tưởng học để có đủ bằng cấp, đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm, nên chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập. Một bộ phận học viên khi tham gia lớp học còn hiện tượng bỏ học, sử dụng điện thoại, làm việc riêng trong lớp học; thiếu tích cực, thiếu chủ động trong nghiên cứu tài liệu học tập; ngại trao đổi, thảo luận, sao chép khi làm bài thu hoạch.
Thứ ba, một bộ phận học viên không vận dụng tri thức đã học để xem xét giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị mình theo chức trách, nhiệm vụ; học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn với thực tiễn.

Học viên lớp TCLLCT A7-K50 được Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
tặng giấy khen Học viên gương mẫu tháng 6 năm 2023
tặng giấy khen Học viên gương mẫu tháng 6 năm 2023
Nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của lý luận chính trị, nhận thức sâu sắc lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là học viên lớp A7-K50 Trung cấp Lý luận chính trị hệ tập trung, tôi xin đưa ra một số giải pháp giúp học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá học tốt lý luận chính trị. Cụ thể như sau:
Một là, tăng cường nhận thức được tầm quan trọng của lý luận chính trị. Mỗi học viên cần phải nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của lý luận chính trị, nhận thức sâu sắc lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: do “kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều học viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Đồng thời, cần xác định đúng mục đích học tập lý luận chính trị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Nếu không xác định đúng đắn mục đích học tập lý luận chính trị thì việc học tập không thể có chất lượng, hiệu quả. Theo đó, để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, học viên Trường Chính trị tỉnh phải thực hiện tốt phương châm “3 Không, 3 Có” (3 Không: không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học. 3 Có: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp rèn luyện khoa học) mà Nhà trường đã đề ra.
Hai là, tích cực chuẩn bị tài liệu và nghiên cứu bài trước khi đến lớp. Học, đọc bài cũ và bài mới trước khi đến lớp là khâu quan trọng, giúp cho người học nắm vững, ôn lại những kiến thức đã học và hình dung được tổng quan bài học mới, nhờ đó khi nghe giảng không bỡ ngỡ với những nguyên tắc, quy luật, khái niệm, phạm trù… mà giảng viên truyền đạt trên lớp.
Ba là, tập trung nghe giảng. Khi lên lớp nghe giảng, học viên phải tập trung tư tưởng, tránh bị phân tán. Phải nghiêm túc khi học tập trên lớp và biết kết hợp tốt nghe, nhìn, hiểu và ghi chép. Việc nghe giảng rất quan trọng, giúp người học hiểu vấn đề, luyện được kỹ năng ghi nhớ trên lớp, tích lũy kiến thức. Việc ghi chép bài giúp cho người học thêm một lần nữa rèn luyện khả năng ghi nhớ, nên ghi theo cách hiểu. Trong giờ thảo luận, người học mạnh dạn phát biểu tranh luận và phản biện, nên bày tỏ ý kiến của mình trước lớpvới giảng viên; từ đó giảng viên sẽ tiếp nhận ý kiến, giải thích những vấn đề vướng mắc mà người học chưa hiểu rõ; cố gắng chọn phương pháp học hiểu, tiếp thu ngay tại lớp, chủ động trong việc học, tránh trường hợp soạn bài, ôn bài dồn vào những ngày thi, nhất là vào ngày thi tốt nghiệp sẽ làm cho học viên bị áp lực vì tài liệu quá nhiều.
Bốn là, tăng cường phát triển kỹ năng đọc. Người học lý luận chính trị phải siêng đọc sách, báo nói chung, nhất là những tài liệu về lý luận chính trị nói riêng. Hiện nay, Thư viện Nhà trường có rất nhiều đầu sách, báo, tạp chí lý luận giúp cho việc học tập sẽ tốt hơn. Ngoài kiến thức đã được giảng viên truyền đạt tại lớp, học viên có thể mượn, đọc và nghiên cứu tài liệu trong các giờ giải lao hoặc dành thời gian nghiên cứu để nắm bắt, tiếp thu nhiều hơn, trang bị khối kiến thức lý luận cần thiết phục vụ tốt cho môn học và phần học đó.
Năm là, tổ chức học tập, nghiên cứu lý luận chính trị theo nhóm. Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Khi học theo nhóm, học viên được chia sẻ ý kiến cho nhau, được hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ nhằm phát triển năng lực và phẩm chất, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập. Việc học nhóm phải đảm bảo được học tập thuận lợi, chỗ ngồi của nhóm phải dễ trao đổi thảo luận với nhau để cùng nhau học tập xây dựng bài học. Nhóm học tập có thể 5 -7 học viên.Thông qua hoạt động nhóm trong học tập lý luận chính trị, học viên sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội.
Mỗi học viên khi tham gia học tập lý luận chính trị cần phải có ý thức tự giác trong học tập, xác định đúng mục đích học tập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập một cách khoa học, phù hợp để cuối khóa học đạt được kết quả cao, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng phát triển. Nghiêm túc học tập lý luận chính trị cũng chính là sự thể hiện tinh thần, ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 04 tháng 6 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý./.
Học viên: Lê Hồng Thái
Lớp: TCLLCT A7- K50
Các tin khác
- Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến phút chia xa đầy lưu luyến!
- Thực trạng và giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa hiện nay
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Quảng Nham I
- Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đưa xã Tam Chung, huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Kho bạc Nhà nước khu vực X trong giai đoạn hiện nay
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ ở Trường Trung học cơ sở Quảng Châu hiện nay
- Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường Mầm non Trường Sơn
- Trường Mầm non phường Hoằng Đại, thành phố Thanh Hoá học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự lực, tự cường
- Thực trạng và giải pháp phát triển công tác đoàn của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc
- Đẩy mạnh chuyển đổi số tại thành phố Sầm Sơn
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1587
Hôm qua:
2872
Tuần này:
14293
Tháng này:
20613
Tất cả:
5.318.887