NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Một số giải pháp thúc đẩy học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đọc giáo trình trước khi đến lớp, góp phần xây dựng văn hoá trường Đảng

Đăng lúc: 06:37:24 13/05/2024 (GMT+7)143 lượt xem

 Với sự đồng hành và tạo động lực của giảng viên Nhà trường, phần lớn học viên đã phát huy tốt vị thế là chủ, vai trò làm chủ trong học tập, tiếp thu tri thức nhờ việc chủ động đọc giáo trình trước khi đến lớp. Ở các lớp TCLLCT khoá 51, việc nghiên cứu giáo trình trước khi học chuyên đề mới đã trở thành ý thức tự giác của bộ phận lớn học viên. Một số lớp đã xây dựng mô hình “Đọc giáo trình 15 phút đầu giờ”; xây dựng thư viện tại lớp; tạo các góc đọc sách thân thiện; mang giáo trình kèm vở ghi chép khi lên lớp…, góp phần tạo nên nét đẹp văn hoá trường Đảng…

1.png
1.png
 
Học viên lớp TCLLCT A5-K51 tổ chức hoạt động nhân Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4/2024
 
Học tập là điều không thể thiếu trên con đường thành công của mỗi con người. Cùng với sự vận động, phát triển của thế giới, cách học của con người cũng theo đó mà thay đổi nhưng vẫn không thể thiếu tinh thần tự giác trong học tập để đạt kết quả tốt nhất.
Khi tự giác học tập, người học hiểu rõ tầm quan trọng của việc học thông qua xác định đúng đắn mục tiêu học tập, từ đó sẽ có cách thức, phương pháp học tập phù hợp. Đối với học viên Trường Chính trị tỉnh, một trong những biểu hiện của tự giác học tập là đọc giáo trình để nghiên cứu, chuẩn bị kiến thức trong quá trình học tập Trung cấp Lý luận chính trị.
Khi tham gia khoá học lý luận chính trị, giáo trình là công cụ cơ bản, chính thống giúp học viên trang bị kiến thức ở các môn học. Đọc, nghiên cứu giáo trình để chuẩn bị các nội dung trong các chuyên đề học tập không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Trường Chính trị tỉnh mà còn là tiền đề quan trọng để học viên luôn chủ động tìm kiếm và mở rộng tri thức.
Khi học tập lý luận chính trị, đọc giáo trình là hoạt động quan trọng giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp làm việc nhóm mà giảng viên sử dụng trên lớp; đồng thời, là yêu cầu cần thiết trong công tác quản lý học viên thông qua sự phân công chuẩn bị nội dung học tập cho từng nhóm.
Đọc giáo trình là hoạt động cần phải thực hiện thường xuyên, phải xuất phát từ yếu tố bên trong là cảm xúc hứng thú, tò mò muốn khám phá tri thức của người học. Đọc giáo trình trước khi học chuyên đề mới trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị giúp học viên chủ động nắm bắt kiến thức để tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn trong quá trình giảng viên truyền đạt kiến thức; đồng thời, giúp học viên tương tác tốt hơn với giảng viên và học viên, giữa chuyên đề trước với chuyên đề sau; gắn kết tốt hơn giữa học với hành, lý luận với thực tiễn…
Xác định tầm quan trọng của việc đọc giáo trình chuẩn bị cho bài học, thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã quan tâm, định hướng và tổ chức nhiều mô hình, hoạt động khuyến khích học viên đọc giáo trình nói riêng và phát triển văn hóa đọc nói chung. Theo đó, với sự đồng hành và tạo động lực của giảng viên Nhà trường, phần lớn học viên đã phát huy tốt vị thế là chủ, vai trò làm chủ trong học tập, tiếp thu tri thức nhờ việc chủ động đọc giáo trình trước khi đến lớp. Ở các lớp TCLLCT khoá 51, việc nghiên cứu giáo trình trước khi học chuyên đề mới đã trở thành ý thức tự giác của bộ phận lớn học viên. Một số lớp đã xây dựng mô hình “Đọc giáo trình 15 phút đầu giờ”; xây dựng thư viện tại lớp; tạo các góc đọc sách thân thiện; mang giáo trình kèm vở ghi chép khi lên lớp…, góp phần tạo nên nét đẹp văn hoá trường Đảng…
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một bộ phận học viên chưa hình thành thói quen đọc giáo trình trước khi đến lớp; nhiều học viên đến khi thi, kiểm tra mới đọc giáo trình, tài liệu, dẫn đến sự thụ động, biệt lập, thiếu sự gắn kết trong hoạt động dạy-học, kết quả học tập không cao. Nguyên nhân là do phần lớn học viên chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị; một số học viên chưa có ý thức chấp hành tốt các quy định trong quá trình học tập. Một lý do nữa chính là sự bùng nổ và phát triển của công nghệ thông tin hiện nay nên người học chỉ thích tra cứu thông tin đơn thuần trên Internet, rất ngại đọc giáo trình, tham khảo sách chuyên sâu trong quá trình học để mở rộng kiến thức. Bên cạnh đó, mặc dù học viên được cử đi học nhưng vẫn phải tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị nên không có thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu giáo trình. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều tình trạng học viên chưa xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập lý luận chính trị, chỉ coi học tập lý luận chính trị để lấy bằng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt theo quy định của tổ chức nên chưa xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn, dẫn đến không chủ động ý thức, thói quen tự giác đọc giáo trình trong học tập.
Để thực hiện định hướng của Trường Chính trị tỉnh là chuyển mạnh từ người thầy là trung tâm sang học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực; chuyển mạnh từ dạy-học thụ động sang dạy- học chủ động; chuyển mạnh từ dạy-học kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực…, cần đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu phải thực hiện đọc giáo trình trước khi đến lớp. Theo đó, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Đối với học viên. Mỗi học viên cần nhận thức rằng, “để làm việc, làm người, làm cán bộ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy đòi hỏi mỗi cán bộ phải có nhiều phẩm chất, năng lực. Theo đó, để có nhiều phẩm chất, năng lực, cán bộ phải trải qua nhiều khóa học, trang bị cách học, trong đó, tự học phải làm cốt. Muốn vậy, tự đọc giáo trình phải trở thành thói quen, ý thức tự giác, là nhu cầu của học viên. Để đọc giáo trình có hiệu quả, học viên phải có ý thức sắp xếp thời gian phù hợp, trước khi học chuyên đề mới, cần có thói quen tự đặt ra câu hỏi, như: vì sao phải học chuyên đề này; nội dung cốt yếu của chuyên đề này là gì; vận dụng kiến thức chuyên đề này vào thực tiễn công tác như thế nào… Trong quá trình chuẩn bị bài thông qua đọc trước giáo trình, những nội dung học viên cần quan tâm mà chưa hiểu thì đặt câu hỏi chuyển cho Ban cán sự lớp để đề nghị giảng viên giải đáp. Điều này không chỉ giúp học viên có hứng thú trong học tập mà còn tạo động lực cho giảng viên kết hợp giữa dạy “cái mình có” với “cái học viên cần”. Bên cạnh đó, mỗi học viên cần luôn luôn xác định đúng động cơ, mục đích của việc học tập lý luận chính trị, không chỉ là yêu cầu của công tác quản lý các bộ, công chức, viên chức mà còn là cơ hội quý báu cho học viên khi được Nhà trường định hướng, dẫn dắt về phương pháp, cách thức trang bị kiến thức, từ đó nâng cao năng lực và kinh nghiệm công tác, đáp ứng với yêu cầu của sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.
Đối với giảng viên. Khi lên lớp, thầy cô cần đẩy mạnh hiện thực hóa mô hình đổi mới phương pháp dạy - học theo nguyên tắc “3 tăng” (chủ động kết nối; tương tác, thảo luận; xử lý tình huống và tổng kết) “3 giảm” ( thụ động, độc thoại, lý thuyết) và đặc biệt phải tạo được sự gắn kết giữa thầy cô và học viên trong quá trình dạy-học. Trong quá trình này, học viên mong muốn thầy cô làm tốt hơn nữa vai trò định hướng, đồng hành và tạo động lực cho học viên. Ngoài ra, giảng viên cần tiếp tục tăng cường thường xuyên cập nhập những kiến thức mới vào bài giảng để tạo hứng thú học tập cho học viên, từ đó, học viên sẽ chủ động đọc trước giáo trình, dành thời gian cho việc chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận lý thuyết và thực tiễn ở trên lớp.
Đối với nhà trường. Với vai trò là nền tảng trong quá trình đào tạo, Nhà trường cần nghiên cứu hoàn thiện quy chế, quy định để đưa nội dung tự học, tự đọc vào tiêu chí đánh giá xếp loại kết quả học tập, rèn luyện. Đồng thời, Nhà trường cần quy định về sắp xếp thời gian phù hợp để học viên tự đọc giáo trình trước khi đến lớp, như: đọc giáo trình 15 phút đầu giờ học hay đọc giáo trình trong giờ ra chơi… Đặc biệt, Nhà trường cần tăng cường thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển văn hóa đọc bằng việc duy trì thiết lập các góc thư viện tại lớp, phát huy tủ sách di động ở các lớp. Bên cạnh đó, Nhà trường cần đổi mới đồng bộ các khâu, quy trình học tập, thi, kiểm tra, đánh giá; tăng cường các môn thi vấn đáp, trắc nghiệm. Ngoài ra, Nhà trường cần tạo động lực học tập đúng đắn cho học viên thông qua việc làm tốt công tác nghiên cứu, xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, phải thường xuyên đổi mới, bám sát và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cập nhật kịp thời thông tin mang tính thời sự để học viên thực sự nhận thấy lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn, từ đó sẽ nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị.
Đối với cơ quan, đơn vị cử học viên đi học. Cần tạo điều kiện cho học viên, không giao quá nhiều việc để học viên có thể yên tâm, dành thời gian cho khoá học. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình học tập của học viên; phối hợp với Nhà trường thực hiện công tác quản lý học viên đạt hiệu quả; đặc biệt, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị của học viên là tiêu chí để đánh giá cán bộ cuối năm.
Tóm lại: Đọc giáo trình là khâu chuẩn bị cho quá trình tiếp thu chuyên đề mới một cách chủ động, hiệu quả, hình thành cho học viên tính tích cực, tự giác học tập, tạo nên sự gắn kết giữa học với hành, giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng viên và học viên… Vì vậy, rất cần sự phát huy đồng bộ vai trò của tất cả học viên và giảng viên Nhà trường để thầy cô và học viên có cùng mục tiêu, cùng đồng hành, cùng tạo động lực, cùng đầu tư cho bài học để việc đọc giáo trình nói riêng, đọc sách nói chung sẽ thực sự trở thành văn hóa trong ngôi trường của Đảng./.
Học viên: Trần Thị Lành
Lớp: TCLLCT A5 - K51
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Điền Quang
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
256
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13369
Tháng này:
14357
Tất cả:
4.734.124