NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Một vài suy nghĩ về môn học Kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.

Đăng lúc: 09:05:30 27/11/2023 (GMT+7)1136 lượt xem

 Picture1 (36).png

Một
buổi học môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở lớp TCLLCT A1-K51
Là học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị lớp A1, khóa 51 Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa, không những bản thân tôi mà tất cả các đồng chí học viên học dưới mái trường này nói chung và lớp A1K51 nói riêng đều cảm nhận được sự nghiêm trang từ việc duy trì chế độ nề nếp, đến xây dựng các hoạt động tập thể và cách bài trí khẩu hiệu tuyên truyền. Điều đặc biệt cuốn hút học viên chúng tôi là từ cổng trường đến giảng đường, những tấm pano, áp phích đều giúp người học tập trung chú ý đến những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là phương châm và các mô hình hoạt động của Nhà trường.
Môn học đầu tiên lớp A1 được học là môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Thông qua 11 chuyên đề học viên nắm được những kiến thức cơ bản về hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và những kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; qua đó, giúp hình thành, củng cố những kỹ năng cơ bản cho học viên trong hoạt động lãnh đạo, quản lý và vận dụng các kỹ năng vào trong thực tiễn công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
2.png
Học viên lớp TCLLCT A1-K51 chủ động trong lĩnh hội kiến thức
bộ môn
Kỹ năng lãnh đạo quản lý
 
Có thể khẳng định, những bài giảng của các thầy, cô giáo Bộ môn Kỹ năng có sức lôi cuốn sự tham gia tích cực của học viên. Chúng tôi hiểu rằng, để có những bài giảng như vậy, các thầy cô đã nghiên cứu rất kỹ nội dung bài giảng trong giáo trình và  các tài liệu khác; đồng thời, có kiến thức lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực liên quan, như: tâm lý học, nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, xây dựng Đảng…Để bài giảng có tính thời sự và hấp dẫn người học, thầy cô chắc hẳn phải đầu tư thời gian thường xuyên cập nhật các nghị quyết, quy định mới của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật mới của Nhà nước, các tình huống, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Bên cạnh đó, trong các buổi học, thầy cô thường xuyên sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học tích cực nên kiến thức lý luận không còn nhàm chán, khô cứng và phát huy được tính chủ động của học viên khi tham gia xử lý các tình huống có liên quan đến nội dung bài giảng; qua đó, giúp học viên có sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nâng cao khả năng vận dụng tri thức vào xử lý công việccũng như khi có những tình huống thực tếxảy ra tại cơ sở.
Mặc dù thời gian phân bổ cho môn học không nhiều nhưng thầy cô phải trang bị cho người học lượngkiến thức tương đối lớn. Với sự trách nhiệm, tâm huyết của thầy cô bộ môn Kỹ năng lãnh đạo quản lý và với tinh thần học tập nghiêm túc, cầu thị của học viên, các chuyên đề học tập đã mang lại nhiều hứng thú cho người học khi nhận được nhiều kiến thức thực tế bổ ích. Qua môn học, học viên lớp TCLLCT A1-K51 được thầy cô phân tích sâu về những phẩm chất, thái độ, cách thức tạo quyền lực đối với nhà lãnh đạo quản lý; từ đó, học viên hiểu khả năng của mình hơn để tìm giải pháp thay đổi tư duy trong công việc. Chính những bài giảng bổ ích này đã phần nào thay đổi thái độ sống theo hướng tích cực cho học viên và chính những kiến thức môn học đã tác động cả về nhận thức, tư duy và định hướng hành động.
3.png
Học viên lớp TCLLCT A1-K51 thuyết trình bài tập thảo luận nhóm
trong giờ học
 bộ môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý
 
Vận dụng kiến thức môn học, học viên có thể xác định những cơ hội, cách thức mở ra nhiều mối quan hệ và tìm ra sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của cơ quan, đơn vị cũng như mục tiêu công tác của bản thân. Môn học thực sự thiết thực không chỉ đối với những học viên hiện đang làm công tác lãnh đạo, quản lý mà còn bổ ích đối với cả những học viên trong nguồn quy hoạch. Chúng tôi hiểu rằng, bất cứ tổ chức nào muốn phát triển thì chính mỗi cá nhân trong tổ chức đó phải là người lãnh đạo chính bản thân mình.
Thông qua môn học, học viên được hiểu rõ hơn về những yêu cầu đối với một người lãnh đạo, quản lý; đó là người tiên phong, định hướng, đồng hành và tạo động lực phát triển cho mỗi cá nhân trong tổ chức. Những ví dụ rất đơn giản và phổ biến mà thầy cô đưa ra trong bài giảng đã tạo được sự ảnh hưởng để học viên tư duy về sự lãnh đạo từ nội lực. Chính từ những hiểu biết này, học viên được truyền cảm hứng quyết tâm kiên nhẫn rèn luyện trong từng việc nhỏ, như trong Đạo Đức Kinh từng nhắc "Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ chuyện nhỏ. Các việc khó trong thiên hạ, đều là từ việc dễ mà thành; các chuyện lớn trong thiên hạ, cũng là từ chuyện nhỏ mà nên".
Sau khi học môn Kỹ năng lãnh đạo quản lý, bản thân tôi nhất định sẽ áp dụng kiến thức được thầy cô giảng dạy vào vị trí việc làm hiện tại; đồng thời, chắc chắn sẽ đầu tư nghiên cứu để điều chỉnh hợp lý đối với vai trò lãnh đạo của mình.
Thay mặt cho tập thể lớp Trung cấp lý luận chính trị A1-K51 xin khép lại bài viết bằng lời cảm ơn sâu sắc tới Nhà trường, tới các thầy giáo trong Ban Giám hiệu tham gia giảng dạy, cùng các cô giáo bộ môn Kỹ năng lãnh đạo, quản lý khoa Nhà nước và pháp luật đã truyền đạt cho học viên những kiến thức rất cần thiết, bổ ích và trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm để định hướng cho học viên tiếp tục nghiên cứu, học tập, rèn luyện để khoá học đạt kết quả cao nhất./.
Học viên: Nguyễn Bá Thành
Lớp: TCLLCT A1-K51
Đơn vị công tác: Trường Cao đẳng nghề số 4
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1073
Hôm qua:
2872
Tuần này:
13779
Tháng này:
20099
Tất cả:
5.318.373