NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ Trường Mầm non Hoằng Sơn 2, huyện Hoằng Hóa theo phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”

Đăng lúc: 16:04:45 15/09/2023 (GMT+7)965 lượt xem

 Để thực hiện hiệu quả phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, bên cạnh việc tổ chứchọc tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian qua, Trường Mầm non Hoằng Sơn 2, huyện Hoằng Hóa đã chủ động xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo, thu hút được sự tham gia tích cực của cán bộ, giáo viên và trẻ mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
1.png
Một buổi học của cô trò Trường Mầm non Hoằng Sơn 2
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu và quan tâm đặc biệt cho trẻ em. Bác nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”.
Trẻ em là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Muốn tồn tại và phát triển xã hội văn minh, phồn thịnh thì phải chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì thế, chăm sóc giáo dục trẻ mầm non đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Ngày 30 tháng 6 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025. Chuyên đề này nhằm tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ em; kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em mầm non; huy động sự tham gia của gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong thực hiện xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Để xây dựng được môi trường lấy trẻ làm trung tâm”, đòi hỏi ngườigiáo viên phải nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ sư phạmvà phải hiểu đặc điểm riêng của từng trẻ; đồng thời,phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ trong quá trình nuôi dưỡng,chăm sóc,giáo dục trẻ; tăng cường tổ chức các hoạt động cho trẻ nhằm khích lệ trẻ tự định hướng, sáng tạo trong quá trình học, cũng như tôn trọng tư duy và suy nghĩ của trẻ.
2.png
Các giờ học ở Trường Mầm non Hoằng Sơn 2
 
 Xác định được vai trò của phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”, trong những năm qua, Trường Mầm non Hoằng Sơn 2, huyện Hoằng Hóa đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các chương trình vì trẻ, đổi mới phương pháp nuôi-dạy trẻ. Hiện nay, Nhà trường có 20 giáo viên với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, được phân công quản lý 9 nhóm lớp. Đa số giáo viên Nhà trường có tuổi đời còn trẻ, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ. Chi bộ, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn nỗ lực cố gắng để tạo nên môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.
Là một đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nên Nhà trường xác định nhiệm vụ xuyên suốt phải xây dựng môi trường giáo dục để trẻ được phát triển toàn diện. Để thực hiện hiệu quả phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, bên cạnh việc tổ chứchọc tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian qua, Nhà trường đã chủ động xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo, thu hút được sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Có thể kể đến các hoạt động sáng tạo mà cán bộ, giáo viên Nhà trường đã tổ chức cho trẻ một cách hiệu quả: dạy bé vẽ tranh về gia đình, cha mẹ, ông bà hay thú cưng, nhân vật hoạt hình thậm chí là những hình ảnh nghuệch ngoạc; thiết kế các khu khám phá khoa học, thực hành các thí nghiệm đơn giản như pha mầu nước, một số chất tan trong nước, vật chìm, vật nổi, gieo hạt, tưới nước và quan sát quá trình nảy mầm của cây từ hạt; xây dựng mô hình Thư viện của bé với hơn 200 đầu sách, tổ chức giới thiệu sách kỹ năng sống, kể truyện cho trẻ nghe vào giờ hoạt động chiều, giờ hoạt động ngoài trời, qua giờ đón - trả trẻ và các giờ hoạt động góc.
Để trẻ thực sự vui vẻ khi đến trường, được vui chơi, học tập trong bầu không khí thân thiện, yêu thương, tôn trọng, được tự tin, năng động, sáng tạo, hợp tác, chia sẻ với bạn bè, cô giáo, Nhà trường xây dựng khu vực vui chơi phát triển vận động cho trẻ với các đồ chơi hỗ trợ cho các vận động như đi, chạy, bò trườn, trèo, bật nhẩy, tung ném bắt. Ngoài ra trẻ còn được tham gia các trò chơi dân gian chuyền chắt, ô ăn quan, cắp cua bỏ giỏ, gồng ghềnh, nhẩy bàn cò, kéo co…; qua đó, những trò chơi mang tính tập thể giúp cho trẻ gần gũi, thân thiện với cô giáo và bạn bè.
Đối với mô hình dinh dưỡng thông minh nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho bé mỗi ngày ở giai đoạn này, Nhà trường xây dựng thực đơn dinh dưỡng đầy đủ, thú vị và phù hợp với trẻ, tạo hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn. Với công thức dinh dưỡng kết hợp các dưỡng chất mà Nhà trường thực hiện, bé giảm số ngày nghỉ học do bệnh và nhờ đó có thể không ngừng học hỏi, phát triển trí não tốt hơn.
Có thể khẳng định, những mô hình đổi mới sáng tạo theo phương châm “lấy trẻ làm trung tâm” được thực hiện ở Trường Mầm non Hoằng Sơn 2 đã tăng cường sự tương tác giữa trẻ với giáo viên, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” ở Nhà trườngvẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Đa số giáo viên còn lúng túng khi lựa chọn các biện pháp, hình thức tổ chức các hoạt động để trẻ được tích cực,hứng thú. Nhiều giáo viênchưa định hướng chotrẻ chủ động trong quá trình học mà thường nói nhiều hoặc làm thay cho trẻ.
Nguyên nhân của việc xây dựng môi trường giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” ở Trường Mầm non Hoằng Sơn 2 chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn là do đa số giáo viên chưa thực sự hiểu bản chất của việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm hoặc hiểu nhưng việc áp dụng vào chương trình còn hạn chế. Nhiều giáo viên còn chưa mạnh dạn đổi phương pháp giáo dục, cònsợ sai.Nguyên nhân khách quan là do đa số trẻ còn thụ động, không mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, nguyên nhân là do đa số phụ huynh làm nông nghiệp, ít giao lưu và chưahiểu được tầm quan trọng của bậc học mầm non; do đó, phụ huynh còn lối tư duy cũ, quan niệm rằng trẻ đến trường mầm non là chỉ vui chơi nên không thường xuyên trao đổi và kết hợp với giáo viên quan để giáo dục trẻ. Một nguyên nhân nữa là do tài liệu chuyên sâu về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm còn chưa đa dạng và còn khó khăn khi tiếp cận.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các mô hình sáng tạo, góp phần thực hiện phương châm “lấy trẻ làm trung tâm” ở Trường Mầm non Hoằng Sơn 2”, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của vận dụng phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Hằng năm, Nhà trường cần tổ chức bồi dưỡng về phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thông qua các hình thứcbồi dưỡng về lý thuyếttổ chức thực hành.
Hai là, xây dựng kế hoạch thực hiện phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”. Ngay từ đầu năm học, Nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết bao gồm các hoạt động trong và ngoài lớp học gắn với phân công nhiệm vụ của từng giáo viên; chú trọng công tác phối hợp giữa Nhà trường với phụ huynh trong tiến trình thực hiện kế hoạch.
Ba là, chú trọng công tác tuyên truyền về phương châm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Nhà trường cần phát huy vai trò của giáo viên trong công tác tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ “lấy trẻ làm trung tâm” bằng các hình thức, phương pháp đa dạng; trong đó, tăng cường hiệu quả của việc phối kết hợp giữa phụ huynh với Nhà trường thông qua các buổi họp ban chấp hành phụ huynh hoặc gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh trên lớp, từ đó, vận động phụ huynh thực hiện “xã hội hoá” đối với các nội dung học tập của trẻ cần đầu tư về kinh phí.
Bốn, đẩy mạnh cácphong trào thi đua trong Nhàtrường; qua đó, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội đối với Nhà trường. Các phong trào thi đua có thểthông qua các  hội thi, ngày lễ, ngày hôi được tổ chức vui vẻ, tự nhiên, không căng thẳng, gò ép, nội dung phù hợp với khả năng, lứa tuổi, thể hiện tính phối hợp đồng đội của trẻ khi tham gia các nội dung thi.
Năm, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc giáo viên tích cực sử dụng phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm”. Thông qua công tác kiểm tra, người quản lý nắm được việc thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên để từ đó có những động viên, đôn đốc, uốn nắn giúp đỡ để giáo viên thực hiện công việc tốt hơn. Việc kiểm tra còn giúp người quản lý tìm ra nguyên nhân và những tồn tại, hạn chế của giáo viên để điều chỉnh các nội dung kế hoạch chỉ đạo, bồi dưỡng có hiệu quả hơn.
 Định hướng “lấy trẻ làm trung tâm” trong môi trường giáo dục mầm non đã và đang đạt được những hiệu quả nhất định; từ đó, góp phần củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục đối với thể hệ trẻ tương lai của đất nước. Từ những giải pháp trên, hy vọng, Trường Mầm non Hoằng Sơn 2, huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng của phương châm “lấy trẻ làm trung tâm” cũng như chất lượng giáo dục của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay./.
                                                Học viên: Dương Thị Hồng Yến
                                                Lớp: TCLCT A8-K50
------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình giáo dục mầm non theo thông tư 51-2020-TT-bộ GD&ĐT ngày 31/12/2020
2. Báo cáo tổng kết Trường Mầm non Hoằng Sơn 2, huyện Hoằng Hoá, năm học 2022-2023
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2011
Hôm qua:
2329
Tuần này:
11845
Tháng này:
18165
Tất cả:
5.316.439