NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Đăng lúc: 15:40:54 22/12/2023 (GMT+7)470 lượt xem

 Những kết quả điều tra, nghiên cứu bảo tồn được công bố trên các tạp chí khoa học của Việt Nam và thế giới là sản phẩm của sự nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu khoa học của tập thể công chức, viên chức Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, góp phần nâng cao giá trị, vị thế của Khu Bảo tồn ở trong nước và quốc tế, tạo nền tảng gắn kết, đưa hoạt động bảo tồn thiên nhiên của Đơn vị từng bước ổn định và phát triển bền vững.
1.png
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được giao quản lý diện tích 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất,cách thành phố Thanh Hoá 65 km; là khu vực chuyển tiếp giữa 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ nên có tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó có trên 5.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm cổ thụ hàng ngàn năm tuổi cần được bảo vệ và bảo tồn phát triển nguồn gen, điển hình có 2 quần thể loài là Pơ mu và Sa mu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Rừng đặc dụng Xuân Liên hiện ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao, có 56 loài thực vật quý hiếm. Khu hệ động vật đã ghi nhận tổng số 1.811 loài động vật hoang dã, có 94 loài động vật quý hiếm. Các loài động thực vật quý hiếm đều thuộc các danh mục như sách đỏ Việt Nam 2007, danh lục IUCN, NĐ 84/2021/NĐ-CP và Cites.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, với nhiều thác nước, nhiều hang động và lòng hồ rộng lớn 3.300 ha, cùng với những thửa ruộng bậc thang, bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái, Mường và danh lam thắng cảnh Đền Cầm Bá Thước, Bà chúa thượng ngàn, Hội thề Lũng Nhai,… đã tạo cho Khu BTTN Xuân Liên có những nét đẹp độc đáo riêng, thu hút sự quan tâm của du khách và nhà đầu tư.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và đạt được những kết quả cụ thể trong công tác quản lý, bảo tồn các loài thực vật và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.Theo đó,Khu bảo tồn đã triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, như: xác định được sự phân bố, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học, tái sinh và đưa ra các giải pháp bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với các loài Hạt trần, các loài Re hương, Sến mật, Bách Xanh, Vù hương, Re gừng, các loài trong họ Ngọc Lan…; điều tra 85 loài Lan, bảo tồn nguồn giống gốc 3 loài Lan quý; nhân giống bằng phương pháp giâm hom và ghép chồi đối với loài Giổi ăn hạt, loài dược liệu Na rừng, nhân giống thành công các loài cây bản địa cho trồng rừng gỗ lớn Ràng ràng mít, Mỡ, Vạng trứng… Thông qua hoạt động điều tra, bảo tồn hệ thực vật, Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học đã phát hiện 06 loài mới cho khoa học, trong đó 03 loài đặc hữu chỉ có tại Xuân Liên; 01 loài đặc hữu của khu vực Trung Bộ và 02 loài đặc hữu của Việt Nam.
Kết quả triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bảo tồn các loài động vật tại Khu BTTN Xuân Liên đã có nhiều công bố quan trọng: công bố giám sát loài Vượn đen má trắng; xác định được 8 đàn Voọc xám với số lượng cá thể đến 224 cá thể; xác định sự phân bố của 4 loài khỉ thuộc giống; ghi nhận sự phân bố của 2 loài Cu li thuộc giống Nycticebus; điều tra sự phân bố và thực hiện công tác bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với 5 loài Rùa; điều tra nghiên cứu ghi nhận 252 loài chim thuộc 55 họ, 17 bộ; xác định có 10 loài chim quý, hiếm có giá trị bảo tồn; xác định sự phân bố của 2 loài Mang.
Bên cạnh những hoạt động điều tra, nghiên cứu động, thực vật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, Khu BTTN Xuân Liên là đơn vị duy nhất trong tỉnh và đi đầu trong cả nước về ứng dụng thành công hệ thống GPS-Photo Link để quản lý, giám sát cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn bằng phần mềm và trên Website của khu bảo tồn. Ứng dụng phần mềm Smart phone, GPS, Mapinfor, có hình ảnh trực quan gắn với định vị tọa độ trên bản đồ và tích hợp thông tin dữ liệu trong bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART). Việc ứng dụng phần mềm góp phần quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và công tác chỉ đạo điều hành của Đơn vị.
Từ những kết quả này cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liênthời gian qua có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ an toàn, nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có, giúp công tác chỉ đạo điều hành của đơn vị đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồnnhận thức, trách nhiệm của cồng đồng và chính quyền vùng đệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu khoa học nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Xuân Liêncũng còn một số hạn chế nhất định, như: chương trình nghiên cứu khoa học mới chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn,còn ít các nghiên cứu ứng dụng tạo sản phẩm hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân và thu hút cộng đồng tham gia bảo vệ rừng bền vững; chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên môn hóa chuyên sâu theo từng lĩnh vực để chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu; tính chủ động phát hiện vấn đề mới trong công tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế; chưa kêu gọi và thu hút được nhiều dự án quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn loài và phát triển kinh tế vùng đệm.
Để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết phải tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn và về ứng dụng tạo sản phẩm hàng hóa. Cấp uỷ, Lãnh đạo Ban cần tăng cường việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức Khu Bảo tồn về tầm quan trọng, tính cấp thiết phải tập trung tiếp tục ứng dụng công nghệ, nhân rộng các sáng kiến, như: “Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên bằng phần mềm Smat phone; mềm GPS- Photo Link; bản đồ số, số hóa các tài liệu; sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh; cập nhập diễn biến tài nguyên rừng thông qua ảnh vệ tinh.
Từ những kết quả đã đạt được và những ứng dụng các tiến bộ khoa học trong việc bảo tồn và ứng dụng sản phẩm, các bộ phận chuyên môn cần tăng cường công tác chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung để nâng cao chất lượng rừng; đẩy mạnh việc sản xuất các loài cây bản địa có sức chống chịu cao, phù hợp với các vùng sinh thái. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn nghiên cứu, đánh giá các mô hình sinh kế, các mô hình du lịch sinh thái, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, nông lâm kết hợp dưới tán rừng đặc dụng, rừng sản xuất, từ đó sẽ để nhân rộng, chuyển giao, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học.Để thực hiện công tác nghiên cứu chuyên sâu, Khu BTTN Xuân Liên phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ năng lực. Theo đó, cần thường xuyên cử cán bộ chuyên môn của Khu Bảo tồn đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn ở Trung ương, thậm chí ở nước ngoài. Lãnh đạo Khu Bảo tồn cần lập kế hoạch dài hạn đối với việc cử cán bộ nghiên cứu khoa học đi đào tạo, bồi dưỡng; động viên, khuyến khích cán bộ, viên chức không ngừng học tập, rèn luyện ngoại ngữ và đam mê nghiên cứu khoa học. Đồng thời, kịp thời biểu dương, ghi nhận, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của những cán bộ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực phát hiện vấn đề mới trong công tác nghiên cứu khoa học.
Ba là, phát huy sự chủ động, sáng tạo của lãnh đạo Khu BTTN Xuân Liên trong việc phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học.Trên cơ sở định hướng, mục tiêu quốc gia, chỉ đạo của tỉnh, lãnh đạo Khu Bảo tồn cần tập trung đẩy mạnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề tài, xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt là các dự án về bảo tồn và phát triển sinh vật, phát triển du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn, dự án phát triển kinh tế nâng cao đời sống Nhân dân vùng đệm, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, cần chủ động, sáng tạo trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ủy thác trồng rừng thay thế, vốn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ, vốn liên doanh, liên kết và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Ngoài ra, cần chủ động xây dựng các đề xuất dự án về nghiên cứu khoa học; trong đó, chú trọng, tập trung vào các loài đặc hữu, quý hiếm đề xuất các cấp, các ngành, các tổ chức bảo tồn động, thực vật phê duyệt, tài trợ kinh phí thực hiện. Đồng thời, tăng cường liên kết, phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học có uy tín để hợp tác trao đổi, chuyển giao công nghệ.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển hơn nữa, Lãnh đạo Khu Bảo tồn cần tăng cường công tác lãnh chỉ đạo việc đầu tư phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Từ kinh phí củacác dự án về nghiên cứu khoa học, cần nghiên cứu để trích một phần cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài của Khu Bảo tồn; từ đó, phát huy sự năng động trong thu hút các nhà đầu tư lớn và xã hội hoá trong nghiên cứu những sản phẩm có tính ứng dụng cao, nâng cao đời sống của bà con nhân dân quanh vùng.
Với sự quan tâm của Đảng uỷ, sự chỉ đạo cụ thể của Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu khoa học của tập thể công chức, viên chức Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ an toàn, nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Thường Xuân./.
Học viên: Lê Thị Trang - Lớp TCLLCTB35
Đơn vị công tác: Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Thiên
-------------------------------
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
-         Tạp chí Khám phá Discover Magazine, năm 2020
Số lượt truy cập
Hôm nay:
903
Hôm qua:
1697
Tuần này:
903
Tháng này:
62583
Tất cả:
4.427.463