NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hiện nay

Đăng lúc: 07:05:37 25/11/2024 (GMT+7)325 lượt xem

 t1.png

Học viên lớp TCLLCT A1.K52 chụp ảnh lưu niệm
với các giảng viên Trường Chính trị tỉnh
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”; Quan điểm của Bác đã cho thấy tầm quan trọng của yếu tố đạo đức với mỗi nhà giáo nói riêng và mỗi người dân nói chung. Bác cũng chỉ ra rằng: “Đức dục - là yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.
Nghề giáo - nghề trồng người luôn đòi hỏi rất cao về chuyên môn lẫn sự mẫu mực đạo đức. Tiêu chuẩn cơ bản của nhà giáo được quy định theo Luật Giáo dục 2019. Đạo đức nhà giáo và quy định về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo đã được ban hành tại Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16 tháng 4 năm 2008. Mục đích quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.
Theo đó, đạo đức nghề nghiệp được cụ thể hoá tại Điều 4 như sau: (1) Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. (2) Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. (3)Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí..(4) Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Thực trạng về giáo dục và đào tạo đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết ra đời với vai trò vô cùng quan trọng và cho thấy rõ đường lối của Đảng: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
Đứng trước thực trạng đáng báo động khi một bộ phận không nhỏ nhà giáo suy thoái đạo đức và đạo đức nghề nghiệp, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò, xã hội và làm ảnh hưởng tới ngành giáo dục. Nguyên nhân khách quan có thể điểm qua là sự bất cập của cơ chế, chính sách và quản lý; sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và thời kỳ 4.0 hiện nay; sự bất cập trong công tác tuyển chọn và đào tạo giáo viên và hạn chế trong công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức - lối sống của ngành giáo dục. Nguyên nhân chủ quan có thể điểm qua là sự tâm huyết với nghề giáo của một bộ phận nhà giáo bị suy thoái; áp lực của nghề nghiệp, gia đình và xã hội và một bộ phận nhà giáo còn yếu về năng lực sư phạm và chuyên môn.
Sau đây là một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu thời kỳ hiện nay.
Một là, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi nhà giáo là một chiến sĩ. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp cần gắn với đạo đức cách mạng, góp phần hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản của mỗi nhà giáo. Mỗi nhà giáo cần xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực, làm tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Hai là, nâng cao chất lượng đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách đối với giáo dục và đào tạo. Điều kiện cuộc sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Giải pháp này góp phần để các nhà giáo giảm áp lực, yên tâm công tác và phát huy vai trò là người dẫn đường mẫu mực, tấm gương sáng về trí tuệ và đạo đức và người bạn lớn, người đồng hành tin cậy của học trò trên con đường tìm kiếm tri thức và lẽ sống.
Ba là,nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và giáo dục đạo đức - lối sống đối với các nhà giáo. Phẩm chất đạo đức - lối sống của nhà giáo là nền tảng để làm tròn sứ mệnh “trồng người”. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo và quản lý trong giáo dục và đào tào góp phần tạo ra môi trường và động lực để các nhà giáo phát huy hết năng lực và tiềm năng của mình.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và bồi dưỡng. Vì nghề giáo-nghề trồng người luôn đòi hỏi rất cao về chuyên môn lẫn sự mẫu mực đạo đức, nên cần tuyển những người có đủ tâm - tầm - tài để thực hiện nhiệm vụ của ngành. Công tác bồi dưỡng cũng cần được nâng cao chất lượng. Bác đã dặn dò: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trước lúc đi xa, Bác còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Chất lượng giáo viên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần tuyển chọn được những học sinh có đủ phẩm chất năng lực, phù hợp với nghề giáo và tổ chức thực hiện đào tạo với chương trình đào tạo tốt.
Bảy là, nâng cao chất lượng tự học, tự bồi dưỡng của mỗi nhà giáo. Mỗi nhà giáo phải không ngừng trau dồi và rèn luyện “Đức-Trí” của mình để đáp ứng được vị trí, vai trò và công việc của vị trí việc làm tương ứng, làm tròn bổn phận và trách nhiệm mà Đảng, nhân dân giao phó.
Tám là,tăng cường công tác kiểm tra và giám sát; tăng cường công tác đánh giá, tổng kết và thi đua khen thưởng.
Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tổ chức và hành động của hệ thống chính trị sẽ từng bước đổi mới thành công nên giáo dục và đào tạo của nước nhà; xây dựng được tập thể các nhà giáo vừa hồng vừa chuyên góp phần thiết thực trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, xứng đáng với lời tôn vinh của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí; sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo".
Học viên: Lê Trần Tình
Lớp: TCLLCT A1-K52
Đơn vị công tác: Trường Đại học Hồng Đức
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
331
Hôm qua:
1999
Tuần này:
10419
Tháng này:
65407
Tất cả:
5.289.638