NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945- 2/9/2024)!

Sự ra đời của “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” và toạ đàm với chủ đề “Sách cho bạn và cho tôi” của lớp TCLLCT B37

Đăng lúc: 08:36:01 28/05/2024 (GMT+7)185 lượt xem

 Thực hiện Đề án phát triển văn hoá đọc, vào ngày 21/4 hàng năm, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để thúc đẩy phong trào đọc sách trong học viên các lớp, như: trưng bày mô hình sách; tổ chức các buổi toạ đàm về chủ đề sách và văn hoá đọc; giới thiệu sách…
s1.jpg

Buổi toạ đàm “Sách cho bạn và cho tôi” của lớp TCLLCT B37
 
Đời sống của con người được tạo dựng lên từ hai phương diện: vật chất và tinh thần; trong đó, đời sống vật chất được chăm sóc bởi các phương tiện kỹ thuật, khoa học công nghệ với trình độ ngày càng hiện đại. Theo đó, đời sống tinh thần của xã hội cũng đòi hỏi cần được quan tâm, chăm sóc ở mức độ tương ứng. Sự chăm sóc đời sống tinh thần bằng những cuốn sách là một sự chăm sóc có giá trị. Mỗi một cuốn sách mà chúng ta đọc được ví như là một loại gia vị góp phần làm cho cuộc sống phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn và sống có chất lượng hơn. Triết gia nổi tiếng Ấn Độ J. Krishnamurti đã từng nói: Tâm hồn của chúng ta mở ra đến đâu thì thế giới cũng mở ra đến đó.
Lịch sử đời sống xã hội qua các thời đại luôn coi việc đọc sách là một trong những phương thức để hoàn thiện nhân cách, để tiến hoá trong đời sống cá nhân và đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại. Lịch sử “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4. Trong ngày lễ đó, họ yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó, hàng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó, hoạt động văn hóa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á dưới nhiều hình thức, như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, v.v…
Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (từ ngày 25/10 - 16/11/1995), tổ chức Văn hóa, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day). Hiện nay, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của toàn xã hội.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, xem việc phát triển văn hóa đọc chính là một trong những động lực, công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở Việt Nam, vào ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” kèm Quyết định số 329/QĐ-TTg.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam gắn với sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam; đó là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam năm 1927. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Theo đó, việc chọn “Ngày sách Việt Nam” gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, khuyến khích mọi người đọc sách, tôn vinh giá trị của sách; đồng thời, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Thực hiện Đề án phát triển văn hoá đọc, vào ngày 21/4 hàng năm, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để thức đẩy phong trào đọc sách trong các lớp, như: trưng bày mô hình sách; tổ chức các buổi toạ đàm về chủ đề sách và văn hoá đọc; giới thiệu sách…
s2.png

Tập thể lớp TCLLCT B37 chụp ảnh lưu niệm sau toạ đàm
 
Cùng với học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại trường, lớp B37 đã tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Sách cho bạn và cho tôi” để góp phần cùng Nhà trường lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng. Với mong muốn mang lại những cuốn sách hay đến với người tham dự toạ đàm, Ban tổ chức đã giới thiệu hai tác phẩm giá trị; đó là: Cuốn sách “Những mô hình sáng tạo vì học viên” do TS. Lương Trọng Thành chủ biên cùng sự tham gia của một số cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá; và Cuốn sách “Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ” của tác giả Đỗ Hoàng Linh và các tác giả khác sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn. Qua sự giới thiệu của hai học viên trong lớp về hai cuốn sách, học viên trong lớp đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về sự ra đời, ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam và đặc biệt là giá trị của hai cuốn sách./.
Học viên: Đới Thêu
Lớp: TCLLCT B37
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
561
Hôm qua:
1439
Tuần này:
13674
Tháng này:
14662
Tất cả:
4.734.429